Cùng với những bất lợi về thời tiết thì công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng “vấp” phải không ít trở ngại.
Tuy trong năm 2012, 2013, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các ổ dịch bệnh lớn, nhưng nhận thức của không ít hộ chăn nuôi về dịch bệnh này đang còn hạn chế, công tác phòng, chống dịch bệnh chưa được người dân quan tâm, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thậm chí, có hộ chăn nuôi chưa tiêm phòng triệt để, mua con giống không rõ nguồn gốc…
Do vậy, để phòng ngừa dịch cúm tái bùng phát trở lại, lực lượng Thú y đang phối hợp với các cấp, ngành chức năng trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp tích cực. Cùng với việc thực hiện công tác vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phun thuốc sát trùng tiêu độc đối với khu vực có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao, cơ quan thú y sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ những phương tiện vận chuyển gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để lọt trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân thông qua các phương tiện thông tin cũng được chú trọng…
Song song với đó, Chi cục Thú y sẽ tiếp tục chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã thực hiện chiến dịch tiêm phòng sớm, đợt một sẽ diễn ra vào cuối tháng 2, đầu tháng 3; đợt hai vào tháng 8. Dự kiến, trong năm 2014, Chi cục sẽ cấp 3 triệu liều vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm để phục vụ công tác tiêm phòng. Đặc biệt, để làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch, từ ngày 20-2, Chi cục bắt đầu cấp phát hóa chất cho 9 huyện, thành phố, thị xã. Theo đó, số hóa chất được cấp trong lần này sẽ lên đến 2,5 tấn.
Đối với hộ chăn nuôi, cũng cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó bà con nên áp dụng công nghệ chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Gia cầm giống mua về phải có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua ở các chợ; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm, thường xuyên định kỳ sát trùng tiêu độc chuồng trại. Người nuôi nếu phát hiện có gia cầm chết và nghi bị cúm A/H5N1 phải báo ngay cho cán bộ thú y để kịp thời tiêu hủy; không giấu dịch, không giết mổ, bán chạy gia cầm ốm, chết do mắc bệnh, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi…
Thái Nguyên rất gần với một số tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc như Cao Bằng, Lạng Sơn. Do đó, nguy cơ cúm A/H5N1 và đặc biệt là cúm A/H7N9 xâm nhập vào địa bàn tỉnh là rất cao. Do vậy, việc ngăn chặn chủng vi rút nguy hiểm này vào tỉnh, nhất là việc ngăn ngừa các chủng vi rút cúm lây lan sang người là rất cần thiết. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để ngăn ngừa các chủng vi rút cúm nguy hiểm này, chúng ta phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn và có những ứng phó khẩn cấp. Trong đó, các biện pháp cấp bách cần ưu tiên: nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ biên giới về tỉnh Thái Nguyên; triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trong tháng 3, đặc biệt quan tâm đến các chợ có buôn bán và giết mổ gia cầm như Túc Duyên, Đồng Quang, Thái… Cùng với đó là chủ động lấy mẫu giám sát trên gia cầm, chợ bán gia cầm để phát hiện động vật mang trùng (do virus cúm A/H7N9 chưa gây bệnh lâm sàng trên gia cầm); tăng cường công tác truyền thông nguy cơ, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong việc ngăn chặn, phòng ngừa vi rút xâm nhập…. Cùng với đó, các cơ quan thú y, công an, quản lý thị trường, ban quản lý các chợ... cần thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc...