Sau gần 2 năm đi vào hoạt động (từ tháng 3-2012 đến nay), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT đã nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng của mình trên thương trường. Hơn thế, Công ty được những người lao động gắn bó, coi như ngôi nhà thứ 2 của mình.
Trong “làng may mặc” trú chân trên đất Thái Nguyên, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (Điềm Thụy - Phú Bình) được coi là thành viên trẻ nhất nhưng bằng chất lượng sản phẩm, TDT đã chiếm được thị phần khá lớn trên thương trường quốc tế. Ông Chu Thuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Sản phẩm của Công ty chủ yếu là hàng may mặc, gồm quần âu, áo jacket được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và các nước trong khối EU. Năm 2013, doanh thu của TDT là 58 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch năm. Lương bình quân người lao động trực tiếp đạt 3,95 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,25 triệu đồng/người/tháng so với năm 2012. Các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Công ty thực hiện đầy đủ cho người lao động theo Luật định.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Tuyến, Chủ tịch Công đoàn nhấn mạnh: Đó là lương của người lao động làm việc trực tiếp tại các dây chuyền sản xuất. Còn nếu tính bình quân người lao động trong Công ty, thì mức lương đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng. Một số thợ may giỏi làm việc tại các công đoạn chính và vận hành máy chuyên dụng như anh Nguyễn Tiến Đạt, tổ 4; chị Nguyễn Thị Nhung, tổ 1 và chị Bạch Thị Uyên, tổ 2… có tháng đạt mức lương 8 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2013, nhân dịp Tết Giáp Ngọ, Công ty quyết định thưởng tháng lương thứ 13 cho tất cả cán bộ công nhân viên. Anh Nguyễn Xuân Lam, Tổ cơ điện cho biết thêm: “Thợ thuyền” chúng tôi gắn bó với Công ty vì TDT trả lương thợ tương xứng với công sức bỏ ra của mỗi người. Cũng nhờ được làm việc tại đây, gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều so với trước.
Năm 2012, anh Lam được Công đoàn ngành Công Thương khen thưởng vì đã có sáng kiến cải tiến chiếc máy may thành máy lộn cá. Sáng kiến này của anh đã giúp Công ty giảm được hàng trăm triệu đồng tiền chi phí mua máy móc thiết bị mới, mà chất lượng sản phẩm vẫn bảo đảm theo yêu cầu của bạn hàng.
Anh Lam là một trong gần 1.100 lao động làm việc trực tiếp tại dây chuyền may mặc của Công ty, trong đó có gần 90% người lao động là con em của huyện Phú Bình, còn lại là T.P Thái Nguyên và các nơi khác. Ông Tuyến cho biết thêm: Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, Công ty tổ chức nấu ăn ca tại chỗ, 12.000 đồng/suất ăn. Tiền ăn ca được Công ty bao trọn, không trừ vào lương của cán bộ cũng như người lao động trực tiếp.
Ông Dương Hữu Huỳnh, bếp trưởng của Công ty cho biết: Để bữa ăn ca cho cán bộ, công nhân bảo đảm, Nhà bếp chủ động hợp đồng với các cá nhân, đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm mà không qua khâu trung gian. Vì thế bữa ăn ca trong Công ty không bị đội giá. Cũng ở khu nhà ăn ca, chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên phòng hành chính cho biết: Trung bình mỗi ngày, chị tiếp nhận 1 tạ rau xanh các loại; 1,5 tạ gạo và 90kg thịt lợn. Còn theo chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ y tế trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn thì: Nhà bếp luôn phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình về thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm nghiêm khâu tiếp nhận rau, thịt phải tươi; gạo không có hiện tượng bị mốc; bát, đĩa, đũa… được rửa sạch sẽ, khô ráo.
Chị Dương Thị Mai, thợ may ở tổ 3 mộc mạc bảo: Tuy chế độ ăn ca 12.000 đồng/suất, nhưng nhà bếp không hạn chế sức ăn của ai. Là thanh niên như chúng tôi, mức ăn như thế vừa đủ no, bảo đảm sức khỏe để làm việc. Ông Huỳnh cho biết thêm: Nhà bếp không vì mục đích kinh doanh, nên ngoài số tiền hỗ trợ cho mỗi suất ăn ca, thực tế Công ty còn hỗ trợ thêm các khoản tiền than, điện, nước, gia vị… Trong năm 2013, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Công đoàn Công ty đã đứng ra tổ chức cuộc thi nấu ăn với chủ đề: “Bữa cơm ca của người lao động”. Cuộc thi thu hút được sự quan tâm của hàng trăm cán bộ, công nhân viên đại diện cho 6 tổ sản xuất. Mỗi tổ tham gia cuộc thi được nhận từ Ban tổ chức 72.000 đồng để đi chợ, thổi nấu, chế biến thành 1 mâm cơm ca cho 6 người ăn. Ban Giám khảo cuộc thi là các nhân viên nhà bếp. Sau cuộc thi này, nhiều món ăn được nhà bếp lựa chọn, áp dụng nấu cho bữa ăn ca của Công ty hiện nay.
Trong năm 2013, Công ty đã trích 40 triệu đồng dành thăm hỏi đối với “tứ thân phụ mẫu” của người lao động bị ốm đau, qua đời; tổ chức cho 450 lao động có thành tích xuất sắc đi tham quan, nghỉ mát tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) 3 ngày. Toàn bộ tiền đi lại, ăn, nghỉ đều do Công ty lo liệu. Đặc biệt là trường hợp của chị Dương Thị Lịch, tổ may 10, nhà ở xã Xuân Phương có con không may bị bỏng nặng do nước sôi nên phải vào bệnh viện cấp cứu. Đại diện Công đoàn Công ty đã đến thăm hỏi, hỗ trợ cháu 1 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn viên công đoàn trong Công ty đã đóng góp, ủng hộ được hơn 16 triệu đồng tiền thuốc men chữa bệnh cho cháu.
Qua trò chuyện với ông Thắng, chúng tôi còn được biết: Công ty đang đầu tư hoàn thiện thêm 1 xưởng may mới, với diện tích 7.000m2, quy mô 12 chuyền may, dự kiến tháng 3-2014 sẽ đi vào hoạt động, tạo thêm việc làm cho 700 lao động địa phương. Trước thông tin này, tôi thấy vui lây, bởi với người thợ thì còn gì hạnh phúc hơn là có việc làm với mức thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống.