Năm 2013, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp: hàng tồn kho lớn, hiệu quả kinh doanh thấp; số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể tăng lên, kéo theo hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đó. Mặc dù một số ngân hàng dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm; lợi nhuận giảm; nợ xấu tăng, song các ngân hàng trên địa bàn vẫn đồng hành cùng doanh nghiệp; đảm bảo tín dụng an toàn.
Đứng trước thực tế trên, đòi hỏi các ngân hàng trên địa bàn phải tính toán: đi đôi với mở rộng tín dụng luôn phải đảm bảo an toàn trong hoạt động. Vì thế, hàng loạt các giải pháp được các ngân hàng triển khai thực hiện như: cơ cấu lại nợ; giảm chi phí kinh doanh; tung ra các gói sản phẩm ưu đãi nhằm từng bước tháo gỡ “nút thắt tín dụng” khơi thông nguồn vốn. Đặc biệt là, các ngân hàng đã luôn vào cuộc cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng việc thực hiện nghiêm túc quy định lãi suất tiền gửi tối đa; tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay mới ở mức hợp lý; xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trên cơ sở khả năng tài chính để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên, chỉ tính trong 11 tháng năm 2013, lãi suất của các ngân hàng đã giảm khoảng 2 đến 5%/năm so với đầu năm; trong đó, lãi suất huy động giảm 2 đến 3%/năm; lãi suất cho vay giảm 3 đến 5%/năm (bằng mức lãi suất giai đoạn 2005-2006). Hiện, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức dưới 9%; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 đến 11%/năm ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước; 11 đến 13%/năm ở khối ngân hàng thương mại cổ phần. Đến cuối tháng 11-2013, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 13%/năm giảm xuống chỉ còn 14,79%/tổng dư nợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, phát huy những lợi thế; cùng doanh nghiệp tìm đầu ra, đầu vào cho sản phẩm để tiêu thụ hàng hóa nhằm thu hồi vốn trả nợ cho ngân hàng khi đến hạn; giảm nợ xấu hoặc xem xét để các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, giải quyết khó khăn về vốn, giúp doanh nghiệp giảm giá hàng hóa.
Trong đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thương mại và Du lịch Sơn Luyến là một minh chứng. Trong những ngày này, đến doanh nghiệp, được chứng kiến không khí làm việc sôi động; các kho hàng đang tập kết đầy ắp hàng hóa, mọi người sẽ cảm nhận được sự “ăn lên làm ra” ở đây. Chị Hoàng Thị Mỹ Huyến, Giám đốc Công ty phấn khởi “khoe”: Đến giờ phút này, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì kết thúc năm, Công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra: Doanh thu đạt 180 tỷ đồng; bình quân thu nhập của mỗi người lao động 5 triệu đồng/tháng; nộp ngân sách Nhà nước trên 1,5 tỷ đồng.
Đạt được kết quả như vậy cũng nhờ có sự giúp đỡ tích cực của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên (BIDV). Vì trong năm, Công ty cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp; nguyên liệu sản xuất phân bón và lương thực khác gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn và giá cả bấp bênh. Nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lúc cao điểm cần tới 100 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vay vốn ngân hàng chiếm 30%. Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, BIDV đã tạo điều kiện bằng cách xem xét cho Công ty được hưởng các chính sách vay vốn với lãi suất thấp theo quy định, ví dụ như: một mặt, được áp dụng vay với lãi suất ưu tiên 8%/năm (áp dụng với doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có uy tín, kinh doanh mặt hàng phục vụ nông nghiệp); mặt khác, thông qua bảo lãnh của ngân hàng, doanh nghiệp chỉ trả phí bão lãnh 2%/năm (giảm 6%/năm so với vay vốn theo lãi suất ưu tiên).
Nhờ vậy, ngân hàng đã giúp doanh nghiệp giải quyết một lúc hai vấn đề: vốn và giá cả. Vì, chi phí lãi suất giảm sẽ kéo theo tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá hàng hóa, tăng sức cạnh tranh với thị trường. Từ đó, doanh nghiệp đã vượt qua những lúc khó khăn, duy trì và phát triển kinh doanh có hiệu quả. Chị Huyến cho biết thêm: “Bên cạnh việc BIDV giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, điều quan trọng nhất đối với tất cả các doanh nghiệp vẫn là ngân hàng đáp ứng vốn đúng thời cơ doanh nghiệp cần; thủ tục nhanh gọn kịp thời; thái độ dứt khoát, nhiệt tình. Chính vì BIDV, chi nhánh Thái Nguyên làm được như vậy nên Công ty đã có vốn để chớp thời cơ trong kinh doanh. Mà đối với doanh nghiệp “cơ hội” luôn là yếu tố “vàng” để làm lên thành công.
Do cơ cấu tín dụng hợp lý, hiệu quả an toàn, tín dụng tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ nên tuy tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm nhưng vẫn ở mức hợp lý (kế hoạch toàn hệ thống ngân hàng đề ra là 12%; các ngân hàng trên địa bàn đạt tốc độ tăng 7,39%; riêng cho vay lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 24,9% so với thời điểm 31-12-2012). Đặc biệt, trong năm, các ngân hàng chuyên doanh đã bám sát các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung nguồn vốn đầu tư, riêng cho vay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 35 xã điểm và các xã không thuộc diện thí điểm với số tiền trên 1.471 tỷ đồng, với 36.074 khách hàng và 83 doanh nghiệp còn dư nợ. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cho vay với số tiền 6.094 tỷ đồng, chiếm 28,29% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Do vậy, nhiều doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt đã duy trì và vượt qua được giai đoạn khó khăn; hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra. Nợ xấu tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn bình quân chung cả nước (tính đến 31-12-2012, nợ xấu của các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn là 0,99%; đến hết tháng 11-2013 tăng lên 1,47%; nợ xấu của cả nước là 4,55%).