Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

09:41, 15/02/2014

Hiện nay, rét đậm, rét hại đang xảy ra trên địa bàn tỉnh. Hình thái thời tiết này khiến cho đàn vật  nuôi bị giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm; lở mồm long móng (LMLM) gia súc; tụ huyết trùng trâu, bò…

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Thời gian qua, nhiều tỉnh trong cả nước như Phú Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm như LMLM gia súc; cúm gia cầm… Với Thái Nguyên, dù trong năm 2012, 2013 không xảy ra các ổ dịch bệnh lớn nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm vẫn rất cao. Mấy năm trước, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, LMLM gia súc ở nhiều địa phương. Các bệnh này đều do vi-rút gây ra, chúng vẫn tồn tại trong không khí, nếu như các biện pháp phòng, chống không tốt, bệnh có thể xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, nhận thức của không ít hộ chăn nuôi còn hạn chế, công tác phòng, chống dịch bệnh chưa được người dân quan tâm, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít. Thậm chí, có hộ chăn nuôi chưa tiêm phòng triệt để, còn để chuồng trại bẩn; mua giống gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi đàn vật nuôi bị bệnh, các hộ này không báo cơ quan chức năng mà bán chạy vật nuôi. Trong khi đó, số lượng cán bộ thú y ở cơ sở còn mỏng, chưa bao quát hết công việc… Thêm vào đó, Thái Nguyên có hệ thống giao thông khá dày đặc, là địa bàn trung chuyển hàng hóa từ một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Cao Bằng, Lạng Sơn đi các tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… nên rất dễ bị dịch bệnh xâm nhập.

 

Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, với trách nhiệm của mình, lực lượng Thú y đã và đang phối hợp với các cấp, ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân thông qua các phương tiện thông tin; chủ động kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, xét nghiệm mẫu gia súc, gia cầm để chủ động đề ra các biện pháp phòng, tránh; duy trì, củng cố công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật; tổ chức triển khai kế hoạch vệ sinh tiêu độc, khử trùng; quản lý thuốc thú y, vắc - xin; hướng dẫn các trang trại chăn nuôi tập trung tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (LMLM gia súc, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm)…

 

Đặc biệt, năm nay, lực lượng Thú y sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm phòng sớm, đợt đầu năm sẽ diễn ra vào cuối tháng 2, đầu tháng 3; đợt cuối năm vào tháng 8, đầu tháng 9. Theo dự kiến, trong cả 2 đợt, Chi cục sẽ tiến hành cấp 130 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò; 190 nghìn liều vắc xin phòng bệnh LMLM gia súc; 360 nghìn liều phòng bệnh tụ - dấu lợn; 500 nghìn liều phòng dịch tả lợn và 3 triệu liều phòng bệnh cúm gia cầm… cho các địa phương tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Theo đó, Chi cục cũng yêu cầu một số đơn vị kinh doanh gia cầm, lợn, người buôn bán trâu, bò không được mua bán gia súc, gia cầm từ những vùng có dịch, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch...

 

Bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng và chính quyền địa phương thì để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi rất cần sự chủ động tích cực của người chăn nuôi. Anh Nguyễn Đăng Tạo, xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình) chia sẻ: Gia đình tôi đang chăn nuôi 7 con lợn nái để gây giống. Năm ngoái, số lợn nái này sinh được khoảng 150 con lợn giống cho thu trên 150 triệu đồng. Chăn nuôi mang lại thu nhập cao như vậy nhưng chỉ cần sơ sểnh một chút là đàn lợn có thể mắc bệnh, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nhất là khi cách đây 6 năm, Lương Phú là địa bàn đầu tiên trong tỉnh xuất hiện bệnh tai xanh ở lợn. Vì vậy, để phòng bệnh cho đàn lợn, tôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, phun thuốc vệ sinh tiêu độc, khử trùng và thu gom toàn bộ chất thải. Trong thời gian này, chuồng trại chăn nuôi của gia đình được che chắn kín gió. Đồng thời, tôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin cho đàn lợn theo quy định…

 

Không chỉ người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi mà bản thân mỗi người tiêu dùng cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện những chủ hộ kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, có biểu hiện mắc bệnh thì cần báo ngay với các cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời.

 

Toàn tỉnh hiện có trên 106 nghìn con trâu, bò; hơn 550 nghìn con lợn và xấp xỉ 9,7 triệu con gia cầm. Thời điểm này, giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá bán hạ. Để hạn chế thiệt hại, lực lượng thú y cùng người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật  nuôi.