Bảo vệ rừng trong mùa khô: Cảnh báo từ 2 vụ cháy

09:02, 21/01/2014

Vào mùa khô nên công tác phòng, chống cháy rừng được đặt ra cấp thiết. Mới đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy rừng gây thiệt hại đáng kể và có thể coi như những lời cảnh báo cho cơ quan chức năng cũng như các chủ rừng.

 Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh thì hiện nay, cấp cháy rừng ở tất cả các khu vực trong tỉnh đang ở cấp báo động IV - cấp nguy hiểm (trên tổng số 5 cấp độ cảnh báo cháy rừng). Cấp báo động IV: “dễ xảy ra cháy rừng, khả năng cháy dễ lan trên diện rộng do thời tiết hanh khô kéo dài. Cần chú trọng phòng cháy các loại rừng: thông, bạch đàn, keo, khộp, tre nứa”. Vì vậy “cấm đốt nương rẫy, giám sát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng…”.

 

Từ 2 vụ cháy rừng    

 

Vụ cháy rừng mới nhất xảy ra vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 17-1, tại khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc (thuộc xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, Đại Từ). Từ một điểm cháy nhỏ, lửa đã nhanh chóng lan rộng. Đám cháy được phát hiện sớm và ngay sau đó, trên 50 người là kiểm lâm, chủ rừng và lực lượng chức năng của các địa phương liên quan đã được huy động tới hiện trường. Tuy nhiên phải đến gần 24 giờ cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ và Bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc thì diện tích bị cháy khoảng 3,8ha, phần lớn là rừng keo do người dân trồng đã được từ 3 đến 10 năm tuổi.

 

Trước đó không lâu, tại khu vực rừng Ngàn Me, thuộc đia phận xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) cũng đã xảy ra một vụ cháy rừng. Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết: Điểm cháy phát ra từ lưng chừng đồi thuộc khoảnh 17, 21, 22 tiểu khu 196. Tuy cũng được phát hiện sớm nhưng do thời tiết hanh khô, lớp thực bì dễ bén lửa và có gió khá lớn nên tốc độ cháy rất nhanh. Hơn 100 người gồm lực lượng tại chỗ, tổ xung kích của xã Tân Lợi và người dân địa phương được huy động tích cực tham gia dập lửa. Nhưng cũng phải đến 22 giờ 30 phút cùng ngày thì ngọn lửa mới được khống chế hoàn toàn. Qua xác minh, có khoảng 4ha rừng bị thiệt hại, trong đó có 1ha rừng tự nhiên và 3ha rừng sản xuất của 5 hộ dân. Diện tích rừng trồng chủ yếu là cây keo và cây mỡ từ 2-5 năm tuổi.

 

Tại hiện trường, sau khi đám cháy đã bị dập tắt, diện tích trước đó là gỗ trồng đang tuổi lớn và một phần là rừng tự nhiên nay chỉ còn trơ lại những thân cây bị cháy đen nằm ngổn ngang, trong đó có cả những cây gỗ có đường kính từ 50-60cm. Một phần diện tích rừng liền kề tuy chưa bị cháy nhưng cũng bị lửa tạt sang khiến nhiều cây úa lá, héo rũ. Anh Trần Văn Hòa, ở xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi là một trong những chủ rừng và là người tham gia chữa cháy tích cực nói: Gia đình tôi có trên 0,5ha rừng trồng từ năm 2007 đến nay bị cháy, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra và xử lý nghiêm thủ phạm gây cháy rừng.

 

Coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền

 

Theo ông Ngô Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì 2 vụ cháy trên có quy mô và thiệt hại không lớn, nhưng là những lời cảnh báo, nhắc nhở đối với cơ quan chức năng và các chủ rừng, đặc biệt là trong giai đoạn khô hanh như hiện nay. Trong công tác phòng, chống cháy rừng thì phòng luôn được đặt lên hàng đầu. Để phòng cháy tốt, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân là đặc biệt quan trọng. Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã quan tâm tuyên truyền nhưng qua 2 vụ cháy trên cho thấy, công tác này cần phải được làm tốt hơn nữa. Vì thực tế dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác của 2 vụ cháy nhưng theo nhận định ban đầu thì vụ cháy tại rừng Ngàn Me do người dân đốt thực bì không kiểm soát được ngọn lửa; còn vụ cháy tại khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc có sự cố ý.

 

Nhận thức và ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn, phức tạp trong công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Mặt khác, mùa khô năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, giai đoạn khô hanh kéo dài bất thường làm cho lớp thực bì trong rừng bị khô, gia tăng vật liệu cháy và nguy cơ cháy rừng. Trong khi đó, lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là kiểm lâm hiện vẫn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết như: bàn dập lửa, máy bơm nước, máy thổi gió, cưa xăng và phương tiện bảo hộ…. Vì vậy nếu xảy ra cháy rừng thì thiệt hại sẽ khôn lường.

 

Cũng theo ông Ngô Xuân Hải thì trước đó, ngành Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng, chống cháy rừng tới người dân, chủ rừng. Chỉ đạo các chủ rừng, tổ bảo vệ rừng tích cực tuần tra, kiểm tra phát hiện đám cháy và tổ chức chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và phương tiện tại chỗ), hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đối với cấp huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an, Ban Chỉ huy quân sự huyện cần phối hợp với các địa phương tổ chức truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác rừng trái phép, sử dụng lửa không đúng quy định. Yêu cầu cán bộ kiểm lâm địa bàn làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền cấp xã theo dõi diễn biến những ngày nắng hanh, có cấp độ cảnh báo cháy rừng cao để có kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả…

 

Thời tiết vẫn đang trong giai đoạn hanh khô nên công tác phòng, chống cháy rừng tiếp tục được đặt ra cấp thiết. Sự chủ động, tinh thần cảnh giác của các lực lượng liên quan, trong đó có các chủ rừng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, người dân rất cần được nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ rừng.

 

 Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ hồ Núi Cốc: Theo tôi, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong phòng, chống cháy rừng. Khi có đám cháy xảy ra thì việc phát hiện kịp thời, sự huy động lực lượng tại chỗ và sự phối hợp cũng rất quan trọng…

 

 Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ rừng, người dân xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (Đại Từ): Tôi và một số người dân đã tích cực cùng lực lượng kiểm lâm dập lửa. Nhưng do núi cao, dốc, trời lại tối nên nhiều giờ sau đó mới dập tắt được đám cháy.

 

Ông Phạm Cao Hách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ: Phần lớn các vụ cháy rừng xảy ra do sự thiếu ý thức của người dân. Hiện tại, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang là cấp độ 4 (cấp nguy hiểm) nên chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không mang lửa trái phép vào rừng; không đốt lửa bừa bãi ở ven rừng, trong rừng; khi đốt dọn bãi để trồng rừng, cây công nghiệp, cây nông nghiệp phải chờ cháy hết rồi dập tắt tàn lửa mới ra về…