Chắp cánh cho hương Trà Đại Từ bay xa

11:10, 06/01/2014

Giờ đã thành thông lệ, hàng năm, cứ đến ngày mùng 6 tháng Chạp, người trồng chè Đại Từ lại náo nức tham gia Lễ hội Trà truyền thống của địa phương, được tổ chức đến hết ngày mùng 8 tháng Chạp. Lễ hội là nơi tôn vinh, trao đổi kinh nghiệm chế biến và quảng bá sản phẩm chè thơm ngon nức tiếng của Đại Từ đến người tiêu dùng. Tại đây, du khách và nhân dân các địa phương trong vùng đến tham quan, du lịch, hòa mình vào không khí lễ hội của vùng đất chiến khu cách mạng, đã hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại Từ nằm ở phía Đông của dãy núi Tam Đảo, phía Bắc có dải núi Hồng che chắn, các đồi chè hình "bát úp" của Đại Từ dường như được che chắn, bảo vệ khỏi gió nóng ở phía Tây, gió lạnh nơi phương Bắc. Chính từ thế núi, thế đất và những dòng sông, suối trong mát của Tam Đảo chảy ra quanh năm, đã tạo nên vùng thổ nhưỡng đặc trưng, phù hợp cho cây chè phát triển. Có lẽ bởi địa thế, khí hậu này, mà cây chè Đại Từ khác hẳn với chè ở các huyện, thị xã khác trong tỉnh Thái Nguyên.

 

Chè xuất hiện ở nơi này từ thủa nào chẳng ai hay, ai là người đầu tiên đưa loại cây này vào trồng thì vẫn còn có những tranh cãi. Chỉ biết một điều, cây chè đã gắn bó lâu đời, gần gũi với bao thế hệ người dân Đại Từ. Hiện nay, ở vùng núi Bóng (phía Bắc núi Hồng), xã Minh Tiến, huyện Đại Từ vẫn còn những cây chè cổ đang tồn tại, phát triển và có cả những vườn chè đã hàng trăm tuổi. Mặc dù giá trị cây chè qua năm tháng có lúc thăng trầm theo sự biến động của thị trường, nhưng người nông dân Đại Từ vẫn duy trì, gắn bó với cây chè và nghề trồng chè, để hôm nay, cây chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn giúp người dân làm giàu. Chè không chỉ trồng trên đồi cao như ngày trước, mà được người dân đem trồng ở hầu khắp trên đất ruộng cạn, các vườn chè không chỉ cho thu hoạch cao, mà còn được nông dân Đại Từ chăm chút cắt tỉa hàng năm, nom đẹp như bức tranh trải trên các ngọn đồi.

 

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2013, số diện tích chè đang cho thu hoạch của Đại Từ là hơn 6.000ha, chiếm 1/3 diện tích của tỉnh Thái Nguyên, và là huyện có diện tích chè lớn thứ hai so với cả nước, chỉ sau huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Giá chè búp khô loại ngon bán tại các chợ phiên luôn mức trên 400 nghìn đồng/kg. Chè búp tươi bán cho các cơ sở chế biến cũng đạt trên 10 nghìn đồng/kg. Theo ước tính, mỗi năm, cây chè đã đưa về cho nông dân trồng chè Đại Từ khoảng 800 tỷ đồng.

 

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đại Từ cho biết: Những năm gần đây, cùng với chủ trương chuyển đổi về cơ cấu giống chè, huyện Đại Từ đã tập trung lựa chọn những giống chè phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, khuyến khích các hộ nông dân tham gia trồng chè thay thế dần những diện tích chè già cỗi, cho thu hoạch thấp, bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn, như giống chè LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên… Chủ trương này cũng phù hợp với xu hướng làm chè vụ đông của bà con ở Đại Từ. Qua nhiều năm, bà con nhận thấy thu hái thêm lứa chè trong vụ đông không làm mất thời gian nghỉ ngơi của cây chè mà còn khiến cây chè duy trì được sức sống nhờ được chăm bón kỹ càng trong mấy tháng mùa đông cho đến khi xuân sang hẳn.

 

Đóng gói sản phẩm chè tại HTX chè La Bằng (Đại Từ).

 

Sau thành công của Lễ hội Trà năm trước, năm nay, Lễ hội Trà Đại Từ sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 6 - 8/1/2014), tại Sân vận động huyện, bao gồm cả phần lễ và phần hội, cùng nhiều hoạt động gắn liền với cây chè như: Lễ tế cây chè, thi chế biến và chất lượng sản phẩm chè… Điểm nhấn của Lễ hội là Lễ dâng tế tổ trà gồm: múa tâm linh trà, dâng lễ tế Tổ Trà, đọc lời tế, dóng trống khai hội, múa cờ (theo điệu nhạc Tứ quý cổ) được tổ chức trang trọng mang đậm chất tâm linh, đậm chất văn hóa dân tộc. Lễ dâng tế Tổ Trà nhằm tôn vinh giá trị của cây chè, giá trị sản phẩm trà và những người trồng chè. Ngoài ra, du khách và người dân còn có dịp tham gia Đêm thưởng trà; Cuộc thi “Bàn tay vàng chế biến chè”; trình diễn hát then, đàn tính, múa Tắc xình. Cũng trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra Hội chợ thương mại với khoảng 200 gian hàng, trong đó có 50 gian hàng trưng bày các sản phẩm chè, hàng tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của các làng nghề trong huyện; các gian còn lại của Hội chợ phục vụ nhân dân mua sắm…

 

Đồng chí Nguyễn Hải Đường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Trà Đại Từ năm Quý Tỵ 2013 cho biết: "Qua các Lễ hội trà, huyện Đại Từ mong muốn tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của cây chè Đại Từ; xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, đặc biệt là phát triển sản xuất, chế biến chè và tiêu thụ các sản phẩm trà, phát huy truyền thống lịch sử và văn hoá của nhân dân các dân tộc Đại Từ...".