Giá chè tăng mạnh trong những ngày giáp Tết

11:45, 27/01/2014

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá chè búp khô trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Như mọi năm, giá chè bán ra trong dịp này chỉ tăng 20-50% nhưng năm nay, có nhiều loại chè đặc sản như chè nõn, chè cành… giá bán đã tăng gấp đôi năm trước. Giá chè búp khô ở vùng chè trọng điểm Tân Cương (T.P Thái Nguyên) tăng mạnh nhất. Hiện, giá các loại chè cành ở đây đã được đẩy lên 500-600 nghìn đồng/kg búp khô, tăng 250-300 nghìn đồng/kg so với 1 tháng trước.

Tiếp đến là vùng chè Trại Cài, Minh Lập (Đồng Hỷ), giá các loại chè đặc sản cũng tăng từ 500 lên 600 nghìn đồng/kg (đối với loại chè nõn); 350 lên 450 nghìn đồng/kg đối với chè cành, bình quân tăng 100 nghìn đồng/kg so với giữa vụ. Riêng với chè trung du (chè thường), giá bán tăng không đáng kể, chỉ tăng khoảng 20-30 nghìn đồng/kg. Loại chè thường đang được bán với giá 150 nghìn đồng/kg. Theo bà Lê Thị Hảo, một hộ kinh doanh chè ở chợ Thái (T.P Thái Nguyên), chè Tân Cương vẫn bán được giá hơn chè ở các nơi khác vì vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá chè Tân Cương có thể vẫn tiếp tục tăng cao hơn thời điểm hiện tại.

 

 

Đặc biệt, ở vùng chè thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), 1 tuần nay, giá bán chè búp khô tăng theo ngày. Anh Hoàng Văn Thông, một người dân chuyên mua chè búp khô từ thị trấn Sông Cầu về bán tại gia đình ở tổ dân phố số 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Cách đây 2 hôm, gia đình tôi mua buôn với giá từ 200 đến 210 nghìn đồng/kg thì nay phải mua với giá 250 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, giá chè búp khô tăng 20  nghìn đồng/kg.

 

Qua tìm hiểu tại các chợ đầu mối của tỉnh như Đồng Quang, chợ Thái, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên)… do giá chè tăng cao nên sức mua của người tiêu dùng giảm khá nhiều so với năm ngoái. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Khang, ở tổ 20, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) nói: Kinh tế khó khăn nên để tiết kiệm chi tiêu, Tết này, tôi chỉ mua những mặt hàng thiết yếu như gà, bánh, mứt, kẹo…  và giảm lượng mua chè búp khô từ 3kg xuống còn 1kg. Còn với anh Lê Thanh Hải, một người dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) thì lượng chè mua để biếu bạn bè, người thân dịp Tết Nguyên đán Giáp ngọ giảm rất nhiều so với những năm trước. Anh chia sẻ: Biết bạn bè ở quê (Nam Định) thích uống chè Thái Nguyên nên năm nào tôi cũng mua khoảng 15kg về làm quà cho mọi người. Nhưng năm nay giá chè tăng cao quá, gấp đôi năm ngoái nên tôi chỉ mua 5kg để biếu người thân, bạn bè. Giá chè đắt như hiện nay mà mua nhiều như mọi năm thì tôi chẳng còn tiền để chi tiêu trong dịp Tết.

 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, giá chè búp khô năm nay tăng mạnh là do ảnh hưởng của thời tiết. Chị Long Thị Ly, một người dân ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương cho biết: Vụ đông năm nay ít mưa, lại có sương muối nên chè phát triển chậm, 70 ngày mới được 1 lứa hái. Như vụ đông mọi năm, cứ 40 ngày là nông dân chúng tôi đã có một lứa hái rồi. Gia đình chị Ly có 3 sào chè, trung bình mỗi năm cho thu 7 đến 8 lứa chè nhưng năm nay chỉ thu được 6 lứa vì cả vụ đông chỉ thu được 1 lứa chè (thông thường thu được 2, thâm chí có năm thu được 3 lứa). Năng suất chè vụ đông năm nay cũng giảm đáng kể, trung bình chỉ được 2kg chè búp khô/sào, giảm một nửa so với cùng thời điểm này năm ngoái. Không chỉ riêng Tân Cương mà tại các vùng chè trọng điểm của tỉnh như La Bằng, Hùng Sơn (Đại Từ); Minh Lập, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ)… cũng diễn ra tình trạng cây chè kém phát triển do sương muối và khô hạn, khiến cho sản lượng chè vụ đông bị sụt giảm đáng kể.

 

Dù giá chè tăng đột biến nhưng người nông dân vẫn rất lo lăng nếu thời tiết tiếp tục rét, có sương muối và hanh khô như hiện nay. Bởi vậy, để bảo đảm cho diện tích chè của gia đình phát triển bền vững, cho năng suất cao trong vụ xuân và những vụ tiếp theo, thời điểm này, nhiều hộ dân đã bón phân, ủ rơm, rạ giữ ẩm cho cây chè, trong đó ưu tiên bón nhiều phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh. Vào những ngày có sương muối, bà con dùng vòi phun nước tưới nhẹ trên mặt tán để rửa sương cho chè khỏi bị cháy lá, giảm sản lượng…