Khi những hạt mưa xuân làm mềm lớp đất cứng nơi núi cao là lúc đồng bào Mông ở xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) bước vào vụ trồng ngô mới. Một năm có 2 vụ ngô thì đây là vụ được bà con dân bản hy vọng nhất, bởi khi mưa xuân đến, cây ngô sẽ được nguồn nước tưới mát để tạo nên những “hạt vàng” no ấm.
Ông Lê Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn cho biết: Toàn xã hiện có gần 100 hộ người dân tộc Mông với hơn 400 nhân khẩu, sinh sống tập trung tại xóm Lân Đăm và xóm Trung Sơn. Phần lớn người Mông ở đây đều di cư từ Hà Quảng (Cao Bằng) đến. Trước đây, bà con sống tập trung ở những mỏm núi cao của xóm Lân Đăm, họ phát nương, làm rẫy rồi trồng ngô để lấy lương thực nhưng do sống ở vùng núi đá, không có nguồn nước để sản xuất, mỗi năm bà con chỉ trồng một vụ ngô nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Để tìm vùng đất mới thuận lợi hơn cho việc sản xuất, một số hộ dân ở xóm Lân Đăm đã hạ sơn và tạo nên xóm Trung Sơn. Xuống núi, tuy cuộc sống dễ chịu hơn nhưng việc sản xuất nông nghiệp ở hai xóm vẫn phụ thuộc vào nguồn nước trời, năm nào mưa ít, cây ngô không phát triển được thì cả xóm vẫn phải chịu đói 3, 4 tháng.
Đời sống của người Mông chỉ thực sự thay đổi khi họ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Thay vì trồng ngô 1 vụ/năm thì bà con đã biết trồng ngô 2 vụ/năm, những giống ngô cũ năng suất thấp cũng dần được thay thế bằng những giống ngô lai năng suất cao như: NK 54, NK 4.300; LVN 99… Với việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng cùng trình độ thâm canh ngày càng cao của người dân, cây ngô lai đã đem lại sự no ấm cho đồng bào Mông nơi đây. Trung bình mỗi vụ, năng suất ngô đạt từ 45 - 50 tạ/ha (tăng từ 5-10 tạ/ha so với giống ngô cũ).
Để tìm hiểu thêm về việc sản xuất nông nghiệp của người Mông, chúng tôi đã tìm đến xóm Lân Đăm. Đang là ngày mùa nên vào đến xóm hầu như chỗ nào chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh bà con người Mông rẫy cỏ, làm đất để chuẩn bị trồng vụ ngô mới. Chị Lý Thị Mỵ, một người dân trong xóm đang thoăn thoắt rẫy cỏ trên khu đất của gia đình vui vẻ cho biết: Vụ xuân năm 2013, nhà mình trồng 7kg ngô giống NK 4.300. Thấy ngô tốt, không đổ, bắp to, nhiều hạt, thu hoạch xong cây vẫn còn tươi, có thể làm thức ăn cho bò nên vụ xuân năm nay mình lại mua ngô NK 4.300 về trồng. Nương rẫy của nhà đã sạch cỏ rồi, chỉ chờ vài đợt mưa nữa là trồng thôi.
Đến nhà Trưởng xóm Lý Văn Ló, chúng tôi được anh cho biết: Gần chục năm nay, nhiều giống ngô lai đã được bà con ở xóm Lân Đăm đưa vào trồng thử nhưng chỉ có giống NK 4.300 là phù hợp với đồng đất địa phương nên đa số các hộ đều trồng giống ngô này. Diện tích ngô lai cũng ngày càng được mở rộng, hiện toàn bộ đất đồi, núi trước bỏ hoang giờ đã được bà con, thâm canh ngô lai, không để khoảng nào bị trống. Nhờ vậy, 14 hộ dân của xóm đã không còn bị cảnh đói dài ngày mỗi khi đến mùa giáp hạt. Có nhà trồng nhiều còn có ngô đem nấu rượu hoặc bán lấy tiền mua sắm các vật dụng khác. Vụ xuân năm nay, toàn xóm sẽ trồng khoảng 140kg ngô giống các loại, tương đương với trên 10ha.
Rời xóm Lân Đăm, chúng tôi tiếp tục đến với bà con người Mông ở xóm Trung Sơn. Cả xóm hiện có 72 hộ với hơn 300 khẩu. Những năm gần đây, nhờ được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước mà cuộc sống của bà con dân bản ở xóm tái định cư này đã vơi bớt khó khăn. Hiện xóm đã có nhà văn hóa, có điểm trường mầm non được xây dựng khang trang, có nguồn điện thắp sáng và nguồn nước sạch để sinh hoạt hàng ngày… Ông Nông Văn Dương, Trưởng xóm Trung Sơn cho biết: Bây giờ đồng bào Mông ở xóm không còn du canh, du cư như trước nữa. Cây ngô vẫn là cây lương thực chính nhưng nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật mà bà con đã biết chọn những giống ngô tốt, năng suất cao để trồng. Chuẩn bị cho việc trồng ngô vụ xuân, sau khi hết 3 ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, bà con trong xóm đã dọn dẹp nương bãi, rẫy cỏ, xếp đá làm hàng rào, đối với những bãi đất nhỏ, bằng phẳng thì dùng cày, bừa cho tơi xốp. Bao giờ những cơn mưa xuân dứt, nắng ấm là bà con có thể tra ngô. Vụ này, toàn xóm sẽ trồng gần 20ha, tăng 7ha so với vụ xuân năm ngoái do bà con khai hoang được thêm diện tích đất, giống ngô được trồng chủ yếu là NK 4300 và LVN 99.
Dạo một vòng quanh xóm, trò chuyện với bà con dân bản, chúng tôi được biết thường thì các nhà không cần phải ươm sẵn ngô bầu mà gieo hạt trực tiếp xuống đất núi, sau đó nhờ những cơn mưa thấm sâu vào lòng đất, hạt sẽ nảy mầm và cho những khóm ngô xanh tốt. Sau gần 4 tháng sinh trưởng và phát triển, cây ngô trên núi sẽ cho đồng bào Mông thu hoạch. Mùa này do lượng mưa nhiều, các hộ dân ở xóm Trung Sơn thường chọn những giống ngô lai chất lượng tốt, cho hạt nhiều để trồng. Một số nhà cũng trồng cả ngô nếp, đó là giống ngô cho bắp ngắn, nhỏ nhưng ăn thơm và dẻo.
Chia tay bà con người Mông ở Quang Sơn trong làn mưa bụi, dọc đường về chúng tôi lại hình dung ra những nụ cười rạng rỡ của đồng bào nơi đây, hình dung ra những nương ngô xanh mướt với những bắp căng tròn để cảm nhận rõ hơn sự đổi thay ở nơi vùng cao này.