Huyện Phú Lương hiện có hơn 4.000 ha chè. Năm 2013, toàn huyện đã trồng mới và trồng lại được khoảng 250 ha. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, những năm qua, huyện đã không ngừng đầu tư, tạo điều kiện cho những người trồng chè mở rộng diện tích cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó việc làm chè vụ đông đã mang lại thu nhập cao cho không ít hộ dân.
Đã khoảng mười năm trồng chè nhưng đây là năm thứ 3 gia đình ông Trần Văn Thái, xóm Cầu Bình 2, xã Vô Tranh mới sản xuất chè vụ đông trên diện tích 2.000m2, với các giống chủ yếu là Kim Tuyên, TRI 777. Thay vì đốn chè vào dịp cuối năm để chuẩn bị cho vụ chè xuân thì ông Thái cúp tán chè để thu thêm lứa chè vụ đông. Dù thời tiết vụ đông lạnh và nhiều sương muối nhưng do đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên nên vườn chè của gia đình ông Thái vẫn phát triển tốt. Với giá bán khoảng từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/kg, mỗi vụ, gia đình ông cũng thu gần 45 triệu đồng. Ông Thái cho biết: Làm chè vụ đông có ưu điểm hơn hẳn so với làm chè chính vụ đó là rất ít sâu bệnh, không cần phun thuốc nhiều, chỉ cần giữ độ ẩm tốt cho đất thì lượng búp chè sẽ nhiều. Trung bình với thời tiết như hiện nay, 1 tuần sẽ tưới 1 lần để đảm bảo đủ ẩm cho đất. Hơn nữa, nếu so sánh về giá thành thì giá chè vụ đông thường cao hơn gấp 2 đến 3 lần chè chính vụ (giá bán chè chính vụ từ 100- 120 nghìn đồng/kg)…”.
Không chỉ gia đình ông Thái, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Lương có rất nhiều hộ dân đã tập trung nguồn lực để đầu tư chăm sóc diện tích chè vụ đông. Mỗi lứa chè vụ đông thường kéo dài từ 50- 55 ngày (dài hơn khoảng 20 ngày so với chè chính vụ) và bắt đầu thu từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Ông Nguyễn Khả Chung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phú Lương cho biết: Sản xuất chè vụ đông đem lại thu nhập khá cao cho người trồng chè. Do đó, trong những năm gần đây, diện tích làm chè vụ đông của bà con trên địa bàn huyện tăng lên. Chỉ tính riêng năm 2013, diện tích làm chè vụ đông toàn huyện lên tới trên 1.000ha, tăng gần 300 ha so với năm 2010 (năm 2010, diện tích làm chè vụ đông là trên 700 ha). Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn diện tích chè của bà con lại ở địa hình đồi núi cao, khó khăn trong việc chủ động nguồn nước. Chính vì vậy, nay, nhiều gia đình muốn làm chè vụ đông cũng không thể làm được do kinh phí đầu tư máy móc, hệ thống tưới chè rất tốn kém…
Hiện nay, trong hơn 4.000 ha chè kinh doanh thì có trên 1.000ha được người dân đầu tư làm chè vụ đông, tập trung ở các xã: Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc và Phú Đô. Đây cũng là các xã có diện tích chè chiếm tới hơn 50% của huyện. Để góp phần tăng năng suất, chất lượng của cây chè, năm 2012, huyện đã triển khai Dự án tưới nước bằng van xoay tại xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh với 35 hộ dân tham gia. Từ Dự án này đã góp phần hạn chế công lao động của người dân, chủ động bón phân cân đối, tiện chăm sóc cho cây chè.
Anh Phan Đức Thụ, Trưởng xóm Gốc Gạo cho biết: Nhờ có lợi thế nằm cạnh bờ sông Cầu nên lượng nước phục vụ cho sản xuất chè của người dân trong năm rất thuận lợi, đặc biệt là từ khi xóm được đầu tư hệ thống van xoay nên đã giảm tối đa công chăm sóc cho người dân, nhất là vào vụ làm chè đông. Nhờ đó, đến nay, trong tổng số 44 ha diện tích chè toàn xóm thì có tới 35 ha người dân chuyển sang làm chè vụ đông với giá bán trung bình (cùng giống chè cành) từ 250- 350 nghìn đồng/kg, cao hơn 100- 150 nghìn đồng/kg… .
Bà Đồng Thị Dạ, xóm Gốc Gạo cho biết: Trước kia, cứ đến khoảng tháng 9 âm lịch, khi thời tiết bắt đầu lạnh là các hộ dân đều đốn chè. Đến khoảng tháng 3 âm lịch, khi tiết trời ấm áp thì chè sẽ cho thu hái nhưng những năm gần đây, dù thời tiết ấm hay lanh, chè đều cho thu. Mặc dù, năng suất chè vụ đông thấp hơn so với chè chính vụ (chỉ bằng khoảng 2/3 năng suất chè chính vụ) nhưng chất lượng thường ngon hơn, nước đậm hơn nên rất dễ bán. Gia đình tôi 4.000m2 chè đông, mỗi lứa thu được khoảng gần 3 tạ chè búp khô, với giá bán gần 300 nghìn đồng/kg, cũng thu được trên 80 triệu đồng.
Như vậy, có thể nói, hiện nay, sản xuất chè đông đang đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để thuận tiện cho người dân làm chè, huyện Phú Lương cũng cần quy hoạch những vùng có đủ khả năng làm chè đông để có sự hỗ trợ, đầu tư, nhằm giúp người nông dân làm chè vụ đông có hiệu quả cao, vươn lên làm giàu.