Sau 3 năm được vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cuối năm 2012, gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, xóm Khâu Giang, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ (người mặc áo khoác) đã được công nhận thoát nghèo và hiện đang vươn lên thành hộ khá.
Với 31 xã, thị trấn, Đại Từ lâu nay vẫn được biết đến là huyện có số đơn vị hành chính nhiều nhất của tỉnh. Cũng bởi thế, những năm qua, địa phương này luôn dẫn đầu 9 huyện, thành, thị về số dư nợ của Ngân hàng CSXH. Hiện con số này là trên 314 tỷ đồng, với hơn 20 nghìn khách hàng đang vay ở 10 chương trình. Để quản lý và phát huy tốt nguồn vốn cho vay, đảm bảo nợ xấu luôn ở mức thấp, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã luôn tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.
Theo đồng chí Phạm Thế Khả, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đại Từ thì giải pháp quan trọng nhất là thường xuyên phối hợp tốt với 4 tổ chức chính trị xã hội trực tiếp nhận uỷ thác với Ngân hàng, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh huyện. Cùng với đó là huy động sự vào cuộc của chính quyền 31 xã, thị trấn để chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thực hiện tốt hợp đồng ủy thác, hợp đồng ủy nhiệm đã ký kết với Ngân hàng CSXH; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV ) tại cơ sở.
Hiện, 521 tổ TK-VV ở 482 xóm (những xóm đông thành viên, có từ 2-3 tổ) trên địa bàn huyện do 4 tổ chức chính trị - xã hội huyện quản lý, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 166 tổ, Hội Nông dân 147 tổ, Cựu Chiến binh 117 tổ, Đoàn Thanh niên 91 tổ. Ở mỗi tổ có đủ 2 thành viên trong ban quản lý, chịu trách nhiệm về các hoạt động có liên quan của tổ, như: phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng đối với người nghèo; tổ chức họp để bình xét các hộ có đủ điều kiện vay vốn theo từng chương trình cho vay; thu lãi, thu tiền tiết kiệm của các tổ viên để nộp về Phòng Giao dịch NHCSXH huyện; đôn đốc tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn; thông báo cho ngân hàng, chính quyền địa phương những trường hợp tổ viên sử dụng vốn sai mục đích, thay đổi chỗ ở…
Có thể thấy, việc giao dịch với ngân hàng hầu hết đều được thông qua các tổ TK-VV, vì thế đòi hỏi người đứng đầu mỗi tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến xã; chính quyền các xã, thị trấn và các thành viên ban quản lý tổ TK-VV phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thì mới quản lý và phát huy tốt hiệu quả các nguồn vốn vay. Do đó, những người không vì lợi ích của bà con, không có tinh thần trách nhiệm, thiếu nhiệt tình trong công việc, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đều kịp thời nhắc nhở, nếu không có sự chuyển biến sẽ đề nghị với đại diện tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp quản lý tổ TK-VV và chính quyền địa phương có biện pháp thay mới…
Năm 2013 là năm Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện rất quyết liệt việc củng cố và kiện toàn ban quản lý tổ TK-VV với việc thay mới tới 15% tổng số thành viên theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT của NHCSXH Việt Nam. Theo đồng chí Triệu Hồ Quang, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Giảm nghèo xã Bản Ngoại thì việc củng cố, kiện toàn này được Ngân hàng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp thực hiện thường xuyên nên chất lượng hoạt động của các tổ ngày càng được nâng cao. Điều này góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. Vì thế, tuy số dư nợ cũng như lượng khách hàng luôn cao nhất tỉnh, nhưng tỷ lệ nợ xấu của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn được duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng 0,07% và tỷ lệ cho vay luôn đạt từ 98-99% kế hoạch được giao. Hiện dư nợ của Phòng Giao dịch trên 314 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm số lượng lớn nhất với 126 tỷ đồng; tiếp đến là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn 72 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 44 tỷ đồng, hộ cận nghèo 22,4 tỷ đồng…
Chị Hà Thị Khẩn, xóm Phố Giầu, xã Tiên Hội đánh giá rất cao tính dân chủ, công khai và trách nhiệm của các thành viên ban quản lý tổ TK-VV của xóm mình. Các thủ tục liên quan đến việc vay, trả lãi hàng tháng hay gửi tiền tiết kiệm theo chị đều rất thuận tiện, đơn giản. Cũng theo chị Khẩn, nguồn vốn của NHCSXH có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những hộ nghèo như chị. Chị bảo, tuy chưa biết khi nào gia đình chị mới thoát được nghèo (chồng chị bị teo não đã gần 10 năm nay, con gái đầu thì bị thiểu năng trí tuệ) nhưng nếu không có tiền vay của Ngân hàng CSXH để chị mở rộng diện tích trồng chè thì chị không biết phải xoay xở thế nào để có thể nuôi chồng, nuôi con.
Đồng chí Phạm Thế Khả cho biết thêm, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH lâu nay đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện có điều kiện thoát nghèo mỗi năm. Tính riêng năm 2013, toàn huyện có trên 1,5 nghìn hộ thoát nghèo (giảm 3,59% so với năm 2012). Tuy nhiên, hiện nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu thực tế của bà con. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn rất lớn, với 7.626 hộ (chiếm 16,1% tổng số hộ trên địa bàn); 6.225 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 13,14%); 1.024 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; 26/31 xã thuộc vùng khó khăn... Để đồng vốn của NHCSXH ngày càng phát huy hiệu quả rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội (đặc biệt là 4 tổ chức đang trực tiếp nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH), cũng như của các thành viên ban quản lý tổ TK-VV và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của những hộ thuộc đối tượng vay.