Gỡ khó cho doanh nghiệp: Nhìn từ chính sách của ngân hàng

13:47, 03/03/2014

Với phần lớn các doanh nghiệp, thiếu vốn, doanh nghiệp hoạt động sẽ kém hiệu quả. Bởi thế, trước thực trạng khó khăn của nền kinh tế thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó vốn được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cụ thể hóa bằng các biện pháp cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay… cho doanh nghiệp. Đối với tỉnh ta, việc thực hiện các quy định này đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nghiêm túc chấp hành. Cùng với đó, nhiều TCTD theo điều kiện, khả năng của mình cũng đã đưa ra những chính sách khác nhau nhằm giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý.

 

Theo đồng chí Lê Quang Huy, Giám đốc NHNN, Chi nhánh Thái Nguyên, đến hết năm 2013, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 13%/năm giảm còn 3,87% tổng dư nợ từ mức 43,88% thời điểm 31-5-2013. Trong tổng số 3.699 doanh nghiệp đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư thì có tới 3.133 doanh nghiệp có quan hệ vay vốn với ngân hàng, với dư nợ cho vay tính đến 31-12-2013 là 15.290 tỷ đồng, tăng trên 8,5% so với 31-12-2012 và chiếm 66,32%/tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, số dư nợ đã được cơ cấu lại nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN của NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ tính đếnngày 31-12-2013 là 504 tỷ đồng.

 

Cũng theo đồng chí Lê Quang Huy, lãnh đạo một số ngân hàng và đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thì vốn cũng như lãi suất ngân hàng hiện không còn là vấn đề khó khăn của doanh nghiệp (từ giữa năm 2013 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn của các ngân hàng đã giảm về mức tương đương những năm 2005-2006) mà khó khăn chủ yếu là do hàng hóa tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ yếu, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng nên không có nhu cầu vay vốn hoặc có nhu cầu vay nhưng lại không đủ điều kiện do không còn tài sản thế chấp, phương án sản xuất, kinh doanh không hiệu quả.

 

Trao đổi với chúng tôi về các chính sách mà Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã và đang dành cho các doanh nghiệp, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV, Chi nhánh Thái Nguyên thẳng thắn: Trên thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, chỉ khi nền kinh tế ổn định, phát triển, các tổ chức, cá nhân hoạt động trở lại bình thường thì ngân hàng cũng mới có điều kiện phát triển. Bởi vậy, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên luôn chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của NHNN, BIDV Việt Nam về đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục triển khai các gói, chương trình tín dụng hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp. Các chính sách này hiện vẫn được BIDV, Chi nhánh Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả.

 

Đối với lãi suất cho vay, ngoài việc áp dụng mức 9%/năm cho khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ (gồm: lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế), BIDV còn ưu tiên cho vay cũng với lãi suất 9%/năm, thậm chí là thấp hơn cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt ở kỳ ngắn hạn. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 17-2 vừa qua, BIDV đã triển khai chương trình cho vay với lãi suất đặc biệt tối thiểu chỉ từ 7,5-8,5%/năm (tùy kỳ hạn, nhưng không quá 2 tháng) dành cho khách hàng sản xuất, kinh doanh có vòng quay vốn nhanh.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vân Cường, phường Tân Thành, T.P Thái Nguyên đã đánh giá cao tính hiệu quả của gói hỗ trợ này của BIDV. Bởi khi lãi suất mà các doanh nghiệp được vay càng thấp thì càng giúp doanh nghiệp hạ được giá bán sản phẩm, làm tăng sức cạnh tranh, củng cố niềm tin với khách hàng, để từ đó tạo được chỗ đứng trên thương trường. Các chính sách hỗ trợ lãi suất được BIDV thực hiện đã khẳng định được tính hiệu quả, điều đó được thể hiện rất rõ thông qua tốc độ tăng dư nợ của BIDV tính đến ngày 17-2-2014 đã tăng tới 9,7% so với đầu năm 2014, trong đó dư nợ của doanh nghiệp chiếm tới 87%, còn lại là dư nợ của khách hàng cá nhân.

 

Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên, tính đến hết tháng 1-2014, dư nợ cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp cũng đã lên tới con số trên 1.500 tỷ đồng, với gần 500 khách hàng, tăng hơn 150 tỷ đồng so với cuối tháng 1-2013. Ngoài việc chấp hành nghiêm túc các quy định về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực được ưu tiên, từ 1-2-2014, Agibank cũng đã điều chỉnh một số quy định nhằm giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn.

 

Đơn cử như, trước đây, chỉ những doanh nghiệp chưa từng có nợ xấu, được kiểm toán kết quả kinh doanh tại thời điểm 2 năm gần nhất… mới được Agribank xem xét, quyết định cấp tín dụng ngắn hạn không có đảm bảo thì nay yêu cầu Agribank đưa ra chỉ là không có nợ xấu tại Agribank và các TCTD trong 2 năm liền kề, được kiểm toán ở thời điểm 1 năm gần nhất… Với những quy định này, số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có điều kiện dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bà Nguyễn Tuyến Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh chia sẻ: Những năm gần đây, chưa khi nào việc vay vốn ngân hàng lại thuận lợi và có lãi suất lại “dễ thở” như khoảng 1 năm gần đây. Do lĩnh vực hoạt động của Công ty thuộc 5 nhóm được Chính phủ ưu tiên nên được hưởng mức lãi suất thấp, vì thế, Công ty có điều kiện nhập hàng sớm và hạ giá bán cho bà con nông dân.

 

Năm 2014, nền kinh tế trong nước được dự báo sẽ ấm hơn, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Bởi thế, các doanh nghiệp vẫn rất cần sự duy trì của các chính sách tài chính hiện nay và cả những chính sách ưu đãi khác để chúng ta sớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, từ đó ổn định phát triển.