Phú Bình là một trong những địa phương có sản lượng chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Đây còn là đầu mối trung chuyển các sản phẩm gia súc, gia cầm từ Lạng Sơn, Bắc Giang vào tỉnh ta hoặc ngược lại. Phú Bình từng bùng phát dịch cúm gia cầm vào một số năm trước. Trước tình hình các dịch cúm gia cầm đang có nhiều diễn biến phức tạp, huyện Phú Bình đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Chúng tôi đến xóm Nam Hương 2, xã Thanh Ninh, nơi đã từng bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 để tìm hiểu công tác phòng, chống dịch của các hộ chăn nuôi ở đây. Chị Vũ Ngọc Vẻ, Trưởng xóm cho biết: Vì là địa phương từng bùng phát dịch cúm gia cầm nên xóm thường xuyên thực hiện các biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, vào thời điểm này, khi dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại chúng tôi đã liên tục tuyên truyền cho bà con qua loa phát thanh xóm, các buổi họp xóm, thông qua những hội đoàn thể vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tuy hiện tại không còn chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn nhưng ông Bùi Thế Bảy, chủ hộ có đàn vịt bị nhiễm cúm gia cầm vào tháng 2-2012 vẫn đều đặn thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Ông Bảy chia sẻ: Vào năm 2012, đàn vịt 150 con của gia đình tôi bị nhiễm cúm H5N1 phải tiêu huỷ toàn bộ. Thiệt hại lúc đó vào khoảng 20 triệu đồng, số tiền tương đối lớn với người nông dân. Rút kinh nghiệm từ đó, sau khi tái đàn tôi thường xuyên tiêm phòng dịch, phun thuốc, rắc vôi bột khử trùng chuồng trại chăn nuôi.
Cùng với ông Bảy, gia đình chị Vũ Thị Bắc ở cùng xóm cũng bị thiệt hại khoảng 50 con gà trong dịch cúm gia cầm năm 2012. Được biết, bên cạnh việc chăn nuôi, chị Bắc còn buôn bán gà từ Phú Bình lên T.P Thái Nguyên. Chị cho biết: Năm 2012, đàn gà của gia đình tôi không bị nhiễm cúm H5N1 nhưng do nằm trong vùng dịch nên bị tiêu huỷ. Từ đó, được cán bộ thú y xã tuyên truyền nên tôi thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Gia đình tôi thường xuyên rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Vào những lúc bình thường, tôi phun 1-2 tuần/lần, còn vào thời điểm mùa mưa hay cao điểm của bệnh dịch như hiện nay, tôi phun thuốc 3-5 ngày/lần. Đối với xe tải chở gà của gia đình, tôi cũng thường xuyên được phun hoá chất khử trùng.
Còn tại chốt kiểm dịch động vật Cầu Ca (xã Kha Sơn), ông Dương Quang Trình, cán bộ Trạm Thú y huyện cho biết: Mỗi ngày có khoảng 15- 20 xe vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt. Đối với những xe vận chuyển từ ngoài tỉnh vào chúng tôi đã ngăn xe lưu thông vào địa bàn huyện và yêu cầu quay trở lại. Còn đối với những xe vận chuyển từ trong tỉnh ra, nếu phải có giấy chứng nhận của cơ quan thú y, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và thực hiện tiêu độc, khử trùng. Bên cạnh đó, các cán bộ chốt đã tiến hành các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định.
Ông Đào Quang Lượng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phú Bình thông tin: Phú Bình là địa phương tập trung nhiều hộ chăn nuôi gia cầm. Toàn huyện có trên 200 trạng trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với khoảng 2,5 triệu con gia cầm. Là nơi đã từng bùng phát dịch nên chúng tôi đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể: đã triển khai và duy trì phun tiêu độc, khử trùng tại 14 chợ trên địa bàn và tại ổ dịch cũ tại xóm Nam Hương 2 (xã Thanh Ninh); triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đến từng xã; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng dịch và tiêm phòng tại các địa phương; tiến hành tiêm phòng dịch sớm so với mọi năm…
Hiện nay, lượng tiêu thụ tương đối thấp nên gia cầm tồn lại trong các hộ chăn nuôi tương đối nhiều, gặp thời tiết ẩm ướt nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Do đó, huyện vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời. Tính đến nay, trên địa bàn chưa có dấu hiệu bùng phát dịch cúm gia cầm.