Đầu năm 2014, sau hơn 4 năm triển khai, Dự án Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thông xe kỹ thuật toàn tuyến và đưa vào khai thác từ ngày 18-1-2014 (riêng với gói thầu PK2, đoạn qua địa bàn tỉnh ta đã được thông xe kỹ thuật từ ngày 13-7-2013). Tuy nhiên đến nay, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng và hoàn thiện nút giao Yên Bình cùng hệ thống đường gom, đường ngang vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, có trên 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện Dự án (bị nứt nhà và có diện tích đất canh tác bị ngập úng) vẫn chưa được xem xét hỗ trợ, gây bức xúc trong dư luận…
Dự án Quốc lộ 3 mới (QL3 mới) đoạn Hà Nội - Thái Nguyên chính thức được khởi công từ tháng 12-2009. Từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, Dự án QL3 mới có tổng mức đầu tư giai đoạn I (đã điều chỉnh) là trên 10.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) là trên 2.370 tỷ đồng; tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên, có chiều dài toàn tuyến dài 61,313km; điểm đầu thuộc xã Ninh Hiệp (Hà Nội), giao với QL1A mới; điểm cuối thuộc địa phận phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) nối với đường tránh T.P Thái Nguyên. Sau hơn 4 năm thi công, Dự án cơ bản hoàn thiện các hạng mục, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác từ ngày 18-1-2014 (riêng gói thầu PK2 đoạn nút giao Tân Lập - cầu Phù Lôi được thông xe kỹ thuật từ ngày 13-7-2013).
Sau gần 7 tháng thông xe kỹ thuật, Dự án QL3 mới đoạn qua địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm và có nguy cơ gây chậm tiến độ hoàn thành toàn bộ Dự án trong quý II/2014 (theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải), gây bức xúc trong dư luận và mất an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến. Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Hiện, Dự án QL3 mới còn vướng mặt bằng tại nút giao Yên Bình, một số đường gom dân sinh, đường ngang và tồn tại về việc giải quyết tình trạng bị ngập úng trên đất canh tác nông nghiệp của người dân. Cụ thể: Nút giao Yên Bình còn vướng mặt bằng thi công khoảng 950m đường nối ra QL3 cũ (trong đó có cầu vượt đường sắt dài 24m), vướng một số công trình công cộng (đường điện 110kV, đường nước sạch, cáp viễn thông, cáp thông tin tín hiệu đường sắt); đường gom dân sinh còn gần 3km, trong đó có 713m đã phê duyệt thiết kế nhưng chưa triển khai hoặc chưa hoàn thiện thi công; hệ thống đường ngang còn 6 tuyến chưa thi công; đặc biệt, nhiều vị trí cống chui dân sinh có thiết kế thoát nước không phù hợp, gây ngập nước, trên 400 nghìn m2 đất nông nghiệp bị ngập úng (của gần 1.000 hộ dân) và gần 150 hộ dân có đơn kiến nghị được hỗ trợ vì bị nứt nhà do ảnh hưởng thi công, nhưng đến nay chưa được giải quyết…
Còn theo ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng Giám đốc Ban Quan lý Dự án 2 (đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải giao làm chủ đầu tư Dự án): Chính những vướng mắc do chưa có mặt bằng sạch tại nút giao Yên Bình và các hạng mục đường ngang, đường gom dân sinh và việc chậm di chuyển các công trình công cộng đã gây ảnh hưởng tới tiến độ khai thác hoàn thiện Dự án. Bên cạnh đó, việc không đóng được đường ngang (đường Ba Hàng - Tiên Phong) đoạn từ QL3 cũ đến QL3 mới, cùng với việc có tới 46 vị trí rào ray do người dân không đồng tình đóng và tự ý mở đã gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến.
Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại nêu trên của Dự án, hoàn thành mục tiêu đưa QL3 mới vào khai thác hoàn thiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải (quý II-2014), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương (T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công và huyện Phổ Yên) quyết liệt vào cuộc để GPMB, tạo quỹ đất sạch xây dựng hoàn thiện Dự án, đồng thời tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án (vào ngày 11-2-2014) do đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tại cuộc họp này, sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan cùng chủ đầu tư và các nhà thầu báo cáo cụ thể hiện trạng trên toàn tuyến, đề xuất các phương án giải quyết những tồn tại, vướng mắc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu: Trong tháng 2-2014, UBND huyện Phổ Yên và các địa phương cần phối hợp với chủ đầu tư giải quyết dứt điểm những tồn tại về GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu tại nút giao Yên Bình, đường nối ra QL3 cũ và các tuyến đường ngang, đường gom dân sinh; các doanh nghiệp (Công ty Điện lực Thái Nguyên, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, Viễn thông Thái Nguyên và Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái) tập trung di chuyển ngay các công trình đường điện, nước, viễn thông, tín hiệu đường sắt để bảo đảm thi công đúng tiến độ. Đối với UBND các địa phương phối hợp với chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, thẩm định, bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ số diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng, bồi bạt và ảnh hưởng nứt nhà cho các hộ dân bị ảnh hưởng… Đồng chí Nhữ Văn Tâm cũng đề nghị Ban Quản lý Dự án 2 cần đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện thiết bị và vật tư, tổ chức thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng cam kết giữa Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh, đồng thời đề nghị Công an tỉnh phối hợp với các địa phương trên tuyến QL3 mới tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn giao thông, đặc biệt là việc tự ý tháo dỡ hệ thống rào ray, lưu thông trái phép trên tuyến QL3 mới gây mất an toàn giao thông…
Có thể nói, những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án QL3 mới là khá nhiều, trong khi thời gian để hoàn thành mục tiêu khai thác hoàn thiện theo kế hoạch không còn bao lâu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự nỗ lực vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu, hy vọng công trình QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên sẽ được đưa vào khai thác hoàn thiện đúng tiến độ kế hoạch, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh và các địa phương khu vực phía Bắc.