Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, hiện tại nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân địa phương. Nguồn nước của chúng ta đang ở dưới mức trung bình so với cả nước và phụ thuộc nhiều vào nước mưa và nguồn nước từ bên ngoài địa bàn. Bởi vậy, nếu không có phương án phân bổ và bảo vệ tốt, nguy cơ những năm tới chúng ta sẽ thực sự “căng thẳng” về tài nguyên nước.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có nhiều nhà máy, xí nghiệp và các khu công nghiệp, các trang trại chăn nuôi… hoạt động với lượng nước tiêu thụ hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, phần đông các đơn vị trên chưa có biện pháp bảo vệ nguồn nước một cách hiệu quả. Mặt khác, việc khai thác nguồn nước quá mức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thời gian qua dẫn đến cạn kiệt và suy thoái nguồn nước. Bởi vậy, tình trạng thiếu nước đã và đang xảy ra ở một số nơi trong tỉnh. Trong khi đó, chúng ta cũng chưa có biện pháp quản lý hài hòa và hiệu quả nguồn nước mặt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội.
Số liệu thống kê mới nhất về thực trạng nguồn nước mặt của tỉnh cho thấy, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh tiếp nhận khoảng 3,5 tỷ mét khối nước, trong đó một phần nguồn nước được tiếp nhận từ tỉnh Bắc Kạn. Tài liệu đo đạc thủy văn của tỉnh cũng cho thấy, hiện tại tỉn Thái Nguyên đang trong giai đoạn ít nước nhất so với các giai đoạn trước. So với nhu cầu thực tế thì không phải trong giai đoạn tới chúng ta mới thiếu nước mà ngay từ bây giờ tình trạng “cầu” vượt “cung” đã bắt đầu biểu hiện rõ. Các nhà khoa học tính toán: Trong kịch bản nếu nguồn nước sản sinh và tiếp nhận ở mức trung bình và mức ít thì tài nguyên nước của chúng ta chỉ đáp ứng đủ cho T.P Thái Nguyên và huyện Phú Bình, còn các huyện, thị khác có thể xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô với mức độ khá chênh lệch, nhất là các xã nằm ở bờ phải của sông Công (thuộc các huyện Phổ Yên, Đại Từ, T.X Sông Công). Thời gian thiếu nước ở các khu vực này có thể kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Nếu chỉ tính riêng nguồn nước sản sinh trong nội hạt của tỉnh thì đến năm 2015 chúng ta sẽ thực sự thiếu nước trầm trọng và khu vực sông Cầu có thể phải khai thác vượt khả năng của nguồn nước.
Một khía cạnh khác, chất lượng nguồn nước mặt của chúng ta cũng đang là vấn đề được đặt ra. Chúng ta chủ yếu huy động nước từ các dòng sông chính gồm: Sông Cầu, sông Công, sông Dong, sông Đu, sông Chu… và các phụ lưu của những con sông này. Theo kết quả quan trắc hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường thì cơ bản các dòng sông nói trên đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Đối với sông Cầu, mức độ ô nhiễm tương đối nhẹ trên dọc tuyến, nhưng khi chảy qua địa bàn T.P Thái Nguyên thì mức độ ô nhiễm đã tăng lên khá cao. Đối với sông Công, độ ô nhiễm cũng xuất hiện khi chảy qua đoạn bãi rác thải Đá Mài. Các phụ lưu khác như suối Nghinh Tường, suối Xương Rồng, suối Phục Linh… đều bị ô nhiễm, có những điểm bị ô nhiễm nặng..
Trước nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt và chất lượng nguồn nước mặt của tỉnh đang bị đe dọa, mới đây, ngành Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt của tỉnh giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tập trung đề xuất các phương án nhằm bảo vệ nguồn nước mặt để có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của cả tỉnh trong những năm tới. Trước tiên, tỉnh sẽ thực hiện biện pháp phân vùng để bảo vệ nguồn nước. Những vùng có mức độ duy trì dòng chảy tối thiểu, vùng có nguy cơ ô nhiễm và vùng được bảo vệ đặc biệt theo từng mức độ cụ thể sẽ được khảo sát và lập trình cẩn thận. Tiếp đó, sẽ xây dựng các công trình xử lý nguồn ô nhiễm trên cơ sở tuân thủ các đề xuất xây dựng trạm xử lý nước thải tại các địa phương, các khu, cụm công nghiệp…để kiểm soát tốt nhất chất lượng nước thải trước khi xả vào nguồn nước chung. Tỉnh cũng sẽ xây dựng hành lang bảo vệ các nguồn nước chủ đạo gồm sông, suối, ao, hồ. Trong đó, đối với nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt sẽ tập trung bảo vệ tại hồ Núi Cốc, sông Công và nước tại hai kênh chính của hồ Núi Cốc là Kênh Tây và Kênh Đông; với nguồn chịu tác động mạnh từ họat động xả thải sẽ bảo vệ gồm sông Cầu đoạn qua địa bàn T.P Thái Nguyên và các nhánh suối đổ vào sông Cầu trên địa bàn thành phố gồm: Cam Giá, Phượng Hoàng, Mỏ Bạch, Vó Ngựa… Ngoài ra, phương án cũng nêu rõ sự cần thiết phải hoàn thiện mạng lưới thông tin về tài nguyên nước. Theo đó, trung bình mỗi năm ngành chuyên môn của tỉnh sẽ tiến hành 6 lần giám sát chất lượng nguồn nước và 6 lần quan trắc khối lượng nước...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Theo quan điểm của tôi thì cần phải có thêm một số biện pháp hữu hiệu khác nữa. Trong đó, phải tập trung nhiều cho công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để giữ và tạo nguồn nước. Hơn nữa, cũng cần nâng cấp và đầu tư mới các hồ, đập ở những khu vực nhiều nguồn nước. Mặt khác cũng cần đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm trong sử dụng nguồn nước và tăng cường ngăn ngừa nguy cơ xâm hại nguồn nước mặt.