"Cánh tay nối dài" của ngân hàng

09:53, 25/02/2014

Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Phổ Yên đã ví Ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là những "cánh tay nối dài" của NHCSXH. Theo ông, nếu không có các tổ này thì chỉ với 9 cán bộ của đơn vị sẽ không thể quản lý được hơn 13,5 nghìn hộ vay vốn ở 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện như hiện nay. Hoạt động hiệu quả từ các tổ này đã góp phần quan trọng giúp Ngân hàng nhiều năm qua luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Toàn huyện Phổ Yên hiện có 371 tổ TK&VV/321 thôn, xóm, do 4 tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) của địa phương nhận uỷ thác tín dụng của NHCSXH để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, gồm: Hội Liên hiệp phụ nữ (quản lý 147 tổ), Hội Nông dân (136 tổ), Hội Cựu chiến binh (48 tổ) và Đoàn Thanh niên (40 tổ). Các tổ TK&VV có nhiệm vụ triển khai kịp thời các văn bản, chính sách mới đến các thành viên trong tổ; tổ chức họp để bình xét công khai, dân chủ những hộ đủ điều kiện được vay vốn theo từng chương trình; thu lãi, thu tiền tiết kiệm hàng tháng của các hộ để nộp về Ngân hàng…

 

Phụ trách mỗi tổ TK&VV có 2 thành viên, gồm 1 tổ trưởng và 1 tổ phó, là những người, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc và được các thành viên trong tổ bầu ra. Để đảm bảo chất lượng hoạt động, theo quy định, mỗi tổ có không quá 60 thành viên (tương ứng với 60 hộ). Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người vay, từ năm 2007 trở lại đây, NHCSXH phối hợp với các tổ chức CT-XH đã duy trì hoạt động ổn định của 18/18 điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn, với lịch giao dịch cố định ở mỗi xã tối thiểu 1 lần/tháng cho một điểm. Thông qua các buổi giao dịch lưu động, NHCSXH huyện đồng thời tiến hành việc giao ban với Ban giảm nghèo, các tổ chức CT-XH cấp xã, tổ TK&VV để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

 

Hiện nay, NHCSXH huyện Phổ Yên đang uỷ thác 10/10 chương trình tín dụng qua các tổ chức CT-XH, gồm: Cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo về nhà ở, thương nhân vùng khó khăn, hộ cận nghèo. Chỉ có 1 phần nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh mới do Ngân hàng trực tiếp cho vay tới đối tượng, với số tiền không lớn (hiện chỉ có 1 tỷ đồng). Do đó, dư nợ của Ngân hàng thông qua các tổ chức CT-XH trên địa bàn luôn chiếm tới trên 99%. Tính đến ngày 31-12-2013, dư nợ của NHCSXH huyện Phổ Yên sấp xỉ 235 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 2013 là 9,3%, trong đó, tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức thấp với 175 triệu đồng, chiếm 0,07% so với tổng dư nợ.

 

Chị Nguyễn Thị Huyền, phụ trách các tổ TK&VV của Hội LHPN huyện Phổ Yên cho biết: Cũng như 3 hội, đoàn thể khác, phụ trách các tổ TK&VV do Hội quản lý hầu hết đều là cán bộ các chi hội trực thuộc đảm nhận. Điều này giúp công tác kiểm tra, giám sát của Hội với các tổ TK&VV trở nên thuận lợi, qua đó có thể chấn chỉnh hoặc kiện toàn kịp thời đối với các tổ hoạt động kém hiệu quả hoặc có biến động về nhân sự. Năm 2013, các cấp Hội đã tiến hành kiểm tra được 212 lượt tổ, với 935 khách hàng. Tương tự, với Hội Nông dân đã kiểm tra được 223 lượt tổ, 992 khách hàng; Hội Cựu Chiến binh kiểm tra 79 lượt tổ, 376 lượt khách hàng; Đoàn Thanh niên kiểm tra 56 lượt tổ, 262 lượt khách hàng. Hàng năm, ngoài việc kiểm tra, giám sát của chính các tổ chức CT-XH đối với các tổ TK&VV do đơn vị trực tiếp quản lý, còn có sự kiểm tra, giám sát của NHCSXH huyện (có sự phối hợp với các tổ chức CT-XH huyện) đối với hoạt động của tất cả các tổ chức Hội cấp xã, thị trấn và ít nhất 30% tổ TK&VV, trong đó có việc kiểm tra trực tiếp tại hộ vay.

 

Theo ông Thịnh, sự kiểm tra, giám sát liên tục, thường xuyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, để từ đó các chương trình cho vay được thực hiện đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Sự sâu sát đó phần nào chúng tôi cảm nhận được rất rõ thông qua câu chuyện giữa cán bộ của NHCSXH huyện với các đồng chí lãnh đạo xã Vạn Phái, khi Giám đốc Ngân hàng có thể nhớ được rất rõ tên của từng người phụ trách các tổ TK&VV ở xã và có thể dẫn chứng nhiều trường hợp sử dụng vốn vay hiệu quả ở mỗi chương trình trên địa bàn huyện. Điều này phần nào lý giải được cho việc vì sao những năm qua, tại NHCSXH Phổ Yên không có tình trạng cho vay sai đối tượng và các nguồn vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

 

Chỉ tính riêng năm 2013, thông qua các tổ TK&VV, NHCSXH huyện đã thực hiện giải ngân được gần 72 tỷ đồng, với trên 3,5 nghìn lượt khách hàng. Số tiền này đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động; giúp 2.870 hộ có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở các dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ, nuôi con ăn học hay xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn nâng cao chất lượng cuộc sống…

 

Nói về vai trò của NHCSXH huyện, đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Bí thư Huyện ủy Phổ Yên khẳng định: Với việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, chính sách cho vay của Nhà nước đến với người dân, những năm qua, cùng với sự tham gia phối hợp tích cực với các tổ chức CT-XH, NHCSXH huyện đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, giúp đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm giảm từ 2-3%. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện chỉ còn 7,2%.