Người tiên phong sản xuất chè an toàn ở Yên Lạc

09:16, 17/02/2014

Ở xã Yên Lạc (Phú Lương) nhiều người biết đến anh Ngô Đức Thiện, ở xóm Yên Thuỷ 1 vì anh là một trong những người đầu tiên đưa quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp IPM vào sản xuất chè tại địa phương.

Chúng tôi đến nhà anh Thiện vào một buổi chiều đầu năm để tìm hiểu về câu chuyện gần 40 năm gắn bó với cây chè và cơ duyên đến với việc sản xuất chè an toàn của anh.

 

Năm 1976, anh Thiện theo gia đình di cư từ huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay là T.P Hà Nội) đến xã Yên Lạc để khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Khi đó, các hộ mới di cư được cán bộ Phòng Nông nghiệp PTNT huyện chỉ dẫn trồng chè để phát triển kinh tế. Đến năm 1987, anh Thiện lập gia đình và ra ở riêng trong hoàn cảnh khó khăn. Từ số “vốn” ban đầu là 5 sào chè của bố mẹ, hai vợ chồng anh bắt đầu cày cuốc, san lấp đất đồi để mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh Thiện đã có 1ha chè, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 100 tạ chè búp khô, cho thu nhập 150-170 triệu đồng/năm.

 

Nói về quá trình đến với việc sản xuất chè an toàn, anh Thiện nhớ lại thời gian khoảng năm 1981, khi bà con trong xã bắt đầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thời đó, những loại thuốc trừ sâu Monitor, Thiodan, Ofatox… (những loại thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đã bị cấm sử dụng) được các hộ trồng chè trong xóm phun cho cây chè một cách tràn lan. Mãi đến khoảng năm 1998- 2002, sau khi xem tin tức trên ti vi người trồng chè mới bắt đầu lo ngại về ảnh hưởng của việc phun thuốc trừ sâu tràn lan đến sức khoẻ. Tuy nhiên tình trạng môi trường vẫn chưa được cải thiện vì các hộ vẫn loay hoay chưa tìm được cách khắc phục. Đúng dịp đó, năm 1998, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và Trạm bảo vệ thực vật huyện Phú Lương tổ chức lớp sản xuất chè an toàn theo Dự án IPM (Dự án trồng, sản xuất và chế biến chè an toàn do Hà Lan tài trợ). Anh Thiện cùng một số người trồng chè trong xã được cử tham dự lớp học. Sau khi được tham gia lớp tập huấn, sẵn lòng tâm huyết và yêu cây chè, anh đã tham gia thường xuyên các lớp tập huấn khác, học hỏi quy trình sản xuất, chế biến chè an toàn với mong muốn cung cấp sản phẩm chè an toàn đến người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình và những người xung quanh. Đến năm 2002, anh Thiện là người đầu tiên ở xã Yên Lạc và trong cả huyện Phú Lương tiến hành sản xuất và chế biến chè an toàn. Đến nay, gia đình anh vẫn duy trì việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn IPM.

 

Được biết, IPM là một hệ thống quản lý dịch hại (phòng chống sâu bệnh, cỏ dại) sử dụng tất cả các kỹ thuật và biện pháp thích hợp có thể được, nhằm duy trì mật độ của các loài gây hại ở dưới mức gây ra những thiệt hại kinh tế. Khi thực hiện quy trình này phải giảm bớt được việc sử dụng thuốc hóa học Bảo vệ thực vật trong sản xuất làm ra những sản phẩm không có hoặc có dư lượng thuốc hóa học bảo vệ thực vật dưới ngưỡng cho phép đáp ứng yêu cầu sản xuất chè an toàn. Anh Thiện cho biết: Để làm được mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn, người làm chè phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của Dự án IPM, phải áp dụng “bốn đúng” đó là: Cúp đúng thời vụ, vào khoảng tháng 1 - 2, nếu cúp sớm mà chưa có mưa xuân cây chè sẽ bị khô hạn, nếu cúp muộn cây chè sẽ không có đủ sức chống đỡ với sâu bọ; hái đúng lứa, nếu hái sớm quá sẽ ảnh hưởng đến lứa sau, ngược lại nếu hái già quá chè sẽ bị ban, không cho năng suất; dùng đúng thuốc theo từng loại sâu bệnh và tuân thủ đúng thời gian cách ly đối với thuốc bảo vệ thực vật.

 

Không chỉ tham gia sản xuất trong quy mô gia đình mình, anh Thiện còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong xã thực hiện sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn IPM. Anh cũng đã có nhiều năm làm trợ giảng cho các lớp tập huấn phương pháp sản xuất chè an toàn IPM của Chi cục bảo vệ thực vật. Nhận thấy được ích lợi của việc sản xuất chè an toàn đối với sức khoẻ của gia đình và người sử dụng, nhiều hộ sản xuất chè trong xã cũng đã tham gia mô hình này. Đến nay, ở xã Yên Lạc đã có khoảng hơn 20 hộ tham gia mô hình sản xuất chè an toàn với diện tích trên 20 ha. Ông Vũ Hải Quân, Trưởng xóm Yên Thuỷ 1 cho biết: Khoảng những năm 1980 - 1990, bà con trong xóm thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan, trong xóm đâu đâu cũng ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, sau khi anh Thiện cùng một số người trong xóm đi học lớp tập huấn sản xuất chè an toàn IPM và hướng dẫn cho bà con thì tình trạng này đã được dần cải thiện. Hiện nay, hầu hết các hộ trồng chè trong xóm đều đã chuyển sang dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cách ly đủ thời gian để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tiêu dùng.

 

Được biết, bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh chè giỏi, anh Thiện còn là Bí thư Chi bộ xóm Yên Thuỷ 1 từ năm 2005 đến nay. Chi bộ Yên Thuỷ 1 liên tục đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh và anh cũng có nhiều năm được xếp loại Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2013, gia đình anh đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho hộ có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh chè, góp phần quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2011- 2013.