Bước vào thời điểm giao mùa, thời tiết có những diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, thời gian qua, huyện Định Hóa đã có nhiều biện pháp tích cực.
Tổng đàn gia súc, gia cầm huyện Định Hóa theo thống kê hiện có trên 33 nghìn con lợn, 7.559 con trâu, 2.059 con bò, trên 13,700 con dê, và gần 600 nghìn con gà, vịt. trong đó có 12 trang trại, 130 gia trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Do vậy việc phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi là rất quan trọng. Nhận thức được vấn đề đó công tác tiêm phòng định kỳ luôn được huyện triển khai 2 lần mỗi năm, các trang trại và gia trại thì theo dõi phòng trừ bệnh dịch theo gia đoạn phát triển của đàn. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền tới bà con nhân dân giữ gìn sạch sẽ hệ thống chuồng trại chăn nuôi; cho vật nuôi ăn uống đảm bảo vệ sinh; chủ động khoanh vùng ngay khi phát sinh các loại bệnh trên đàn để kịp thời dập tắt không để xảy ra thiệt hại.
Năm 2013, Trạm thú y huyện đã tổ chức tiêm phòng dịch lở mồm long móng 16 nghìn liều vắc xin; tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn đạt gần 30 nghìn liều; tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò đạt 14 nghìn liều và gần hơn 7 nghìn liều tiêm phòng bệnh dại cho chó; phun khử trùng tiêu độc đạt trên 14 nghìn lít thuốc sát trùng. Được biết, trong đợt 1-2014, huyện Định Hóa có kế hoạch triển khai tiêm 18 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng cho trâu, bò, lợn; 14 nghìn liều tụ huyết trùng trâu bò; 20 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn; 16 nghìn liều vắc xin tụ dấu lợn; 8 nghìn liều vắc xin dại chó và 50 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm. Hiện nay, công tác tiêm phòng dịch bệnh đang được Trạm Thú y huyện triển khai đến tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện. Ông La Văn Tám, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Định Hóa cho biết: Huyện triển khai tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm từ ngày 8-3 đến hết ngày 8-4. Hiện tại, 24/24 xã, thị trấn đã nhận đủ lượng vắc xin, trong đó, 12 xã đã thực hiện xong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ngay sau khi tiêm phòng, các xã sẽ triển khai phun thuốc sát trùng nhằm khử trùng tiêu độc tại khu vực chuồng trại chăn nuôi.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà từ năm 2012 trở lại đây, trên địa bàn huyện Định Hóa không để xảy ra các ổ dịch lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Anh Quán Văn Lâm, Tổ trưởng Tổ thú y xã Kim Phượng cho biết: Những năm trở lại đây, người dân trong xã nhận thức được việc dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế của gia đình mình nên khi xã triển khai các đợt tiêm phòng, bà con đều nhiệt tình ủng hộ. Theo đó, hàng năm tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã đạt từ 95% trở lên. Chị Ma Thị Hường, thôn Cạm Phước, xã Kim Phượng chia sẻ: Được sự hướng dẫn tận tình của các bộ thú y xã mà mỗi khi có đợt tiêm phòng gia đình tôi đều đăng ký tiêm đầy đủ. Cùng với việc thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ mà nhiều năm nay, đàn lợn của gia đình không bị dịch bệnh, thu nhập của gia đình vì thế mà được nâng lên rõ rệt. Được biết, với 6 ô chuồng, trung bình mỗi lứa gia đình chị Hường nuôi từ 50-55 con lợn thịt. Mỗi năm, gia đình chị nuôi từ 3-4 lứa lợn, trừ hết chi phí gia đình cũng thu về trên dưới 60 triệu đồng tiền lãi từ chăn nuôi lợn.
Phát triển đàn gia súc, gia cầm là một trong những vấn đề trọng điểm của huyện Định Hóa, do vậy để có một đàn gia súc phát triển ổn định, Trạm Thú y huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, nhập và vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn để có biện pháp xử lý khi gia súc, gia cầm không rõ nguồn; tuyên truyền và có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa bàn. Tuy nhiên, ngoài các biện pháp của ngành thú y, người chăn nuôi cũng phải tích cực và chủ động vào cuộc để phòng chống, khống chế dịch bệnh. Có như vậy, dịch bệnh mới không thể bùng phát trên diện rộng và phát triển chăn nuôi sẽ mở hướng thoát nghèo cho người dân Định Hoá.