Mặc dù trung bình mỗi ngày các hộ trên địa bàn xã xuất ra thị trường hàng nghìn lít tương nhưng có lẽ vẫn rất ít người biết lâu nay, ở xã Úc Kỳ (Phú Bình) lại có nghề làm tương, càng ít người biết hơn, đây là nghề gia truyền của không ít gia đình nơi đây và chất lượng tương thì khó có ở đâu sánh bằng…
Mùa đông tuy không phải là thời điểm chính của nghề làm tương (vì việc ủ mốc mùa lạnh rất khó, trong khi mốc lại quyết định đến chất lượng của tương) nhưng nhiều hộ dân trong xã hàng ngày vẫn bận rộn với việc rang đỗ, đồ xôi để ủ mốc. Mùa nóng, thời gian để có được một mẻ tương chỉ cần trên dưới 2 tháng, còn vào mùa lạnh, thời gian phải gấp ít nhất 2 lần. Đưa chúng tôi tới thăm gia đình ông Dương Văn Học, Bí thư Chi bộ Ngoài 2 - đồng chí Dương Văn Hán giới thiệu: Đây là một trong số ít hộ của xã chuyên làm tương đặc sản - làm bằng gạo nếp Thầu Dầu được trồng trên chính đồng đất của xã, xưa nay vẫn nối tiếng thơm, đậm, dẻo nên chất lượng rất thơm ngon và có màu sắc đẹp. Vừa bước vào đến sân, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là những chiếc chum được xếp ngay ngắn, có nắp đậy cẩn thận; ở giữa nhà là chiếc nia khá lớn được đậy kín bằng những tấm vải sạch sẽ. Qua lời giới thiệu của chủ nhà, chúng tôi biết đó là chiếc nia đang ủ mốc. Lật lớp vải lên, chúng tôi cảm nhận được hương thơm khá đặc biệt mà ít loại lúa nếp nào có được.
Ông Học giới thiệu: Mẻ mốc này mới được ủ hôm qua nên vẫn còn mùi thơm và màu tươi sáng của xôi, để một thời gian sẽ dần ngả màu để chuyển thành mốc. Qua câu chuyện, chúng tôi còn được biết, ra Giêng, khi mùa măng đắng bắt đầu, sẽ là thời điểm đắt hàng nhất của người làm tương. Bởi thế, thời gian này, ông và nhiều hộ trong xã đã phải mua thêm chum về để ủ. Ông bảo, giá chum bây giờ đã trên 100 nghìn đồng/cái, đắt đấy nhưng vẫn phải mua, vì đây là dụng cụ duy nhất để làm tương. Với 50 chum tương, mỗi chum chứa 40 lít, những ngày mùa đông này, trung bình mỗi tháng, gia đình ông xuất bán khoảng 1.000 lít tương, còn vào mùa nóng, số lượng có thể tăng gấp 2-3 lần. Khách hàng của ông là người dân trong xã, trong huyện, các tiểu thương ở T.P Thái Nguyên, huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Giang và cả những người mua mang đi biếu ở tận miền Nam. Nhiều người sau khi ăn tương ở Úc Kỳ lại nhờ người quen đặt mua vài can để ăn dần hoặc đem biếu người thân. Họ bảo, tương ở đây rất ngon, ngọt và màu sắc cũng rất đẹp, nhưng sao chưa từng một lần nghe đến thương hiệu. Điều này khiến và nhiều hộ làm tương trong xã trăn trở và suy nghĩ rất nhiều.
Tôi hỏi: Sao ông không tự làm tem nhãn ghi địa chỉ nơi sản xuất và hạn sử dụng để nhiều người biết đến? Ông bảo, làm như vậy có khi lại “lợi bất cập hại” vì sẽ có người giả mạo tem nhãn để biến tương của họ thành tương của mình nhằm trục lợi, vì ngay ở xã tôi cũng đã có nhiều loại tương khác nhau. Được biết, trong gia tộc, ông Học là đời thứ 4 theo nghề làm tương. Hướng mắt về phía cháu nội vừa tròn 2 tuổi, ông bảo, đời nó và nhiều đời sau nữa, cũng sẽ phải biết đến nghề gia truyền này của gia đình. Em dâu ông đứng gần đó (nhà ở đối diện với nhà ông Học, cũng là một trong những hộ sản xuất tương đặc sản với số lượng lớn) cũng bày tỏ: Rõ ràng tương của mình làm ra rất thơm ngon, đảm bảo vệ sinh, hơn hẳn nhiều loại tương khác nhưng vì chưa có thương hiệu, chưa được cơ quan y tế kiểm tra để chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên giá bán không cao hơn so với các loại tương khác. Tôi tin, nếu có thương hiệu, nhiều người sẽ biết đến và dùng tương Úc Kỳ, từ đó giá bán sẽ cao hơn và cũng sẽ ngày càng có nhiều người dân trong xã theo nghề này.
Hiện, ở Úc Kỳ có 3 loại tương. Loại ngon nhất (đặc sản) được làm bằng gạo nếp Thầu Dầu. Tiếp đến là loại được làm bằng gạo nếp thường và thứ 3 là loại làm bằng gạo tẻ. Giá mỗi loại tương cũng khác nhau, tương ứng ở mức: trên 20 nghìn đồng/lít, tiếp đến là 15 nghìn đồng/lít và thấp nhất là 10 nghìn đồng/lít. Nghề làm tương ở Úc Kỳ đã có từ rất lâu đời. Trước đây và cả hiện nay, hầu như nhà nào cũng từ ngả 1 chum tương để ăn dần trong cả năm. Dần dần, do nhu cầu của thị trường, một số hộ bắt đầu làm tương để bán tại một số chợ quê trên địa bàn. Từ năm 2010 trở lại đây, có khoảng 30 hộ đã sản xuất tương theo kiểu hàng hóa, với số lượng lớn, tập trung ở 3 xóm: Múc, Ngoài 1 và Ngoài 2. Ngoài ra, có 6-7 hộ chuyên làm mốc tương để bán. Hiện, trung bình mỗi lít tương, người dân lãi từ 4-5 nghìn đồng.
Rời nhà ông Học, chúng tôi tiếp tục đến nhà chị Nguyễn Thị Hồng - cũng là hộ làm tương lớn nhất nhì của xã. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi, được xây theo kiến trúc hiện đại vừa được hoàn thiện. Nhà chị Hồng chỉ có 2 mẹ con. Chị năm nay ngoài 40 tuổi, còn cậu con trai mới lên 9. Ở nhà, chỉ có mẹ chị Hồng sang trông nhà hộ, còn chị thì đi chợ bán tương và mốc từ sáng. Đồng chí Bí thư Chi bộ giới thiệu: Ngôi nhà là thành quả của chị Hồng sau hơn 10 năm gắn với nghề làm mốc, làm tương. Từ ngày chị xây được ngôi nhà to, đẹp này, nhiều người dân trong xóm, xã đã thay đổi hẳn suy nghĩ về nghề làm tương. Cũng bởi thế, rất nhiều hộ đang tính đến chuyện mở rộng quy mô sản xuất.
Câu chuyện về nghề làm tương và nỗi niềm của người dân về việc mong muốn có một thương hiệu đã được chúng tôi trao đổi với đồng chí Dương Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ. Được biết, trong năm 2014 này, xã sẽ giao cho Hội Nông dân xã đứng ra thành lập Tổ hợp tác sản xuất tương, đồng thời đề nghị với cơ quan chức năng của huyện, tỉnh hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết để xây dựng thương hiệu tương Úc Kỳ như đã làm với lúa nếp Thầu Dầu. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để mỗi hộ dân nâng cao ý thức trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng tương Úc Kỳ. Hy vọng, trong thời gian không xa, tương Úc Kỳ sẽ có được thương hiệu và ngày càng đến được với người tiêu dùng gần, xa.