Có sức người sỏi đá cũng “nở hoa”

17:03, 19/01/2014

Ngày Tết, theo phong tục của người Việt Nam không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả được bày theo sở thích của mỗi người. Người thích bày quả nho, quả táo, nguời lại chọn bày quả buởi, quả hồng. Nhưng đặc biệt những quả quất chín, vàng mọng vẫn luôn được mọi người lựa chọn, bởi theo quan niệm quất tượng trưng cho sự đầy đủ, sung túc. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, từ năm 2000, nông dân Phạm Văn Nghiệp tổ 10a, phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên đã lựa chọn trồng cây quất ăn quả trên diện tích  5.000m2 vườn, đồi để phát triển kinh tế gia đình.

Nhìn cơ ngơi bề thế nằm xem giữa vườn cây sum suê cây trái của gia đình ông hiện nay, ít ai ngờ rằng gia đình ông đã từng là hộ nghèo của tổ. Thấy khách lạ đến thăm, từ ngoài vườn trở vào, triệu phú Nghiệp bình dị trong chiếc áo lao động đã sờn vai, đôi ủng nhựa cao gần đến gối. Bên dưới chiếc mũ cối bạc phếch là khuôn mặt rắn giỏi, sạm đen nhưng hết sức hiền từ. Năm 1983, sau khi hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự, ông chuyển về làm bảo vệ tại Trại thực tập của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Lương tháng ít ỏi, cuộc sống gặp không ít khó khăn, ông đã phải xoay sở bằng rất nhiều nghề. Sau khi lập gia đình, năm 1987, với số tiền ít ỏi dành dụm được, vợ chồng ông chỉ có thể mua được khoảnh đồi. Hằng ngày, chồng cào, vợ cuốc, không biết bao nhiêu mồ hôi đã rơi, bàn tay nhiều lần phồng rộp, vợ chồng ông mới san được khoảng đất bằng phẳng để dựng nhà. Đất quanh nhà rộng nhưng toàn sỏi cơm cằn cỗi chẳng thể trồng được loại rau, củ gì.

 

Thời gian đó, Thái Nguyên rộ lên phong trào trồng vải, ông cũng mua 100 gốc vải về trồng thử. Ngày ngày, gà còn chưa gáy sáng ông đã cùng vợ dạy chăm bón, tưới tắm cho từng gốc vải. Xong việc ở vườn vải ông lại xách cuốc, thuổng đi trồng cây, đào giếng thuê khắp làng trên xóm dưới. Những ngày không có ai mướn, ông rong ruổi đi tìm những hộ có cây vải to, hỏi mua lại cây và chiết cành để cung cấp vải giống. Hy vọng thoát nghèo ông trông vào vườn vải. Nhưng liên tục mấy năm trời, vải cứ được giá lại mất mùa, được mùa lại mất giá, cây thường xuyên xuất hiện sâu bệnh nên hiệu quả đem lại chẳng được là bao.

 

Năm 2000, một lần tình cờ ông đi ngang qua vườn quất sai trĩu quả, ông chợt liên tưởng tới vườn nhà mình rồi lân la tìm hiểu về đặc điểm của loại cây trồng này cũng như giá trị kinh tế của nó. Nhận thấy, cây quất có thể sống trên đất cằn, ông “vét” sạch tiền trong túi được 80 nghìn đồng mua 40 gốc quất đầu tiên về trồng xen kẽ với vải. Sau đó mỗi lần ông mua thêm dăm ba chục gốc để trồng. Khi cây quất được 3 năm tuổi, ông chọn những cành ở gốc và những cành vươn cao quá đầu để chiết tự nhân giống. Đến năm 2005, ông đã trồng kín trên 5000m2 đất với 1.200 gốc quất thay thế hoàn toàn cho vườn vải.

 

Đi thăm vườn quất của gia đình ông độ giáp Tết, tôi không khỏi thắc mắc khi trong vườn hàng nghìn m2 những cây quất trĩu trịt quả non, nhưng mé bên kia ao, cả vạt đồi nhuộm vàng màu quất chín. Ông cho biết: Quất ra quanh năm, nhưng thời điểm được giá nhất là từ khoảng cuối tháng 1 đến tháng 5. một kg quất có giá từ 30 đến 50.000 đồng. Để quất sai quả vào thời điểm này, khoảng đầu tháng 10 (âm lịch) giá quất rẻ, tôi ngắt bỏ toàn bộ quả trên cây, quả to thì bán, còn quả nhỏ chấp nhận hái bỏ cho cây ra hoa đợt mới. Còn khu bên đồi tôi hái sớm hơn một tháng để thu hoạch luân phiên. Khi được hỏi lý do ông lựa chọn trồng quất ăn quả chứ không phải quất cảnh, ông lý giải: Đất ở khu vực này chủ yếu là đá sỏi không thích hợp làm bầu quất cảnh, hơn nữa quất cảnh phụ thuộc rất nhiều vào thị trường cuối năm, giá cả hay biến động, chăm sóc lại cầu kỳ. Trong khi quất ăn quả được thu hoạch quanh năm, thị trường tiêu thụ lớn, lái buôn đến thu mua tận nhà, cây quất lại ít sâu bệnh, dễ chăm bón.

 

Theo ông Nghiệp, cứ 2 tuần quất mới phải tưới nước cho vườn quất, một năm chỉ phải bơm thuốc trừ sâu 1 đến 2 lần phòng rầy và bọ xít. Đối với quất vụ đông thì cần tưới nhiều hơn để duy trì độ ẩm. Cùng với đó, gia đình ông kết hợp chăn nuôi dăm bảy chục con lợn mỗi lứa. Chất thải từ chăn nuôi được xử lý qua hệ thống hầm bioga rồi bơm tưới cho từng quất. Nhờ đó đã giúp gia đình ông tiết kiệm được khoản chi phí lớn vì không phải mua phân bón. Bình quân một năm, vườn quất của gia đình ông cho thu hoạch 15 đến 16 tấn quả, với giá bán trung bình từ 12 đến 15 nghìn đồng/1 kg, trừ chi phí ông bà thu lãi trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm ông cònchiết được khoảng 4 đến 5 nghìn bầu quất giống cung cấp cho thị trường, với giá bán 10 nghìn/bầu, ông có thêm nguồn thu không nhỏ.

 

Không chỉ là hội viên nông dân điển hình trong phát triển kinh tế gia đình, ông Nghiệp còn là tấm gương sáng về tinh thần tương trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Những hội viên trong chi hội của tổ có nhu cầu trồng quất ông hỗ trợ kỹ thuật và một nửa tiền giống. Đối với những gia đình là hộ nghèo, gia đình chính sách ông hỗ trợ toàn bộ giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Ngoài ra, vợ chồng ông còn kết hợp lấy cám từ công ty thức ăn gia súc về cho các hộ có nhu cầu vay không tính lãi, khi nào được xuất bán lợn mới phải trả tiền cám.

 

Bà Đỗ Thị Nên người cùng tổ với ông cảm kích: Nhà tôi có 6 khẩu nhưng già có, trẻ nhỏ có, cả nhà trông vào mấy sào ruộng chẳng đủ ăn. May mấy năm nay vợ chồng cô chú Nghiệp giúp đỡ cho vay cám chăn nuôi, lại giúp cho gần 100 gốc quất không lấy tiền. Chú ấy hướng dẫn cách chăm sóc vườn quất, còn đàn lợn có bỏ ăn hay ốm đau lại nhờ cô Soan vợ chú ấy xem và điều trị giúp (bà Soan là kỹ sư chăn nuôi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên). Gia đình anh Đào Mạnh Thành cũng được vợ chồng ông Nghiệp hỗ trợ hoàn toàn trên 100 gốc quất, anh bộc bạch: 2 bác ấy đã giúp chúng tôi có cái “cần câu cơm. Vườn quất sau 2 năm đã bắt đầu cho thu hoạch, chúng tôi cũng có được đồng ra đồng vào, cứ đà này, sang năm quất cho thu rộ, cuộc sống của gia đình tôi sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài anh Thành, bà Nên còn rất nhiều hộ khó khăn trong phường được vợ chồng ông giúp đỡ.

 

Sự nhanh nhạy và cần mẫn trong lao động cùng tấm lòng nhân ái của vợ chồng ông đã được ghi nhận bằng nhiều giấy khen của UBND thành phố, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh dành cho “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” năm 2011-2012. Ttrước đó gia đình ông còn được bình chọn là Hộ gia đình kiểu mẫu, xong với vợ chồng ông phần thưởng đáng quý hơn cả vẫn là được bà con, lối phố tin yêu, nể trọng.