Thị trường sau Tết: Sức mua còn yếu

09:11, 12/02/2014

Sức tiêu thụ đang tăng dần trong những ngày gần đây, nhưng nhìn chung vẫn còn yếu so với cùng thời điểm những năm trước - đó là nhận xét chung của đại diện nhiều siêu thị, cửa hàng và tiểu thương chuyên kinh doanh buôn bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Và theo nhận định, 7-10 ngày nữa, thị trường tiêu thụ mới trở lại bình thường.

Chúng tôi có mặt tại tầng hầm chợ Thái (T.P Thái Nguyên) - nơi chuyên kinh doanh, buôn bán các loại rau củ quả, thịt, đồ tươi sống… vào 16 giờ ngày 11-2, điều rất dễ nhận thấy là các mặt hàng tuy đã được bày bán khá nhiều và đầy đủ nhưng lượng người mua chỉ lác đác, mặc dù đây là khoảng thời gian tiêu thụ nhiều nhất trong ngày. Lượng khách chưa đông nên số ki ốt, chưa mở cửa bán hàng chiếm khoảng 1/3. Qua khảo sát, chúng tôi thấy chỉ có 2 mặt hàng là thịt bò loại I và cá trắm giòn là vẫn có giá cao hơn ngày thường khoảng 20 nghìn đồng/kg và lượng tiêu thụ tương đối mạnh (tăng từ 1,5-2 lần), còn các mặt hàng khác như: giò, chả, thịt lợn, rau, hoa, quả… đều đã trở lại giá ngày thường.

 

Chị Lý Thu Hoa, người chuyên bán đồ hải sản ở đây cho biết: Về cơ bản, giá các loại tôm, cua, cá cho đến ngày hôm nay đã trở lại bình thường, không còn cao như những ngày từ mùng 2 đến mùng 7 Tết nữa. Nay, cá trắm giòn có giá 130 nghìn đồng/kg; thịt bò 250 nghìn đồng/kg…

Trái ngược với thịt, cá, rau xanh tại các chợ ngay từ những ngày trong Tết có giá khá rẻ và vẫn đang có xu thế giảm, như cà chua loại ngon chỉ từ 3-6 nghìn đồng/kg, còn giảm một nửa so với giá bán trước Tết. Tương tự, các loại rau khác như cần tây, bắp cải, su hào, súp lơ, su su… giá bán cũng rất rẻ. Chỉ một số củ, quả như dưa chuột, khoai lang, khoai môn là giá nhích hơn từ 2-3 nghìn đồng/kg. Đối với các loại quả như táo, thanh long, nho, măng cụt… giá bán đều đã giảm so với trước Tết từ 20-30%.

 

Cùng chung sức mua yếu, tại các cửa hàng, siêu thị chuyên kinh doanh hàng tạp hoá bánh, kẹo, sữa, đồ uống, mắm, gạo..., lượng khách hàng nơi cao nhất cũng chỉ bằng 50-70%, thậm chí có nơi chỉ bằng 20-30% so với ngày thường. Tại Siêu thị Minh Cầu 1, đường Minh Cầu, T.P Thái Nguyên, chị Trần Thị Hương, Trưởng Bộ phận bán hàng tại đây cho biết: Chúng tôi bắt đầu mở cửa bán hàng từ ngày 8-2 (tức mùng 9 Tết). Do lượng hàng hoá cơ bản đã được bán hết trong dịp Tết nên từ ngày 7, chúng tôi đã phải nhập hầu hết các mặt hàng. Ngay sau khi mở cửa, lượng khách quen đã bắt đầu quay trở lại, tuy nhiên, sức mua chỉ bằng khoảng 70% so với ngày thường. Mặt hàng bán chạy nhất của Siêu thị trong những ngày qua là các loại sữa (sữa chua, sữa tươi, sữa bột, váng sữa). Nước mắm, gạo, dầu ăn, hàng đông lạnh cũng đã gần trở về mức tiêu thụ bình thường. Còn một số mặt hàng khác như trà, cà phê, nước giải khát, đồ gia dụng… sức tiêu thụ còn khá chậm.

 

Còn tại các cửa hàng, siêu thị ở khu vực Gang Thép, sức mua chỉ bằng khoảng 20-30% so với ngày thường. Chị Trần Thị Huyền, chủ một cửa hàng tạp hoá ở phường Hương Sơn cho biết: Năm 2013, thu nhập của phần lớn công nhân các nhà máy đều giảm so với năm 2012, mức thưởng Tết cũng chỉ bằng một nửa, thậm chí là 1/3 so với những năm trước nên tôi đã giảm 40-50% lượng hàng nhập Tết trước so với mọi năm, bởi thế số hàng hoá bán Tết của gia đình mới cơ bản bán hết. Để mở cửa trở lại, những ngày qua, tôi đã bắt đầu nhập hàng, nhưng số lượng rất hạn chế.

 

Theo báo cáo của Sở Tài chính, các mặt hàng phục vụ Tết năm nay số lượng ít hơn mọi năm nhưng vẫn tương đối dồi dào, đa dạng cả về chất lượng, mẫu mã và giá cả để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng và không có hiện tượng tăng giá đột biến. Chỉ có một số mặt hàng như hoa tươi, cây cảnh loại đẹp có biến động nhẹ về giá. Dù vậy, lượng tiêu thụ hàng hoá của các cửa hàng nhìn chung không cao, phần do người dân đang dần thay đổi thói quen trong tiêu dùng, không còn mua để tích trữ, phần do suy thoái kinh tế khiến nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu.