Trở lại xã Lục Ba (Đại Từ), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay ở nơi đây. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… cơ bản được hoàn thiện. Các hạng mục của Khu tái định cư Đồi Tròn đang được xây dựng khang trang - những hộ dân vùng bán ngập (dưới cốt 46,25) đã có cơ hội thoát khỏi nỗi lo mỗi khi nước hồ Núi Cốc dâng cao và hơn thế, họ đã có nơi “an cư” để “lạc nghiệp”.
Từ tầng 2 trụ sở UBND xã Lục Ba, chúng tôi phóng tầm mắt bao quát cả Khu tái định cư Đồi Tròn đang hình thành theo hướng hiện đại, có sân vận động, nhà văn hóa, đường bê tông nội khu đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; theo kế hoạch cuối năm nay, Khu tái định cư sẽ đưa vào sử dụng, 32 hộ dân có nhà cửa, hoa màu nằm dưới cốt 46,25 sẽ được di dời lên nơi ở mới. Anh Trần Đức Tuân, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi nói: Xã Lục Ba là một trong 5 xã vùng bán ngập hồ Núi Cốc được hưởng lợi từ Dự án Tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc của tỉnh. Nhờ Dự án này, chúng tôi đã được đầu tư xây dựng Khu tái định cư Đồi Tròn rộng hơn 4 ha, giải quyết cho 32 hộ dân thuộc diện được di dời đến nơi ở mới đợt này trong tổng số gần 200 hộ bị ảnh hưởng dưới cốt 48,25. Con số hộ được di dời tuy chưa lớn nhưng cũng phần nào tháo gỡ nhưng khó khăn cho các hộ dân để họ ổn định cuộc sống, yên tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.
Do địa thế không thuận lợi, xã Lục Ba gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, và một trong những cái khó cơ bản nhất đó là người dân thiếu tư liệu sản xuất, bởi cả xã có 6/8 xóm nằm trong vùng bán ngập, đất canh tác cơ bản chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh. Sau khi chúng tôi làm một phép tính đơn giản giữa số dân và số diện tích đất canh tác, cho thấy: Bình quân một nhân khẩu chỉ có hơn 100 m2 đất canh tác, trong khi tối thiểu họ phải cần có 360 m2 mới đảm bảo đuộc cuộc sống ở mức trung bình. Lẽ nào bất lực trước hoàn cảnh? Điều đó là không thể đối với những cán bộ, đảng viên nơi đây. Sau nhiều cuộc họp bàn, nghiên cứu tình hình thực tế, những phương án tối ưu đã được triển khai: Phải chuyển dịch cơ cấy kinh tế để phá thế thuần nông; tuyên truyền, vận động bà con tích cực đưa các giống lúa, chè mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Nhờ đó khoảng 3 năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn của xã Lục Ba đã có nhiều khởi sắc. Từ chỗ cả xã không có loại hình dịch vụ nào, ngoại trừ một số cửa hàng bán quà bánh lặt vặt, thì nay ở xã Lục Ba đã xuất hiện Tổ hợp tác trong việc thu mua, chế biến nông sản; 5 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, trung bình mỗi cơ sở giải quyết được khoảng 10 lao động địa phương; trong tổng diện tích 281 ha chè kinh doanh của xã, đã có hơn 40 ha được chuyển đổi sang trồng bằng các giống chè cành như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…, xã phấn đấu năm nay sẽ trồng mới 17 ha chè cành.
Anh Trần Đức Tuân khẳng định: Cây chè được coi là cây mũi nhọn, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương nên chúng tôi tập trung đầu tư chuyển đổi diện tích giống chè cũ sang trồng các loại giống mới; tăng cường sự phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người trồng chè; vận động họ thành lập các tổ hợp tác trong việc sản xuất, chế biến chè sạch, bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá bán. Trước sự nỗ lực của chúng tôi cũng như bản thân những hộ làm chè, bước đầu đã cho kết quả khả quan, tại Lễ hội Chè của huyện Đại Từ vừa qua, xã Lục Ba đã đạt danh hiệu Bàn tay Vàng. Từ sự ghi nhận này, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để xây dựng thương hiệu cho chè Lục Ba.
Không chỉ phát triển cây chè, cây lúa, các hộ dân ở Lục Ba còn tận dụng những diện tích có thể, phụ phẩm nông sản để phát triển chăn nuôi tăng thêm thu nhập. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nay xã đã có hơn 10 hộ dân phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại (hộ nuôi ít nhất cũng từ 30 con lợn, vài trăm con gà, vịt). Kinh tế dần ổn định, số hộ nghèo giảm qua các năm (hiện nay số hộ nghèo còn 23%, giảm 5,7% so với năm 2011), xã phấn đấu năm nay sẽ giảm 4,5% số hộ nghèo trở lên.
Khi đời sống kinh tế đã vợi bớt những khó khăn, người nông dân chủ động đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi, trong hai năm (2012-2013), xã Lục Ba đã làm được hơn 3 km đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đường được bê tông lên gần 9 km, xã phấn đấu năm nay tiếp tục làm hơn 3 km nữa. 1/3 số trường ở Lục Ba đã đạt chuẩn Quốc gia; Trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia; xã hoàn thành 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trong năm nay đạt thêm 2 tiêu chí…
Chia tay các đồng chí lãnh đạo và người dân xã Lục Ba, chúng tôi cho xe chạy qua Khu tái định cư Đồi Tròn, nhà văn hóa, trường học, chợ… đang được xây dựng. Hy vọng lần sau trở lại, trong sổ ghi chép của chúng tôi tỷ lệ hộ nghèo đã được giảm mạnh, Lục Ba “khoác” lên mình tấm áo mới sáng sủa hơn.