Đằng sau những doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong thời điểm suy thoái là những doanh nhân có đầy đủ tố chất, bản lĩnh vững vàng. Có dịp tiếp xúc với những doanh nhân (DN) là chủ các doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, chúng tôi nhận thấy ở họ có nhiều điểm chung như: luôn lạc quan, quyết đoán, biết tận dụng thời cơ và cả biết chấp nhận…
Không những đã trụ vững qua giai đoạn khó khăn nhất, Công ty TNHH An Lộc Sơn (phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên) còn đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng (năm 2013 là trên 70 tỷ đồng, trong khi năm 2012 chỉ đạt 41,6 tỷ đồng). Chị Lưu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty chưa quên giai đoạn sóng gió đã qua, bày tỏ: Dù lạc quan nhưng có những thời điểm, chúng tôi thực sự cảm thấy khủng hoảng, Ban lãnh đạo và nhân viên thẫn thờ nhìn nhau, lòng dặn lòng cùng vượt khó. Lúc đó, kinh doanh đình trệ, mặt hàng chủ lực của Công ty là các loại thiết bị, vật tư công nghiệp ế ẩm, trong khi gặp khó khăn về vốn. Không bất lực nhìn “con thuyền” của mình đang chìm dần, ngoài việc tiếp tục phát huy những giải pháp kinh doanh tích cực, hiệu quả, gắng sức chăm lo, động viên người lao động, Ban lãnh đạo Công ty quyết định dồn lực mở rộng thị trường kinh doanh (chủ yếu sang các tỉnh Bắc Kạn, Quảng Ninh), nhận phân phối thêm sản phẩm mới và có tiềm năng, kịp thời dừng phân phối sắt thép xây dựng. Kết quả kinh doanh ở thời điểm này đã chứng minh những quyết định đúng đắn cùng với sự nỗ lực của cả tập thể Công ty. Trên nền tảng sẵn có, chúng tôi đặt mục tiêu từ năm nay sẽ đạt tăng trưởng doanh thu 50%/năm.
Chấp nhận xả hàng là một quyết định không mấy dễ dàng đối với ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái (T.P Thái Nguyên), bởi sự phản đối do lo ngại thua lỗ của người thân. Ông Quang phân tích: Hàng tồn chất kho, đọng vốn nhiều tỷ đồng, trong khi hằng tháng doanh nghiệp phải “cõng” lãi suất ngân hàng ở mức cao, thà rằng xả hàng để thu hồi vốn gốc, trả ngân hàng, nếu cần thiết thì thu hẹp quy mô kinh doanh để bảo toàn, còn hơn nằm chờ. Công ty xả hàng để tự cứu mình theo cách đó, bớt mối lo tiền lãi ngân hàng, điều chỉnh lại các giải pháp, cũng như hoàn chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng bài bản và dài hơi hơn. Như một bước lùi để lấy đà, kiên trì, nỗ lực duy trì doanh nghiệp, và rồi cũng đến lúc thị trường tiêu thụ bắt đầu “ấm” lên, Công ty không những trụ vững mà doanh thu còn tăng trưởng cao (năm 2013 tăng khoảng 70% so với năm trước), đồng thời mở thêm một cửa hàng bày bán sản phẩm. Rõ ràng, đằng sau cuộc “vượt thoát” thành công của Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái là bản lĩnh, sự quyết đoán, chính xác trong nhận định thị trường, tâm lý khách hàng của “thuyền trưởng” Phạm Văn Quang.
Cũng với chủ đề vượt khó trong thời điểm kinh tế suy thoái, ông Nguyễn Thành Phương, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thành Anh (T.P Thái Nguyên) giãi bày: Đơn vị chúng tôi chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sắt thép phế liệu nên không thể tránh khỏi lao đao khi các đối tác chiến lược gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm thép, phải thu hẹp sản xuất. Có thời điểm Doanh nghiệp bị tồn kho hàng nghìn tấn sản phẩm, mặc dù đã hạ giá hết mức có thể. Trước bài toán tồn vong, nguy cơ giải thể hiện hữu, chúng tôi quyết định thu nhỏ quy mô, huy động thêm các nguồn vốn nhằm giữ vững doanh nghiệp. Đồng thời tìm giải pháp để thanh lý hàng tồn kho, chú trọng duy trì khách hàng truyền thống và chuyển một phần trọng tâm sang các lĩnh vực mới, nhất là phân phối hàng tiêu dùng. Vì vậy, doanh thu cả năm 2013 của chúng tôi đạt 250 tỷ đồng (tăng gần 14% so với năm 2012), nộp ngân sách gấp 4 lần năm trước.
Có thể kể thêm rất nhiều DN và doanh nghiệp của họ đã và đang vững vàng trước “sóng gió” của cơn bão kinh tế suy thoái chung như: Ông Nguyễn Đức Điểm, Chủ nhiệm HTX Vận tải Ô tô Tân Phú; ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Hải; ông Nguyễn Đức Cổn, Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh; bà Đinh Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hà Căn… Theo thông tin từ Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên, kết thúc năm 2013, 30% trên tổng số 147 hội viên của Hội Sản xuất, kinh doanh tốt có sự mở rộng quy mô; 60% duy trì hoạt động thường xuyên, chỉ 10% còn lại đang vất vả trụ vững. Thông tin này cùng với những ví dụ nêu trên góp phần minh chứng “bức tranh” chung về các doanh nghiệp, DN trên địa bàn tỉnh với gam màu sáng, đủ để lạc quan.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp, năm 2014 bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu tích cực hơn của kinh tế vĩ mô. Đó là thông tin tốt lành đối với các DN đã vật lộn trải qua thời kỳ khó khăn nhất bằng tất cả ý chí, bản lĩnh và năng lực của họ, để rồi tìm lại sự năng động vốn có. Cơ hội và thách thức luôn song hành, suy thoái chung không phải là những gì tồi tệ nhất, những DN lạc quan và biết chớp thời cơ chắc hẳn nắm rất rõ điều này…