Chủ động phòng, chữa cháy rừng mùa khô

09:31, 17/01/2014

Thái Nguyên hiện có 206.999 ha đất lâm nghiệp, trong đó 146.639 ha đất có rừng, chiếm 41,4% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; diện tích đất rừng tự nhiên là 102.190 ha, rừng trồng hơn 44 ha. Bên cạnh đó, diện tích đất chưa sử dụng của tỉnh chiếm 17%, trong đó đất rừng phòng hộ gần 64.560 ha, rừng đặc dụng khoảng 32.216 ha, rừng sản xuất gần 110.300 ha.

5 năm trở lại, đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ cháy rừng rừng lớn. Riêng trong năm 2013, toàn tỉnh chỉ xảy ra 5 vụ cháy rừng, giảm 1 vụ so với năm trước, diện tích thiệt hại là 11,2ha rừng trồng (giảm 20% so với năm 2012). Ông Ngô Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Các vụ cháy rừng xảy ra đều được phát hiện kip thời và tổ chức lực lượng tại chỗ dập tắt đám cháy nên đã giảm thiểu các thiệt hại do cháy rừng gây ra.

 

Đạt được kết quả này là do các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ngay từ đầu mùa khô, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng. Nhờ đó, nhận thức của bà con về tầm quan trọng của công tác này đã được nâng lên. Song hành với đó, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã luôn phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PCCCR, chủ động tham mưu với UBND các cấp kiện toàn, củng cố và duy trì hoạt động của 9 Ban chỉ đạo cấp huyện, 125 BCĐ cấp xã và 1.329 Tổ bảo vệ rừng - PCCCR thôn, bản; phân công nhiệm vụ cụ thể và địa bàn phụ trách cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo nhằm phát huy hết tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện tốt công tác PCCCR; đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn Ban chỉ huy các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng xây dựng, bổ sung phương án PCCCR trên địa bàn; lập kế hoạch công tác PCCCR trong suốt mùa khô. Đặc biệt, trong các tháng cao điểm mùa khô, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên cập nhật cấp dự báo cháy rừng và theo dõi diễn biến thời tiết để thông báo kịp thời về nguy cơ cháy rừng ở từng địa bàn, chủ động chuẩn bị phương tiện, thiết bị và lực lượng sẵn sàng để chỉ đạo kịp thời trong công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”.

 

Những ngày đầu tháng 1-2014, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Ông Phạm Đức Cảnh, một người dân ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho hay: Gia đình tôi hiện có gần 10ha rừng. Đang là thời điểm rét đậm, rét hại, độ ẩm trong không khí thấp nên thảm thực bì trong rừng đã bị khô, nổ rất dễ bắt cháy. Do đó, để tiếp tục làm tốt công tác PCCCR, phương châm chỉ đạo của tỉnh vẫn là  phòng là chính. Theo đó, tiếp tục tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo PCCCR các cấp, xây dựng quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; lập kế hoạch phòng, chống cháy rừng cụ thể ở từng khu vực, từng địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Theo đó là tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ rừng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ, không để xảy ra cháy và cháy lớn...

 

Tỉnh cũng chỉ đạo các Ban Chỉ huy PCCCR tích cực đôn đốc các đơn vị, chủ rừng thực hiện tốt các phương án bảo vệ rừng trên diện tích được giao, nhất là đối với các gia đình xử lý thực bì ở vụ trồng rừng mới nghiêm túc thực hiện đúng quy trình xử lý thực bì, tránh tình trạng để rừng cháy lan sang khu vực rừng tự nhiên và rừng trồng khác. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, trường học trên địa bàn để mọi người nhận thức rõ công tác PCCCR là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, duy trì tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng với một số hộ dân sống gần rừng.

 

Ngoài những biện pháp nêu trên thì một số ngành chức năng cũng cần tăng cường sự phối hợp với lực lượng Kiểm lâm trong công tác PCCCR. Trong đó, lực lượng Công an cần quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu đặc biệt là khu vực gần rừng và trong rừng; tăng cường kiểm tra các phương tiện cải hoán để vận chuyển lâm sản trái phép; phối hợp tổ chức điều tra, đấu tranh xử lý cương quyết các đối tượng cố tình đốt phá rừng; tăng cường tuyên truyền Luật Phòng cháy, chữa cháy; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức diễn tập PCCCR; sẵn sàng chủ động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra… Riêng với, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, cần giao nhiệm vụ cho đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn phối hợp hỗ trợ và tham gia cùng lực lượng kiểm lâm truy quét lâm tặc để xử lý theo quy định; phối hợp tổ chức diễn tập PCCCR, khi xảy ra cháy rừng, chỉ huy các đơn vị huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy rừng.