Mô hình hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng

09:14, 26/02/2014

Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là loại hình kinh tế tập thể đã và đang mang lại hiệu quả, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển và đặc biệt phù hợp với địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, tỉnh ta hiện mới có 2 QTDND cơ sở tại thị trấn Đu (huyện Phú Lương) và xã Tiên Phong (huyện Phổ Yên).

QTDND cơ sở thị trấn Đu được thành lập năm 2008 với 12 sáng lập viên và số vốn điều lệ ban đầu là 442 triệu đồng. Ông Lôi Đình Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ cho biết: “Ban đầu chúng tôi đã gặp một số khó khăn như: Đội ngũ cán bộ và nhân viên thiếu kinh nghiệm, non về nghiệp vụ tín dụng; phần lớn người dân trên địa bàn chưa hiểu rõ bản chất và ưu điểm của mô hình này; Quỹ cũng chưa có trụ sở khang trang… nên việc huy động vốn khó khăn”. Nhưng với phương châm đặt chất lượng phục vụ lên hàng đầu, đồng thời được chính quyền tạo điều kiện (cho thuê 400m2 đất để xây dựng trụ sở), được vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh để xây trụ sở, nên Quỹ hoạt động dần ổn định và phát triển: Hiện, tổng nguồn vốn đạt 14,5 tỷ đồng (riêng vốn điều lệ là gần 1,3 tỷ đồng, vốn huy động vượt 7 tỷ đồng); nợ xấu chỉ chiếm 0,05% tổng dư nợ cho vay; số thành viên hiện là 1.121 và đang tiếp tục tăng mạnh... Năm 2012, Quỹ được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên chấp thuận cho mở rộng địa bàn hoạt động, thêm xã Động Đạt, xã Phấn Mễ và đổi đổi tên thành QTDND cơ sở Phú Lương.

 

Theo ông Nguyễn Quế Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Đu thì sự ra đời và hoạt động của Quỹ đã tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân trên địa bàn, hạn chế tín dụng “đen”. Còn chị Ninh Thị Thủy, kinh doanh ở Tiểu khu Thác Lở, thị trấn Đu cho biết: Tôi là thành viên của Quỹ từ lúc thành lập. Từ đó đến nay, tôi thường xuyên gửi tiền và vay vốn của Quỹ để phục vụ công việc kinh doanh. Tôi mới trả cả gốc và lãi món vay 100 triệu đồng từ Quỹ và sẽ tiếp tục vay vào tháng tới. Cũng là thành viên và khách hàng thường xuyên của Quỹ, chị Nguyễn Thanh Vân, gia đình sản xuất và kinh doanh nội thất ở thị trấn Đu nói: Điều làm tôi hài lòng nhất là thủ tục vay vốn được Quỹ thực hiện rất nhanh gọn, không rườm rà...

 

Trong khi đó, QTDND cơ sở Yên Minh (xã Tiên Phong) cũng hoạt động hiệu quả  không kém. Ông Tạ Trung Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ cho biết: Số vốn điều lệ của chúng tôi đã tăng từ 302 triệu đồng khi mới thành lập lên gần 1,5 tỷ đồng hiện nay. Tổng số vốn cho vay cả năm 2013 đạt 19,7 tỷ đồng, doanh số cho vay luôn tăng trưởng khoảng 30%/năm, đột biến như năm 2013 đã tăng trên 80%. Nợ xấu luôn thấp dưới 1% dư nợ… Cũng theo ông Bình thì người dân trên địa bàn ngày càng thấy rõ ưu điểm của QTDND, lợi ích, sự tiện lợi khi là thành viên của Quỹ. Số tiền nhận gửi, cho vay và thời hạn cũng khá linh hoạt, thủ tục nhanh gọn.

 

Vậy tại sao mô hình QTDND đã cho thấy hiệu quả nhưng tỉnh ta vẫn chỉ có 2 đơn vị? (nhiều tỉnh, thành phố đã có hàng chục quỹ với tổng quy mô vốn rất lớn). Thực tế, ngoài 2 quỹ vừa nêu, trên địa bàn tỉnh đã có 2 QTDND cơ sở được thành lập vào cuối những năm 90 thế kỷ trước (tại phường Phan Đình Phùng và xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên). Nhưng vì nhiều nguyên nhân nên chỉ tồn tại được vài năm. Chị Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh cho biết: Giai đoạn đó, những quy định liên quan đến QTDND cơ sở chưa chặt chẽ dẫn đến các quỹ dễ thành lập và giải thể. Việc 2 quỹ đó giải thể ít nhiều để lại dư âm không tốt và làm cho các cơ quan chức năng (Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, chính quyền các cấp) cân nhắc hơn trong việc cho thành lập quỹ.

 

Trong Đề án Tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2011-2015, việc củng cố và thành lập mới các QTDND cở sở được đặt ra như một mục tiêu quan trọng. Cũng theo chị Vũ Thị Thu Hương thì nguyên nhân chính dẫn đến số lượng QTDND cơ sở tại tỉnh ta còn ít là do một bộ phận lớn người dân (đặc biệt là những sáng lập viên tiềm năng, có trình độ và khả năng tài chính) vẫn chưa hiểu rõ bản chất của loại hình này nên còn e dè. Trước thực tế đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền là đặc biệt quan trọng. Đây cũng là giải pháp hàng đầu đang được các cơ quan liên quan quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang tích cực triển khai công tác tư vấn, định hướng, đào tạo các sáng lập viên.

 

Thông tin từ Liên minh HTX tỉnh cho biết, mới đây đã có 4 nhóm sáng lập viên và khá nhiều cá nhân có ý định thành lập QTDND cơ sở đến đề nghị được tư vấn, định hướng và đào tạo nhân sự. Một số nhóm đang hoàn thiện hồ sơ và các điều kiện cần thiết để có thể thành lập quỹ trong năm nay.