“Mình làm tốt, nói dân mới tin”

08:23, 27/01/2014

Đó là tâm sự và cũng là phương châm làm việc mang lại nhiều thành công trong hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ xóm Trầm Hương, xã Hà Châu (Phú Bình) của ông Nguyễn Văn Toản.

"Ông Toản là một Bí thư Chi bộ gương mẫu, năng động, sáng tạo và hết lòng vì việc chung. Nhờ có đóng góp của ông mà Chi bộ Trầm Hương nhiều năm liên tục được công nhận là trong sạch vững mạnh, riêng 2 năm 2012-2013 đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Trầm Hương hiện là 1 trong 4 xóm xây dựng được nhà văn hóa (NVH) mới, cũng là xóm điển hình có nhiều hộ hiến đất, tài sản, hoa màu phục vụ việc mở rộng con đường WB3 đi qua địa bàn". Vài lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Châu đã khiến chúng tôi muốn tìm về tận nơi để gặp người Bí thư chi bộ tiêu biểu của Đảng bộ xã Hà Châu.

 

 

Đi trên con đường từ UBND xã về xóm Trầm Hương, tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi đây so với 7 năm về trước tôi đã có dịp đặt chân tới. Nhiều ngôi nhà mới khang trang nối tiếp nhau mọc lên, đường WB3 rộng mở thay thế con đường rộng chưa đầy 3m, bụi bặm đất đỏ.

 

Nhắc lại chuyện làm đường WB3, ông Nguyễn Văn Sáu tự hào: Tuyến đường đi qua xã dài 4,7km ảnh hưởng tới 4 xóm là Núi, Thùa Gia, Trầm Hương và Đắc Trung với khoảng trên 100 hộ. Trong đó 69/108 hộ xóm Trầm Hương với 98 mảnh đất có tổng diện tích hàng nghìn m2 (60% là đất hai lúa) thuộc diện phải bàn giao mặt bằng. Nhiều hộ bị mất đất lúa, có trên 20 hộ phải di dời, xây dựng lại tường rào, công trình phụ. Trầm Hương cũng như những xóm khác của Hà Châu, người dân hầu hết sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng mỗi nhân hẩu chưa được 1 sào ruộng. Bởi vậy,  tấc đất quý như tấc vàng, thế mà có những hộ tự nguyện hiến trên 400m2 đất hai lúa, vườn tạp như ông Nguyễn Văn Trưởng. Các hộ ông Nguyễn văn Nhượng, Nguyễn Văn Mơ; Nguyễn Thái Long… đã phá bỏ tường rào, chuồng chăn nuôi phục vụ cho thi công con đường. Việc triển khai vận động chỉ từ cuối năm 2012, đến đầu năm 2013, 100% các hộ đều đồng thuận bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, đến cuối năm 2013, con đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ấy là nhờ sự tuyên truyền vận động và việc gương mẫu thực hiện của 14/18 đảng viên có đất bị ảnh hưởng để người dân noi theo.

 

Ông Toản tâm sự: Nói thì dễ nhưng làm chẳng đơn giản chút nào. Đất với người nông dân như máu thịt, rời đất biết lấy gì sinh nhai. Làm cán bộ, mình phải biết hy sinh lợi ích riêng và gương mẫu trong mọi việc. Tôi đã đứng trước cuộc họp xóm nói: Gia đình tôi hoàn toàn nhất trí hiến 215m2 đất lúa. Đất với bà con mình quý lắm, ai bỏ ruộng hoang không chịu canh tác là phải tội. Nhưng hiến đất để làm đường to đẹp nhân dân mình cùng đi lâu dài thì không hoài phí chút nào.

 

Ông Nguyễn Văn Cân ở xóm Trầm Hương hiến gần 300m2 đất lúa cho làm đường WB3 nói: Chú Toản làm Bí thư Chi bộ dân chúng tôi ai cũng yêu mến, khâm phục. Nghe lời chú Toản nói, chứng kiến việc chú ấy và các đảng viên sẵn sàng hiến, tháo dỡ công trình trên đất, tôi và các hộ dân trong xóm đều đồng lòng. Có những hộ mất nhiều đất cũng "xót" chưa đồng ý ngay, chú Toản cùng các thành viên Ban vận động đến tận nhà tuyên truyền, phân tích. Ngày một, ngày hai, họ đã hiểu việc có con đường to đẹp, rộng rãi có ý nghĩa quan trọng như thế nào và đã nhất trí hiến đất.

 

Thành công nữa của ông Toản và các cán bộ xóm Trầm Hương là việc huy động người dân đóng góp xây dựng NVH. Hôm chúng tôi đến, đúng lúc Chi hội cựu chiến binh của xóm đang sinh hoạt cuối năm. Nhìn NVH khang trang trên nền đất cao ráo, hướng ra cánh đồng xanh ngát màu ngô, khoai, ít ai biết được rằng đây là khu ruộng trũng. Làm NVH là chuyện không mới ở các khu dân cư. Song với xóm nghèo Trầm Hương và các xóm ở xã Hà Châu thì đó là một kỳ tích. Nói kỳ tích quả thực không quá vì với đời sống còn nhiều khó khăn (mức thu nhập bình quân chỉ hơn 1 triệu đồng/người/tháng) trong khi đó lại vừa phải đóng góp 1 triệu đồng tiền hỗ trợ làm đường WB3. Nhưng vì lợi ích chung, bà con đã biểu quyết ủng hộ và nộp đủ mỗi hộ 1 triệu đồng. Ông Toản đề đạt: Xóm có nhiều thợ xây, nên tận dụng để chi phí rẻ, lại tạo điều kiện cho họ có việc làm. Tháng 10-2013, NVH có diện tích gần 300m2, với tổng số tiền xây dựng hơn 160 triệu đồng cùng trên 200 ngày công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của người dân.

 

Không chỉ là Bí thư chi bộ nhiệt tình với công việc chung, ông Toản còn là đảng viên đi đầu trong phong trào làm kinh tế ở địa phương. Nhìn người đàn ông tuổi gần ngũ tuần giản dị trong bộ quần áo cũ nhanh nhẹn chăm sóc đàn lợn trong chuồng, đàn gà ngoài sân, chúng tôi thêm trân trọng tình yêu lao động và ham làm kinh tế của ông. Trong khi các con đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định cho thu nhập khá. Vợ ông bận bịu với việc bán hàng tạp hóa ở chợ, mình ông nuôi 5 con lợn nái, trên 50 con lợn thịt/lứa, 2 con bê và trên dưới 200 con gà thịt/lứa. Mỗi năm, trừ chi phí ông thu lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi. Chưa kể, ông cấy 8 sào lúa và ngô cùng các cây màu khác. Ông cũng là người tiên phong của xã Hà Châu gieo cấy lúa lai và vận động người dân sản xuất các giống Sin6, GS9... Theo ông, 2,6 ha đất lúa của xóm, mỗi năm có khoảng trên 70% diện tích người dân đã cấy các loại lúa lai cho năng suất cao.

 

Hết lòng với công việc, miệt mài trong lao động, phát triển kinh tế gia đình tốt, ông Nguyễn Văn Toản xứng đáng là tấm gương mẫu mực để người dân tin yêu và làm theo...