Những năm gần đây, đời sống của bà con nông dân xã Phúc Thuận (Phổ Yên) đã được cải thiện đáng kể nhờ áp dụng các mô hình kinh tế chuyên canh và tổng hợp cho hiệu quả cao. Mô hình vườn ao chuồng (VAC) của gia đình ông Nguyễn Văn Huấn, xóm Chãng là một ví dụ tiêu biểu.
Sau chiến tranh biên giới (năm 1979), ông Huấn trở về quê nhà lập nghiệp. Loay hoay trong hướng phát triển kinh tế, hết trồng sắn rồi lại trồng chè nhưng gia đình vẫn không thể thoát nghèo. Khi phong trào trồng cây vải trở nên phổ biến vào cuối những năm 1980, gia đình ông cũng đầu tư trồng 500 gốc, tuy nhiên thu nhập từ cây vải quá thấp nên kinh tế gia đình vẫn không mấy thay đổi. Năm 2008, nhờ được tham gia các lớp tập huấn, các buổi hội thảo về nông nghiệp do tỉnh và huyện tổ chức, ông nhận thấy cần phải chuyển đổi cây trồng thì mới thoát được cảnh nghèo.
Xác định được hướng đi, năm 2009, ông Huấn chuyển toàn bộ diện tích cây vải sang trồng nhãn. Ban đầu, không chỉ người ngoài mà ngay cả vợ, con ông cũng tỏ ra e ngại, phần vì tiếc cây vải bao năm vun trồng, phần vì lo chuyển sang trồng nhãn không biết có hiệu quả hơn hay không. Nhưng ý đã quyết, ông Huấn mạnh dạn bắt tay vào làm. Ông trực tiếp đến tận Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để mua cây giống. Tính đến nay, gia đình ông đã trồng được 300 gốc nhãn, trong đó 200 gốc đã cho hái quả. Trung bình mỗi vụ nhãn đạt khoảng 1,4 tấn, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Tận dụng tối đa quỹ đất, ông Huấn kết hợp trồng đu đủ, gừng. Ngoài ra, ông còn trồng thêm khoảng 200 gốc táo, cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/vụ. Năm 2012, ông Huấn cũng đã đầu tư trồng 300 gốc ổi và 100 gốc mít Thái, dự tính sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên trong những năm tới. Không chỉ trồng cây ăn quả, gia đình ông còn canh tác 5 sào chè cành theo quy trình sản xuất chè an toàn, 6 sào lúa và 2ha keo.
Kết hợp với kinh tế vườn đồi, ông Huấn còn đầu tư chăn thả ao cá rộng gần 1ha với một số loại cá chủ đạo như rô phi đơn tính, chép, trắm. Vốn tính cẩn thận, ông đi đến các trung tâm cá giống ở Bắc Ninh, Bắc Giang để lựa được giống tốt. Với 1 tấn cá mỗi năm, đã cho ông thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Nhờ áp dụng mô hình chăn cá sạch nên gia đình ông hoàn toàn không lo đầu ra, lứa cá nào cũng có khách đặt mua trước.
Ngoài chăn thả cá, ông Huấn còn nuôi trung bình 3 con lợn nái, 60 con lợn thịt/lứa (2 lứa/năm), 200 con ngan/lứa (3 lứa/năm), 2.000-3.000 con gà/lứa (2-3 lứa/năm). Ông Huấn cho biết: Giá lợn, gà tuy còn thất thường, năm cho thu lãi năm không nhưng vẫn đảm bảo nguồn phân bón để trồng cây và khí gas để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Như năm 2013, nhờ được giá, ông bà thu được gần trăm triệu đồng từ chăn nuôi.
Ông Huấn cũng cho rằng: Để xây dựng và phát triển được mô hình VAC, tôi không bỏ bất cứ một lớp tập huấn nào từ xã, huyện đến tỉnh, thậm chí có buổi cả 2 vợ chồng cùng đi để học hỏi. Tôi cũng thường xuyên theo dõi trên truyền hình những chuyên mục nông nghiệp trên truyền hình để cập nhật kiến thức mới.
Mô hình VAC của gia đình ông Nguyễn Văn Huấn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ tất cả các chi phí cũng như chi tiêu cuộc sống gia đình, mỗi năm ông bà vẫn để dành được khoảng 70 triệu đồng. Nhiều người trong và ngoài xã đã đến tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm sản xuất của ông.
Ông Lê Vĩnh Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận cho biết: Ông Huấn là một cựu chiến binh điển hình của xã trong phát triển kinh tế. Bằng sự quyết đoán, nhanh nhạy và mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình VAC của gia đình ông Huấn đã đem lại hiệu quả cao. Đây là mô hình nên được nhân rộng trong thời gian tới, bên cạnh phát triển các mô hình sản xuất chuyên canh.