Là huyện thuần nông, với tỷ lệ hộ dân có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp chiếm tới trên 80%, trong những năm qua, huyện Phú Bình đã có nhiều giải pháp để tăng giá trị cho trồng trọt và chăn nuôi như: chú trọng ứng dụng KHKT; đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất… Riêng với lĩnh vực trồng trọt, huyện còn đặc biệt quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2013, huyện Phú Bình có kế hoạch (KH) trồng 3.320ha cây trồng vụ đông, trong đó có 1.400ha cây ngô (diện tích thâm canh cao sản là 900ha); cây khoai lang 1.000ha; rau các loại 800ha; lạc 100ha và đậu tương 20ha. Đến thời điểm này, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hầu hết các loại cây trồng này đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, trong đó diện tích cây ngô là 1.507ha, tăng hơn 100ha so với KH, rau các loại 850ha, vượt 50ha và so với năm 2012 tăng tới 225ha. Đáng chú ý, trong tổng số 850ha rau xanh đã trồng, có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: Ớt, dưa chuột, bí (bí xanh và bí đỏ), khoai tây có diện tích tăng đáng kể so với vụ đông 2012. Cụ thể: khoai tây là 95ha (tăng 40ha), dưa chuột 100ha (tăng 50ha), ớt 80ha (tăng 70ha), bí các loại 148ha (tăng hơn 100ha), cà chua 15ha (tăng 6ha). Đây là những loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao gấp từ 2-3 lần, thậm chí các loại cây như ớt, dưa chuột còn gấp từ 4-5 lần so với cây ngô. Đây cũng là những cây trồng đang được tỉnh khuyến khích mở rộng diện tích nên được tỉnh hỗ trợ về giá giống, với mức từ 100-120 nghìn đồng/sào. Và với diện tích các loại cây rau này, chỉ tính riêng vụ đông 2013, huyện Phú Bình đã được nhận số tiền hỗ trợ của tỉnh lên tới 1,493 tỷ đồng. Ngoài các loại cây được tỉnh hỗ trợ như trên, huyện Phú Bình cũng đã dành tới 1,5 tỷ đồng tiền ngân sách để hỗ trợ phát triển sản xuất lúa lai với mức 15 nghìn đồng/sào (ngoài phần hỗ trợ của tỉnh).
Theo đồng chí Phạm Văn Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn như: giá cả vật tư phân bón tăng cao, thời tiết diễn biến thất thường, khiến tình hình sâu bệnh trở nên khó kiểm soát… nhưng bằng nhiều biện pháp thiết thực, các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Nông nghiệp huyện vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Cụ thể, 3 năm trở lại đây, huyện chủ trương chuyển dịch cơ cấu vụ đông xuân, giảm mạnh diện tích trà xuân sớm, tăng diện tích trà xuân muộn để cây lúa được phát triển trong điều kiện thời tiết ấm áp, tránh được các đợt rét đậm, rét hại để phát triển tốt hơn. Vụ xuân 2014 này, với kế hoạch gieo cấy trên 4.900ha lúa, trong đó có 2.750ha lúa lai (chiếm khoảng 55%), huyện chỉ đạo 100% diện tích gieo cấy đều là trà xuân muộn. Đối với vụ mùa, huyện chủ trương tăng mùa sớm, giảm diện tích mùa muộn để tăng quỹ đất trồng cây vụ đông. Cùng với đó, cơ cấu giống lúa cũng có sự thay đổi với chủ trương tiến tới bỏ hẳn những giống dài ngày như U17, Bao Thai (từ 165-170 ngày), để trồng những giống lúa lai và lúa thuần chất lượng cao cho năng suất, chất lượng vượt trội và thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 130-140 ngày.
Nếu như năm 2010, trà mùa sớm của huyện chỉ chiếm 55%, trà mùa muộn, mùa trung chiếm 45% thì đến vụ mùa 2013, mùa sớm đã chiếm tới 70%, còn lại là mùa trung và mùa muộn. Với diện tích trà mùa sớm năm 2013 tăng hơn 500ha so với năm 2012 đã giúp bà con nông dân có điều kiện tăng diện tích các loại cây màu vụ đông. Cũng trong năm qua, trong tổng số hơn 12 nghìn ha lúa được trồng (của cả 2 vụ mùa và xuân), tỷ lệ lúa lai của huyện đã chiếm tới 34,83% (tương đương 4.400ha), cao gấp hơn 2 lần bình quân chung của tỉnh (17,6%), qua đó đã góp phần tăng năng suất lúa bình quân của huyện lên trên 50 tạ/ha, tăng 1,39 tạ/ha so với năm 2012 (trong khi đó, điều kiện thời tiết trong năm có nhiều diễn biến phức tạp, ở vụ xuân thì thiếu nước, còn vụ mùa thì mưa bão xảy ra liên tiếp, làm thiệt hại trên 500ha lúa, ngoài ra còn có hàng trăm ha lúa bị giảm năng suất từ 30-50%, thậm chí nhiều diện tích còn bị mất trắng do sâu bệnh). Nếu tính riêng diện tích lúa lai thì năng suất cao hơn lúa thuần trung bình 9 tạ/ha/vụ. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực cả năm của huyện vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch, với 75.224 tấn.
Đồng chí Đào Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và cây trồng, trong những năm qua, xã khuyến khích bà con giảm dần diện tích ngô để tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: dưa chuột, ớt, bí, khoai tây và các loại rau xu hào, cà chua, súp lơ, hành, tỏi… Đồng thời, lãnh đạo địa phương cũng tích cực, chủ động tạo mối liên kết giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà Kỹ thuật và nhà nông) trong chỉ đạo sản xuất và bao tiêu một số nông sản cho bà con, trong đó thành công nhất là cây dưa chuột xuất khẩu và tới đây là ớt. Từ nhiều năm nay, cây dưa chuột của xã chưa bao giờ bị khó đầu ra và giá bán cũng ngày một tăng (vụ đông này giá bán là 3.000 đồng/kg, cao hơn năm 2012 là 10%). Với mức giá này, trung bình mỗi sào dưa cho năng suất từ 1,7-2 tấn, sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi từ 4-5 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô. Bởi thế, diện tích trồng dưa chuột của xã ngày càng được mở rộng, với diện tích trong vụ đông 2013 lên tới 80ha.
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình. Điều đó được thể hiện rất rõ qua các con số: Tính đến hết năm 2013, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của huyện đã đạt 75 triệu đồng, tăng hơn 9 triệu đồng/ha so với năm 2012; thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng/người/năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2013 chỉ còn sấp xỉ 13%, giảm 3,1% so với năm 2012…