Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

10:24, 05/02/2014

Về tổng thể ba trọng tâm tái cơ cấu, thì tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện được xem là chậm nhất. Sự chậm trễ và yêu cầu đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN đã và đang trở thành tâm điểm nhiều hội nghị lãnh đạo và văn bản pháp lý các cấp gần đây.

Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu DNNN

 

Có thể nói, lộ trình tái cơ cấu DNNN theo kế hoạch, cũng như thực tế triển khai đã kéo dài từ nhiều năm, nhưng hầu như chưa năm nào hoàn thành kế hoạch. Đích sớm nhất được hoạch định thì cũng phải tới năm 2020, Việt Nam mới đạt mục tiêu sẽ chỉ còn giữ lại khoảng 300 DNNN có 100% vốn Nhà nước thay vì còn khoảng trên 1.200 như hiện nay.

 

Thực hiện việc tái cơ cấu DNNN, về chủ trương, tại Hội nghị lần thứ 3 (tháng 10-2011) Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) đã xác định: “Phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong năm năm tới, cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”.

 

Tiếp đó, trong Thông báo Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI (tháng 10-2012) chỉ rõ: “Cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ DNNN, giữ vững vai trò nòng cốt, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô”. Đặc biệt, Thông báo Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI (tháng 10-2013) đã thẳng thắn đánh giá: “Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp. Tái cơ cấu DNNN và các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu”.

 

Ngày 3-1-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17-1-2012 về đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rà soát các doanh nghiệp (DN) thành viên, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn tại các ngành, các lĩnh vực không phải là kinh doanh chính, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả. Ngày 17-7-2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

 

Đặc biệt, ngày 19-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020”. Theo đó, sẽ thực hiện phân loại, sắp xếp lại các DNNN, tập trung vào các lĩnh vực chính gồm công nghiệp quốc phòng, các ngành, lĩnh vực công nghiệp độc quyền tự nhiên hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn; đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu.

 

Trên thực tế, ngày 21-5-2013 Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lùi cổ phần hóa 76 DN sau năm 2015 (61 DN là thuộc các địa phương; 15 DN trực thuộc các tập đoàn và tổng công ty), song tính đến tháng 8-2013, Chính phủ đã phê duyệt 100/101 đề án sắp xếp, đổi mới DN của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015.

 

Tính đến chín tháng đầu năm 2013, đã có 41 DNNN tiến hành thành công cổ phần hóa, so với con số 13 DNNN năm 2012. Số DNNN 100% vốn nhà nước giảm từ 5.655 DN năm 2001 xuống còn 1.254 DN, và gần 50% số địa phương không còn DNNN kinh doanh thuần túy. Trong hai năm 2012- 2013, trên 80% DNNN vẫn làm ăn có lãi. Khu vực DNNN chiếm 31,41% tổng thu nội địa năm 2012 và trên 32% năm 2013, cao nhất trong ba khu vực kinh tế và tạo ra khoảng 30% GDP hằng năm.

 

Triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP và Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã có bảy tập đoàn và tổng công ty, gồm xăng dầu; điện lực; dệt may; thuốc lá; máy và thiết bị công nghiệp; giấy và hóa chất đã thực hiện tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên. Bốn tập đoàn và tổng công ty, gồm điện lực; dệt may; than - khoáng sản và giấy thực hiện tái cơ cấu về tài chính, thoái vốn.

 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư của DNNN chín tháng đầu năm 2013 vẫn tăng 104,2% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của khu vực DNNN đạt xấp xỉ mức của các DN FDI và cao gần gấp đôi tỷ lệ này của các DN tư nhân. DNNN chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 và tăng lên 39,3% chỉ trong chín tháng đầu năm 2013.

 

Tăng hiệu quả hoạt động của DNNN

 

Trước tiên cần xác định rõ hai mục tiêu và hai cơ chế quản lý tính chất hoạt động công ích và kinh doanh của các DNNN trong sự bình đẳng với các DN khác; từ đó, làm rõ cơ chế quản lý phù hợp. Đây cũng là “điểm nút” để giảm thiểu sự nhập nhằng, mù mờ hoặc lạm dụng trong hạch toán và đánh giá các hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh của các DN trong thực tiễn quản lý nhà nước, cũng như sự hoạt động tự chủ của DNNN, khiến các DNNN không hoạt động hiệu quả như mong muốn và tiềm năng, nhất là đối với các DNNN thuộc lĩnh vực độc quyền cao.

 

Tái cơ cấu DNNN cần phù hợp với tổng thể quá trình tái cấu trúc chung và phát huy vai trò chủ đạo hợp lý của kinh tế Nhà nước trong sự bình đẳng ngày càng đầy đủ với các DN khác, tạo xung lực tích cực và là mạch dẫn chính cho quá trình biến đổi lớn lao có tính cách mạng này. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cần thể hiện rõ trong vai trò định hướng và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; góp phần ổn định và làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm bất bình đằng, bất công trong xã hội; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm và không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh; cũng như ở sự gương mẫu về năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

 

Ngoài ra, đầu tư của DNNN cần được tập trung vào phát triển một số ngành sản xuất then chốt có tác dụng lan tỏa hoặc định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của vùng. Đặc biệt, tái cơ cấu DNNN trên cơ sở, tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường và tuân thủ pháp luật; tiếp tục tách bạch chức năng chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu; làm rõ cơ chế giám sát và trách nhiệm của đại diện quyền sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại các DN, công bố thông tin và trách nhiệm giải trình hoạt động, nhất là về tài chính; hoàn thiện quy chế kiểm soát giá và điều tiết lợi nhuận đối với DNNN hoạt động trong lĩnh vực còn độc quyền.

 

Tái cơ cấu DNNN là một quá trình mở, có nội hàm rộng, bao hàm cả sự chuyển dịch về kinh tế - kỹ thuật, cũng như tạo lập và duy trì các thể chế kinh tế thị trường và quản lý nhà nước tương ứng cần thiết cho sự hoạt động của chúng. Dù có xu hướng ngày càng giảm về số lượng và thu hẹp phạm vi hoạt động, song tái cơ cấu DNNN không phải là xóa bỏ, hoặc làm suy yếu các DN này, mà là làm cho các DN ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho đời sống kinh tế - xã hội đất nước theo yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập toàn diện.

 

Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN không chỉ cần kiên quyết loại bỏ các lực cản từ chính sách và cá nhân, mà còn cần chủ động kiểm soát tốt các rủi ro về hiệu quả thị trường, về nợ và sự lãng phí, lạm dụng, thất thoát và tham nhũng nhân danh tái cơ cấu DNNN và phát triển kinh tế.