Sở hữu vườn cây ăn quả rộng gần 3ha, với 500 gốc nhãn Miền Thiết, 200 gốc cam Vinh, 200 gốc bưởi Diễn, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/ năm, anh Nguyễn Như Tuấn, sinh năm 1969, ở xóm Khe Lánh (Phúc Thuận, Phổ Yên) được người dân nơi đây mệnh danh là “vua’” quả.
Từ UBND xã Phúc Thuận, phải đi thêm 15km về phía chân núi Tam Đảo, chúng tôi mới tìm được đến nhà anh Tuấn. Vào đến khu trang trại vườn cây ăn quả của anh, chúng tôi như lạc vào một khu du lịch sinh thái, bởi những hàng cây ăn quả thẳng tắp, nổi bật trên nền chè xanh mướt. Để có được khu vườn như ngày hôm nay, anh đã phải đi học hỏi nhiều nơi, tự mày mò, thử nghiệm và trải qua rất nhiều khó khăn.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh kể lại: Năm 1982, gia đình anh chuyển từ Khoái Châu, Hưng Yên lên xóm Khe Lánh để khai hoang, lập nghiệp. Vì gia đình khó khăn, nên anh chỉ học đến lớp 7, rồi nghỉ ở nhà phụ giúp công việc đồng áng cho bố mẹ, sau đó lập gia đình. Khi ấy gia sản duy nhất của nhà chỉ có gần 1 mẫu ruộng, đất đai cằn cỗi, cuốc lên toàn sỏi đá, nên hai vợ chồng nai lưng làm ruộng quần quật quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Đến năm 1999, anh quyết định đi xuất khẩu lao động tại LiBi. Sau 2 năm kết thúc hợp đồng lao động, anh đã giành dụm được ít vốn nên quyết định trở về quê hương lập nghiệp.
Nhận thấy đất đồi cằn cỗi, nếu tiếp tục trồng lúa thì phải tốn rất nhiều công cải tạo đất mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Nhiều đêm nằm trăn trở suy nghĩ, cuối năm 2001, anh quyết định về Hưng Yên, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng nhãn của bà con nơi đây. Sau nửa năm đi khắp các vườn nhãn, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với những người nông dân, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đem chục gốc nhãn Miền Thiết về đất Khe Lánh trồng thử.
Sau 3 năm chăm sóc, đợi chờ và hy vọng, những gốc nhãn đầu tiên đã cho trái, quả tròn đều, giòn, ngọt và rất thơm, không kém gì nhãn ở Hưng Yên. Thấy cây “bén duyên” với đất đồi Khe Lánh, năm 2004, anh quyết tâm mở rộng diện tích vườn nhãn. Với số tiền giành dụm được và vay mượn thêm anh em, bạn bè, anh đầu tư 50 triệu đồng để mua 200 gốc nhãn về trồng. Vì nhãn phải sau 3-5 năm mới cho thu hoạch ổn định. Trong thời gian ấy, để lấy ngắn nuôi dài, anh trồng thêm 7 sào chè cành xung quanh những gốc nhãn, kết hợp chăn nuôi lợn, gà.
Anh tâm sự: “Chỉ cần ấp nấm, bón phân xanh và đạm quanh gốc cây mỗi năm 1 lần, làm đúng kĩ thuật là mỗi gốc cho thu hoạch từ 10-15kg quả/vụ”. Năm 2011, anh quyết định đầu tư 70 triệu để trồng thêm 300 gốc nhãn. Đến nay, khu vườn của anh có tổng cộng 500 gốc, tháng 8 vừa qua, vườn nhãn thu hoạch được 4 tấn quả, cho thu lãi trên 60 triệu đồng.
Không dừng lại đó, năm 2013, anh quyết định mở rộng thêm quy mô vườn cây ăn quả của mình bằng việc mua thêm 200 gốc cam Vinh và 200 gốc bưởi Diễn về trồng. Anh dự tính: “Tháng 8 thu hoạch nhãn, đến cuối năm lại thu hoạch cam, còn bưởi thì có thể để bán sau Tết. Như vậy, vườn cây ăn quả sẽ cho thu nhập quanh năm. Sau 3 – 5 năm nữa, khi cây khép tán, thu hoạch được ổn định, nếu tính theo giá thị trường hiện nay (tức là khoảng 20.000 đồng/kg cam và 15.000 đồng/quả bưởi), 400 gốc cam, bưởi này sẽ cho thu nhập gần 100 triệu đồng”.
Nhận thấy mô hình cây ăn quả của gia đình anh Tuấn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân xóm Khe Lánh đã đến nhà anh học hỏi và làm theo, dần chuyển đổi từ trồng lúa, trồng chè sang trồng cây ăn quả. Anh cũng luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ bà con lối xóm cả về giống cây lẫn kỹ thuật trồng trọt mà bản thân tích lũy được trong nhiều năm qua. Với sự nhiệt tình, năng nổ, phong cách hòa đồng trong cuộc sống, nhiều năm liền anh được bà con trong xóm bầu làm Hội trưởng Hội nông dân xóm. Tin rằng những thử nghiệm và quyết tâm vượt khó của anh Tuấn sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành công.