Trăn trở của một làng nghề mây tre đan

08:38, 20/12/2013

Ngày 10-12 vừa qua, nhân dân xóm Phú Yên (xã Phấn Mễ, Phú Lương) đã  tổ chức đón Bằng công nhận Làng nghề mây, tre đan Phú Yên. Đây được xem là niềm vui lớn nhưng nhiều người làm nghề ở đây vẫn không khỏi băn khoăn về tương lai của làng nghề.

Người dân xóm Phú Yên chủ yếu là dân di cư từ xã Tiên Phong (huyện Phổ Yên), nơi vốn có nghề mây tre đan truyền thống. Ban đầu, họ thành lập Hợp tác xã trồng cây công nghiệp xã Phấn Mễ. Tuy nhiên do đất ở đây chủ yếu là đá "mồ côi", cây chè khó phát triển, không đảm bảo được thu nhập nên nhiều hộ đã tìm về với nghề đan thúng, xảo, nia… truyền thống.

 

Ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng xóm Phú Yên cho biết: Xóm không có đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng cây lâm nghiệp lại ít, trung bình mỗi hộ chỉ có khoảng 1ha đất rừng nên nghề mây tre đan trở thành nghề phụ đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong xóm. Toàn xóm có 49 hộ thì có đến 32 gia đình làm nghề. Việc sản xuất sản phẩm mây tre đan đang tạo việc làm cho 115 lao động với mức thu nhập bình quân trên 1,2 triệu đồng/người/tháng. Nhờ thu nhập đáng kể từ nghề này, từ một xóm còn nhiều khó khăn, đến nay, Phú Yên không còn hộ nghèo.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều người làm nghề mây, tre đan ở Phú Yên vẫn còn không ít băn khoăn. Ông Hoàng Đình Minh, một người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề ở xóm cho biết: Trung bình mỗi tháng, thu nhập từ việc bán sản phẩm của gia đình tôi là 4 triệu đồng. Nếu chỉ có thu nhập từ nghề mây tre đan sẽ không đủ chi phí sinh hoạt cho 6 người trong gia đình.

 

Theo ông Lập: Thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng không phải là cao nhưng tạm coi là đủ sống với những người ở nông thôn. Tuy nhiên, vì sản phẩm thiếu đa dạng nên hàng hóa của bà con chủ yếu được bán ở các chợ chứ chưa xuất hàng loạt cho một đầu mối nào. Thêm vào đó, đoạn đường 2,5km từ trung tâm huyện vào xóm là đường đất, đá lởm chởm, những ngày trời mưa trơn trượt, lầy lội khiến việc tiêu thụ sản phẩm của bà con càng gặp khó khăn. Chúng tôi thường phải mang sản phẩm ra chợ thị trấn Đu để bán.

 

Được biết, sản phẩm mây tre đan của xóm Phú Yên chủ yếu được tiêu thụ tại huyện Phú Lương, Đại Từ và tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, trước thực tế nhu cầu của phần lớn người dân hiện nay là chuộng rổ, rá… bằng nhựa, inox hơn là tre, nên những sản phẩm mây tre đan sẽ ngày càng có ít người sử dụng. Điều này chính là tín hiệu không an toàn đối với một làng nghề như Phú Yên.

 

Ông Bàng Quang Thắng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Lương cho biết: Xóm Phú Yên là một trong số ít những làng nghề mây, tre đan còn tồn tại và phát triển ổn định trên địa bàn huyện Phú Lương. Chúng tôi vẫn đang khuyến khích bà con vẫn phát triển nghề đan các sản phẩm truyền thống. Và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương mở lớp dạy nghề đan giỏ hoa, quả cho bà con xóm Phú Yên để làm ra các sản phẩm mới, đa dạng trước mắt phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại huyện.

 

Ông Lập cho biết thêm, mây tre đan là nghề truyền thống của xóm nên bà con ở đây vẫn quyết tâm bám nghề và đưa mây tre đan Phú Yên phát triển hơn nữa. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ mong muốn các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện để người dân của xóm được học, làm ra những sản phẩm tinh xảo, có thể xuất khẩu đảm bảo việc làm thường xuyên cho các hộ làm nghề, để sản phẩm mây tre đan không chỉ là nghề xóa đói giảm nghèo mà còn có thể làm giàu cho người dân Phú Yên.