Thời tiết bắt đầu vào giai đoạn rét đậm, rét hại nên công tác phòng chống đói rét, bệnh t ật cho gia súc (nhất là trâu, bò) trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai lại được đặt ra cấp thiết. Chính quyền, các bộ phận chuyên môn và người dân trên địa bàn huyện đang tích cực áp dụng nhiều biện pháp chống rét để bảo vệ đàn vật nuôi.
Chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc bằng cách tăng cường dự trữ nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại, quây bạt kín và đốt lửa để tạo khí ấm tại khu vực nuôi nhốt gia súc, không thả trâu, bò trong những ngày có nhiệt độ dưới 12 độ C… là những biện pháp cơ bản được các cơ quan chuyên môn của huyện khuyến cáo và người dân đặc biệt chú trọng thực hiện trong những ngày rét đậm. UBND huyện đã có công văn chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường công tác này. Trong đó nêu cao tinh thần tích cực, chủ động nắm bắt tình hình và đẩy mạnh tuyên tuyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức bảo vệ đàn vật nuôi. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện cũng như rút kinh nghiệm qua những năm trước, ngày khi mùa rét đến, các xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi; Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn và tăng cường cử cán bộ hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp cần thiết, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Anh Tạ Xuân Hoàng, Trạm trưởng Trạm Thú y Võ Nhai cho biết: Chúng tôi đã tập huấn và tuyên truyền cho bà con phòng, chống các loại bệnh trên gia súc thường phát sinh trong mùa rét, như bệnh cước chân ở trâu, bò hoặc các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở lợn.
Thần Sa hiện có số 531 con trâu, bò (trong đó có 414 con trâu), đây là xã thuộc khu vực có khí hậu mùa đông tương đối khắc nghiệt, nhiệt độ trung bình thấp hơn nhiều nơi khác trong tỉnh. Theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã thì vào những ngày giá rét, người dân trong xã không còn thả rông trâu, bò trên rừng mà đã làm chuồng trại cẩn thận để nhốt, tích cực dự trữ rơm và cỏ khô làm thức ăn cho chúng. Mới đây, xã đã quán triệt cán bộ chuyên môn và các xóm nhắc nhở, hướng dẫn bà con quan tâm phòng, chống rét cho gia súc, không để gia súc bị chết rét, đói… Gia đình anh Đồng Văn Tiếp, xóm Trung Sơn có 4 con trâu, ngay những ngày đầu mùa rét, anh đã quây bạt cẩn thận để chống rét cho chúng. Gần 10 giờ sáng ngày 19-12, mặt trời đã lên cao nhưng gia đình anh vẫn nhốt trâu trong chuồng để tránh rét và cho chúng ăn tại chuồng. Anh Tiếp bảo, 4 con trâu là tài sản lớn nên gia đình tôi không thể chủ quan. Còn ông Đồng Văn Tưng, Trưởng xóm Trung Sơn (gia đình đang nuôi 5 con trâu) cho biết: Xóm có 75 con trâu và 29 con bò, từ đầu mùa rét, xóm đã tuyên truyền bà con giữ ấm cho gia súc, những hôm trời rét và có mưa, chúng tôi trực tiếp nhắc nhở bằng điện thoại với hộ dân nào vẫn thả rông trâu, bò.
Cũng như Thần Sa thì các xã trên địa bàn huyện cũng đang tích cực, chủ động triển khai công tác chống rét và dịch bệnh gia súc. Xã Thượng Nung là địa phương có số lượng bò lớn nhất huyện (632 con bò và 265 con trâu), đặc biệt đàn bò tập trung chủ yếu ở 3 xóm người dân tộc Mông. Cũng do làm tốt công tác tuyên truyền mà nhận thức, ý thức chống rét cho trâu, bò của bà con người Mông hiện đã được nâng cao hơn trước rất nhiều. Trong những ngày trời rét đậm, bà con nhốt bò và cho chúng ăn thức ăn dự trữ như ngô, cỏ hoặc rơm, “mặc ấm” cho những chú bê con. Còn đối với xã Sảng Mộc, cũng nhờ tích cực áp dụng các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi nến đến thời điểm này, 726 con trâu, bò của người dân trong xã vẫn an toàn, ông Nông Quý Dương, Chủ tịch UBND cho biết: Xã đã họp Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, quán triệt, yêu cầu các thành viên thường xuyên cùng với cán bộ xóm tuyên tuyền, nhắc nhở bà con không chủ quan trong những ngày mưa rét.
Huyện Võ Nhai có tiềm năng phát triển chăn nuôi, đại gia súc, thời điểm này, toàn huyện có 5.784 con trâu, 1.638 con bò. Theo anh Triệu Văn Hiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì ý thức phòng, chống đói rét cho vật nuôi của người dân trên địa bàn đã chuyển biến tích cực, một mặt bởi đó là tài sản lớn đối với bà con, mặt khác do huyện thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác này trong mùa rét. Vì vậy, khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện hầu như không có thiệt hại do trâu, bò bị chết rét trong mùa đông, tuy nhiên, thời tiết luôn diễn biến phức tạp nên tuyệt đối không thể chủ quan… Theo dự báo thì cuối tháng 12 này sẽ tiếp tục có những đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, gây rét đậm, rét hại, nhất là ở vùng núi cao. Người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo, nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế có thể xảy ra.