“Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” là 1 trong 3 phong trào lớn, trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam. Phong trào ngày càng thu hút được đông đảo hội viên Hội Nông dân Phú Bình tham gia, qua đó góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng đời sống của hội viên cũng như hiệu quả trong việc xây dựng nông thôn mới…
Là huyện thuần nông nên Phú Bình có số hội viên tham gia sinh hoạt Hội Nông dân khá đông. Toàn Hội hiện có 21.945 hội viên, tương ứng với tỷ lệ 80% hộ nông nghiệp tham gia sinh hoạt Hội. Những năm qua, để phong trào ngày càng phát triển và nâng cao hiệu quả, hàng năm, Hội Nông dân huyện đều xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai đến 21/21 xã trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn đăng ký giao ước thi đua đến từng chi hội và hội viên. Nhờ đó, trong 3 năm qua, đã có 20.580 lượt hộ đăng ký ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), đạt tỷ lệ 60% so với tổng hội viên nông dân trong toàn huyện. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2013, đã có 8.450 hộ đăng ký đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét, có 6.136 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã; 279 hộ đạt cấp huyện và 59 hộ đạt cấp tỉnh (cấp huyện và tỉnh tính trong 2 năm 2012-2013).
Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và tích cực hưởng ứng Phong trào, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành ký kết, triển khai nhiều chương trình, hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; phối hợp với các công ty, các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, cách áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, kinh doanh. 3 năm qua, các cấp hội trên địa bàn đã phối hợp tổ chức được hàng nghìn buổi, thu hút hơn 33 nghìn lượt hội viên tham gia. Phối hợp với Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp huyện cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên phục vụ sản xuất được trên 3.500 tấn và gần 100 tấn giống các loại; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện ký ủy thác cho hội viên nông dân vay vốn thông qua 198 tổ với 10 chương trình cho vay, với số dư nợ tính đến 30-11-2013 là trên 71 tỷ đồng.Ngoài ra, Hội còn tích cực phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên. Trung bình mỗi năm, các cấp Hội trên địa bàn huyện tổ chức dạy nghề được cho khoảng 400 người, qua đó đã giúp nhiều hội viên mạnh dạn áp dụng vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu từ trồng trọt đơn thuần sang làm mô hình kinh tế tổng hợp kết hợp với kinh doanh dịch vụ, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo anh Nguyễn Văn Kiên, xóm Ngò Thái, xã Tân Đức: Hội Nông dân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ hội viên phát triển sản xuất. Năm 2010, sau khi học xong lớp Sơ cấp Thú y do Hội tổ chức (thời gian 4 tháng), lại được Hội tạo điều kiện để được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi trong thời gian 36 tháng nên tôi đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà theo hình thức bán công nghiệp thay vì chăn nuôi tổng hợp nhiều loại vật nuôi với số lượng ít trước kia. Trước đó, gia đình anh chỉ chăn nuôi 2 lứa gà/năm, với khoảng 1.000 con/lứa nhưng hơn 2 năm trở lại đây, gia đình anh đã nuôi từ 4-6 lứa gà/năm, với số lượng từ 1.000-1.500 con/lứa, cho thu nhập trung bình mỗi năm từ 120-130 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trước. Với kết quả trong phát triển kinh tế gia đình, năm 2013, anh vinh dự được UBND huyện tặng Giấy khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong 2 năm 2012-2013”. Anh tâm sự: Đây là lần đầu tiên tôi được huyện khen thưởng nên rất vui. Đây chính là động lực để tôi và gia đình phấn đấu đạt thành tích cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Theo bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình: Những kết quả đạt được trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” đã góp phần tích cực thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội của người dân (điển hình như mô hình sản xuất rau sạch xã Nhã Lộng; mô hình trồng hoa, cây cảnh, táo Xuân 21 của tổ hợp tác liên kết sản xuất xã Đồng Liên; mô hình trồng dưa chuột xuất khẩu ở Tân Đức, Thanh Ninh, Lương Phú…), từ đó góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới cũng như ổn định chính trị, an ninh quốc phòng ở địa phương.
Tính đến nay, toàn huyện đã có 233 trang trại và hàng nghìn gia trại; giá trị thu nhập trên 1ha đất nông nghiệp của người dân đã đạt 75 triệu đồng/năm (cao hơn năm 2012 là 9 triệu đồng/ha); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,07% (năm 2012), xuống còn xấp xỉ 13% (năm 2013)... Đặc biệt, những kết quả mà Phong trào đạt được đã và đang trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy việc xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, 100% thôn, xóm, tổ dân phố có tổ chức hội. Kết quả đó góp phần quan trọng để Hội Nông dân huyện nhiều năm liên tục gần đây được Hội Nông dân tỉnh công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2011 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động.