Hơn 10 năm nay, người dân xóm Tràng Học, xã Phấn Mễ (Phú Lương) chuyên cấy lúa Bao thai thuần chủng để cung cấp giống cho Trung tâm Giống cây trồng (Sở Nông nghiệp và PTNT). Việc sản xuất lúa giống đã giúp cho người nông dân ở đây có thu nhập ổn định…
Chúng tôi đến xóm Tràng Học khi người dân nơi đây đang làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Tuy không phải là vụ cấy Bao thai thuần chủng để cung cấp giống cho Trung tâm Giống cây trồng nhưng đây lại là vụ quyết định đảm bảo lương thực cả năm của nhiều gia đình nông dân ở Tràng Học, bởi sản lượng thóc Bao thai thuần chủng cấy ở vụ mùa đều được Trung tâm bao tiêu hết với giá cao hơn 20% so với giá thóc thị trường.
Gần 28ha đất cấy lúa của xóm Tràng Học nằm trên các cánh đồng: Đá Rùa, Gốc Mít, Lần, Hương…có địa hình tương đối bằng phẳng, ruộng sâu chân, tầng đất thịt dày, gần nguồn nước và cách biệt với các khu đất canh tác nông nghiệp khác ở Phấn Mễ nên rất thích hợp với việc cấy lúa Bao thai thuần chủng để tạo giống. Vì vậy, năm 2000, Trung tâm Giống cây trồng đã khảo nghiệm cấy lúa Bao thai thuần chủng tạo giống trên vùng đất này và cho kết quả tốt nên đã ký hợp đồng với những hộ dân trong xóm sản xuất lúa giống. Thời gian đầu, việc ký hợp đồng sản xuất lúa giống giữa Trung tâm với các hộ nông dân xóm Tràng Học chỉ thực hiện năm một. Nhưng từ năm 2010 đến nay, Trung tâm và các hộ dân ở Tràng Học đã ký kết hợp đồng sản xuất lúa giống 5 năm một lần. Mỗi khi vào vụ mùa, Trung tâm Giống cây trồng sẽ cung cấp thóc giống cho từng hộ dân tuỳ theo diện tích đã đăng ký và cử cán bộ về hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Đến thời kì lúa trổ bông, càn bộ kỹ thuật của Trung tâm tiếp tục hướng dẫn người dân loại bỏ lúa tạp bị lẫn. Đến khi thu mua, Trung tâm kiểm tra độ ẩm trong thóc, các tiêu chuẩn chất lượng thóc giống như trong hợp đồng đã ký kết. Ông Quách Văn Hùng, một nông dân ở Tràng Học cho biết: “Trước khi ký hợp đồng sản xuất với Trung tâm Giống cây trồng, Tràng Học đã là “vựa lúa” Bao thai của xã Phấn Mễ. Nhưng sau đó, người dân chuyển dần sang các giống lúa nguyên chủng, lúa lai khác vì năng suất cao hơn. Sau khi Trung tâm cam kết bao tiêu thóc Bao thai với giá cao hơn giá thóc thị trường 20% nên người dân đã quay trở lại cấy lúa Bao thai. Để thóc Bao thai thuần chủng đạt chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của Trung tâm thì các hộ sản xuất phải thực hiện đúng kỹ thuật. Vụ mùa 2013, nhà tôi cấy hơn 1,6 mẫu, thu được gần 3 tấn thóc Bao thai thuần chủng bán cho Trung tâm, lãi 35 triệu đồng”. Nhiều gia đình nông dân ở xóm Tràng Học thấy việc chuyển sang cấy lúa Bao thai thuần chủng hiệu quả hơn so với cấy các giống lúa khác nên đã mạnh dạn cấy hết diện tích đất canh tác và thuê thêm đất của những hộ ít ruộng hoặc hộ neo người. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Hồng Quân đã cấy gần 3 mẫu lúa Bao thai thuần chủng nên vụ mùa năm 2013 đã thu hoạch được 5 tấn thóc giống lãi được 45 triệu đồng.
Bà Phan Thị Mai Huy, Trưởng xóm Tràng Học cho biết: “Xóm có 90/130 hộ dân ký hợp đồng sản xuất thóc giống với Trung tâm Giống cây trồng. Việc này đã giúp các hộ tiêu thụ được sản phẩm với giá cao, hướng người nông dân theo sản xuất theo hướng hàng hoá. Vụ xuân người dân cấy lúa để phục vụ lương thực cho cả năm, vụ mùa sản xuất lúa giống để bán nên hộ nhiều hộ, thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/năm, hộ ít ruộng cũng thu nhập trên 10 triệu đồng. Chính điều này đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và mua được những vật dụng sinh hoạt đắt tiền, đời sống của người dân xóm Tràng Học ngày càng khấm khá”. Về phía Trung tâm Giống cây trồng cũng khá “hài lòng” về sự hợp tác trong quá trình sản xuất lúa giống với các hộ dân ở Tràng Học. Kỹ sư Lê Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Kinh doanh dịch vụ (Trung tâm Giống cây trồng) khẳng định: “Địa thế ở Tràng Học rất phù hợp với yêu cầu sản xuất lúa giống và người nông dân ở đây có kinh nghiệm canh tác, ham học hỏi, chăm chỉ lao động. Đặc biệt là nông dân ở Tràng Học rất giữ chữ tín nên việc hợp tác của chúng tôi càng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả”.
Ngoài sự hợp tác với các hộ nông dân ở xóm Tràng Học, Trung tâm Giống cây trồng còn chuyển giao kỹ thuật để hợp tác sản xuất lúa giống với nông dân ở một số vùng trong tỉnh như: Xóm Phú Nghĩa, xã Khôi Kỳ; xóm Cao, xã Mỹ Yên (Đại Từ); xóm Hắng, xã Hồng Tiến (Phổ Yên). Sự hợp tác “2 nhà” này đã đem lại nhiều lợi ích như: chủ động một phần lúa giống phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng giống lúa và có thêm nguồn thu; người nông dân được thường xuyên chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập…Do vậy, mô hình này nên được các cấp, ngành trong tỉnh tiếp hỗ trợ để nhân rộng.