“Kịch bản” tăng trưởng kinh tế 2014

09:47, 04/02/2014

Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2014, nền kinh tế thế giới và trong nước sẽ bước đầu có sự phục hồi tích cực, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và thiếu bền vững. Với Thái Nguyên, sự phục hồi kinh tế không chỉ dừng ở mức bình thường mà dự kiến còn có khả năng tăng trưởng vượt trội so với dự báo. Vậy, “kịch bản” nào cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2014?

Nhiều người cho rằng, nền kinh tế Việt Nam rất mở về thương mại, đầu tư, nên những thay đổi, biến động của nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước. Năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo chiều hướng chung của thế giới nhưng còn chậm và chưa mạnh. Khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có nhiều sự đột biến.

 

Với Thái Nguyên, năm 2013 được xem là một năm bước đệm cực kỳ quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của cả nền kinh tế trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Bằng chứng rõ nét nhất chính là việc tỉnh ta đứng thứ hai cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2013 với con số lên tới hàng tỷ USD. Và chỉ cần xét một lĩnh vực đó thôi cũng đủ cho thấy sức bật tăng trưởng của năm 2014 ra sao. Bởi vậy, mục tiêu mà tỉnh đề ra trong năm mới này là rất cao: tăng trưởng kinh tế đạt 15%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 55%, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 6 lần so với năm trước; thu ngân sách tăng 20%; giải quyết việc làm cho 22 nghìn lao động; thu nhập bình quân đầu người là 35 triệu đồng… Nhiều người cho rằng, liệu việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế năm 2014 thực hiện trên cơ sở một kịch bản đã được tính toán kỹ lưỡng chưa?.

 

Trả lời cho những thắc mắc này, chúng tôi đã làm việc với một số ngành chuyên môn của tỉnh. Theo nhận định của ngành Kế hoạch và Đầu tư thì mức tăng trưởng kinh tế 15% là rất cao so với thực tế thực hiện trong năm 2013, song đấy là con số an toàn bởi theo tính toán khả năng đạt được của năm 2014 sẽ còn cao hơn rất nhiều. Có hai năng lực mới tăng thêm là Dự án Samsung và Dự án Núi Pháo, khả năng đóng góp dự kiến sẽ rất lớn, nhưng ngành mới chỉ tính bằng 2/10 năng lực thực sự của họ. Về tăng trưởng công nghiệp, quan điểm của ngành Công Thương là kế hoạch đạt giá trị sản xuất công nghiệp 55% hoàn toàn có cơ sở thành công. Bởi theo tính toán thực tế thì các khu vực công nghiệp đều tăng so với năm 2013, trong đó công nghiệp trung ương tăng 3%, công nghiệp địa phương tăng 22% và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng tới trên 600%. Sở dĩ công nghiệp địa phương và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xây dựng tăng đột biến so với trước là bởi có sự đóng góp mạnh mẽ và ổn định của Dự án Núi Pháo và Dự án Samsung. Theo tính toán của ngành Tài chính thì năm 2014, tình hình thu ngân sách cũng sẽ sáng sủa hơn nhiều so với năm trước bởi nền kinh tế được phục hồi rõ nét hơn. Dự kiến tổng thu ngân sách sẽ đạt 4.252 tỷ đồng, trong đó thu thuế từ dự án Núi Pháo đạt khoảng 850 tỷ đồng (gồm cả thuế nội địa và thuế xuất, nhập khẩu), từ Nhiệt điện An Khánh khoảng 50 tỷ đồng…

 

Xin được nói thêm về năng lực thực sự của Dự án Samsung - dự án đầu tàu, có những đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh không chỉ trong năm 2014. Khả năng và tiềm lực to lớn của Samsung thì không thể phủ nhận bởi thực tế đã được chứng minh bằng sự thành công của Dự án này trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vài năm nay. Do đó, những cam kết của chủ Dự án này với Thái Nguyên là hoàn toàn có cơ sở. Từ năm 2009 đến nay, Samsung đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh trung bình từ 12 đến 14 tỷ USD/năm. Ngoài ra, còn giúp tỉnh này giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, nâng GDP bình quân đầu người, tăng thu ngân sách, phát triển thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư… Đây là những đóng góp thực sự ấn tượng, ít có mà Samsung đã làm được đối với địa phương nơi dự án triển khai. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc thu hút được dự án Samsung vào Thái Nguyên là một thành công lớn của tỉnh. Cùng với Dự án Núi Pháo và các dự án quan trọng khác trên địa bàn, Dự án Samsung có vai trò quyết định đối với các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong năm 2014.

 

Như vậy, kinh tế của tỉnh trong năm 2014 ngoài trông vào sự tăng trưởng nội tại còn có sự đóng góp rất quan trọng của các yếu tố tăng thêm, mà cụ thể là các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn. Trong cơ cấu tăng trưởng của tỉnh, công nghiệp và xây dựng sẽ tăng 24%, dịch vụ tăng 10% và nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5%.

 

 

Tuy nhìn nhận kinh tế có sự tăng trưởng mạnh mẽ, song thực tế vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ đề ra của tỉnh. Bởi vậy, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, rất cần sự chung tay cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (xử lý nợ xây dựng cơ bản, tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục đầu tư, thủ tục cấp đất…). Cùng với đó, tập trung phối hợp, giúp đỡ để dự án Samsung đi vào sản xuất đúng dự kiến; giải quyết dứt điểm vướng mắc về mặt bằng cho dự án Núi Pháo; giải quyết vấn đề vốn cho dự án cán thép Thái Trung. Ngoài ra, còn cần tăng cường cải thiện môi trường để thu hút đầu tư, trong đó hướng tới thu hút đầu tư thực hiện các dự án phụ trợ cho Samsung…

 

 

Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2014, chỉ tính riêng hai Dự án quan trọng là Núi Pháo và Samsung cũng đã tạo thêm cho nền kinh tế của tỉnh khoảng 9.126 tỷ đồng giá trị gia tăng, tương đương với 36,1% tốc độ tăng trưởng.

 

Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương: Sở dĩ đánh giá nền kinh tế của tỉnh năm 2014 rất khả quan là bởi chúng ta có được một nền tảng vững chắc về sản xuất công nghiệp. Qua theo dõi các chỉ số so sánh tốc độ tăng trưởng của giá trị gia tăng và giá trị sản xuất công nghiệp 4 năm trở lại đây cho thấy, chất lượng tăng trưởng đã được nâng lên rất rõ theo từng năm.

 

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh trong năm 2014 sẽ tăng theo sự phát triển chung của nền kinh tế với mức tăng 6% so với năm trước, trong đó ngành chăn nuôi tăng 9%. Năm 2013, giá trị sản xuất /ha đất trồng trọt chỉ đạt 73,5 triệu đồng/ha (kế hoạch đề ra là 77 triệu đồng/ha). Năm nay, tỉnh xây dựng kế hoạch và phấn đấu phải đạt 80 triệu đồng/ha.