Yên Đổ phát triển nghề chế biến gỗ

14:54, 24/12/2013

Yên Đổ là xã có diện tích rừng trồng lớn nhất so với các địa phương khác của huyện Phú Lương. Đây cũng là lợi thế để phát triển nghề chế biến lâm sản của xã. 

Ông Cao Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho biết: Thuận lợi về diện tích rừng trồng lớn với 1.600 ha toàn xã là một trong những đòn bẩy để thúc đẩy các cơ sở chế biến lâm sản hình thành. Hiện nay, nghề chế biến lâm sản là một trong những nghề đóng vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế của địa phương. Trong tổng số 34 cơ sở chế biến lâm sản (chủ yếu là chế biến gỗ bóc và gỗ thương phẩm) trên địa bàn, hàng năm đã thu mua trên 10.000m3 gỗ và giải quyết việc làm cho hằng trăm lao động của địa phương…”.

 

Chúng tôi đến thăm cơ sở chế biến gỗ của anh Đinh Viết Mười, xóm Phố Trào là một trong những cơ sở chế biến gỗ lâu năm của xã Yên Đổ. Anh Mười cho biết: Năm 2002, cơ sở chế biến gỗ của gia đình tôi được cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, trong khoảng 4 năm trở lại đây thì cơ sở chế biến gỗ mới thật sự phát triển mạnh. Chúng tôi chủ yếu chế biến gỗ keo thành các thang giường, giát giường. Tính trung bình, mỗi tháng chúng tôi xuất được khoảng trên 100m3 gỗ tròn và gỗ đã chế biến ra thị trường; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Sỹ cho biết: Tôi đã làm việc ở đây được khoảng gần 7 năm. Trước đây, cuộc sống gia đình tôi khá vất vả, song từ khi làm việc tại đây, thu nhập của tôi cũng ổn định nên cuộc sống gia đình tôi cũng khấm khá hơn. Trung bình mỗi ngày làm việc tôi được trả 150.000 đồng, mỗi tháng cũng có gần 5 triệu đồng….

 

Còn cơ sở chế biến lâm sản của gia đình bà Lương Thị Cương, xóm Đá Mài là một trong những cơ sở chế biến ván bóc lớn của xã Yên Đổ hiện nay. Trung bình mỗi ngày cơ sở của bà Cương chế biến được khoảng 15m3 gỗ keo tròn, sản phẩm sau chế biến thu được khoảng 11m3 ván bóc. Bà Cương cho biết: Trung bình khoảng 3 ngày, nếu thời tiết thuận lợi, cơ sở của tôi lại xuất bán được trên 30m3 ván bóc đi thị trường Hà Nội với giá trị khoảng 80 triệu đồng. Nhờ đảm bảo được đầu ra, thị trường ổn định mà cơ sở của gia đình tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Trương Thanh Dũng, Phó b an Lâm nghiệp xã Yên Đổ cho biết: Nếu như trước đây toàn xã chỉ trồng rừng hỗn giao, chủ yếu là bạch đàn và các loại cây gỗ tạp khác thì sau gần 10 năm mới cho khai thác và năng suất cũng chỉ đạt 30-40 m3/ha. Bây giờ người dân đã phá bỏ diện tích bạch đàn kém hiệu quả thay bằng giống keo ngoại, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên bình quân đạt mỗi ha đạt 70- 80m3 gỗ. Hơn nữa, việc khai thác rừng trồng cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều bởi khi rừng đến tuổi khai thác thì chủ các cơ sở chế biến đến tận nơi để thu mua. Do vậy hàng năm, diện tích rừng trồng mới của xã ngày một tăng. Năm 2012, người dân trồng mới được trên 94 ha rừng thì năm 2013, diện tích rừng trồng đã lên đến gần 130 ha. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân. Hiện thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 14 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2012 …

 

Có thể nói, chế biến lâm sản đã và đang là ngành nghề đóng vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế của xã Yên Đổ. Theo số liệu thống kê, từ 34 cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn xã, mỗi năm đã xuất một khối lượng lớn gỗ thành phẩm ra thị trường các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Tính riêng trong 2 năm gần đây (2011 và 2012), lượng gỗ xuất ra của các cơ sở chế biến lâm sản gần 27.000m3 gỗ. Từ đó đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nhân dân.