Nan giải bài toán thu nợ thuế

08:04, 24/02/2014

Kinh tế khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm đã khiến cho hoạt động của một số doanh nghiệp đình trệ, giải thể, phá sản và nợ thuế. Trước thực trạng đó, vấn đề quản lý thu nợ thuế đối với ngành Thuế gặp không ít khó khăn. Cưỡng chế thu - nguy cơ phá sản của doanh nghiệp cao hơn; duy trì thì số nợ ngày càng tăng lên.

Theo thống kê của Chi cục Thuế thị xã Sông Công, tình trạng nợ thuế của các doanh nghiệp từ năm 2012 đến nay ngày càng gia tăng. Năm 2012 số nợ thuế của các doanh nghiệp là 3%/tổng số thu tại địa phương (tương đương 20 doanh nghiệp có số nợ), những tháng cuối năm 2013 số nợ tăng lên đến trên 7% (tương đương trên 40 doanh nghiệp có số nợ) và hai tháng đầu năm 2014 đã tăng lên 9% (tương đương trên 50 doanh nghiệp có số nợ, với số tiền thuế, phí gần 8 tỷ đồng). Các đối tượng nợ thuế thuộc nhóm khó thu và không có khả năng thu chủ yếu là doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng, lắp đặt kết cấu thép, dịch vụ vận tải hàng hóa (chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn và chiếm gần 80% tổng số doanh nghiệp có số thuế nợ. Số doanh nghiệp nằm trong nhóm “báo động đỏ” không có khả năng thu hồi thuế (thuộc nhóm các doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động) có 30 đơn vị.

 

Về phía cơ quan Thuế thị xã Sông Công đã có nhiều biện pháp “mạnh” để đôn đốc thu, như thực hiện kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, gửi thông báo đôn đốc nợ đến các doanh nghiệp theo quy trình quản lý thuế, mời các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước cùng trao đổi để tìm cách tháo gỡ khó khăn và ký cam kết để nộp; phối hợp với các cơ quan Kho bạc nhà nước, Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng của thị xã, Phòng Tài chính kế hoạch thị xã, các chủ đầu tư, các Ngân hàng thương mại, quản lý các nguồn thanh toán để thu nợ tiền thuế và cao hơn nữa là tiến hành phong tỏa tài khoản, ra quyết định cưỡng chế thuế. Đến thời điểm tháng 12-2013, Chi cục Thuế thị xã đã thực hiện ra hơn 30 quyết định cưỡng chế đối với các đơn vị chây ì, không tự giác thực hiện nghĩa vụ về thuế, có số nợ vượt quá thời gian quy định, nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế, tiền phạt là trên 1,2 tỷ đồng.

 

Để nắm bắt kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, cơ quan Thuế thị xã đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Thực hiện rà soát, tập huấn chính sách thuế mới cho doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc việc gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thực hiện hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp khi có đầu tư mới hoặc hàng tồn kho nhiều có số thuế chưa khấu trừ hết để giải quyết khó khăn về vốn sản xuất... Năm 2013, đã có 74 doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế với số tiền gần 1,6 tỷ đồng, giảm 50% tiền thuê đất năm 2013 cho 18 doanh nghiệp với số tiền gần 1 tỷ đồng, hoàn thuế trên 13 tỷ đồng cho 20 doanh nghiệp…

 

Cảm thông và chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn là vậy, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp cố tình chậm nộp thuế. Qua công tác thanh kiểm tra, năm 2013, Chi cục đã phát hiện 10 trường hợp doanh nghiệp vẫn xuất hóa đơn bán hàng, nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế, dẫn đến nợ thuế và chiếm dụng tiền thuế. Cũng có doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, chuyển đổi, bỏ trốn vẫn nợ thuế. Từ năm 2010 đến thời điểm tháng 2-2014 đã có 15 doanh nghiệp trong tình trạng này và số thuế còn nợ lên đến gần 3 tỷ đồng. Theo quy định của Luật Quản lý thuế thì các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng trên đều vi phạm Luật. Lợi dụng các kẽ hở trong cơ chế quản lý của Nhà nước khi gặp phải những khó khăn phát sinh, một số doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế, một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhưng chủ doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp phép đăng ký kinh doanh thành lập pháp nhân khác, hay một chủ doanh nghiệp thành lập nhiều pháp nhân khác nhau dưới nhiều hình thức, do vậy gây khó khăn trong công tác quản lý thuế. Mặt khác, việc quản lý các tài khoản giao dịch thanh toán của các doanh nghiệp hiện nay cơ quan thuế gặp rất khó khăn, việc mở các tài khoản của doanh nghiệp dễ ràng, do vậy một doanh nghiệp có thể mở rất nhiều tài khoản và ở nhiều ngân hàng khác nhau, do vậy khi thực hiện ra quyết định cưỡng chế qua ngân hàng ở một tài khoản này thì doanh nghiệp chuyển tiền qua tài khoản khác. Trên thực tế, ngành Thuế chỉ quản doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh nơi đăng ký thuế, còn nơi cư trú, hộ khẩu lại thuộc ngành khác quản lý, trong khi mỗi ngành có quy trình giải quyết khác nhau, nên khi xảy ra, việc truy tìm chủ sở hữu rất khó khăn. Cũng có những tình huống gây nhiều vướng mắc đối với các cơ quan chức năng, như tiêu chí xác định doanh nghiệp “bỏ trốn” hiện chưa rõ ràng. Đến nay, chỉ có hướng dẫn trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được UBND cấp tỉnh xác định. Thế nhưng, người đại diện hợp pháp vắng mặt bao lâu thì được coi là “bỏ trốn” lại không có quy định. Từ thực tế này, thiết nghĩ, các ngành cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm tính hiệu quả và kịp thời trong quản lý thu nợ thuế.