Góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân

09:29, 17/03/2014

Dự án “Cơ giới hóa nông nghiệp” do Hội Nông dân tỉnh (HND) triển khai bằng cách cho hội viên vay vốn thông qua hình thức: cung cấp máy cày (sau thời hạn 3 năm mới phải trả hết tiền, nhưng hàng tháng phải trả lãi theo lãi suất 0,65%). Tại huyện Phú Bình, khi tham gia Dự án này người nông dân đã giải phóng được sức lao động, từng bước nâng cao thu nhập.

Anh Dương Văn Thủy, xóm Mỏn Thượng, xã Tân Kim chia sẻ: Nhà tôi có 1,5 mẫu ruộng và 5 sào màu, trước đây cày bằng sức trâu, cày cật lực ngày cũng chỉ được đôi ba sào. Vào vụ, nhiều khi gia đình tôi còn phải nhờ người làm giúp. Tháng 5-2012, gia đình tôi được HND tỉnh tạo điều kiện mua máy cày trả tiền sau, trị giá trên 18 triệu đồng. Nhờ đó tôi không chỉ tự làm hết được đất cấy, trồng hoa màu của gia đình mà mỗi vụ còn nhận cày thuê thêm được khoảng 3 mẫu nữa. Vụ đông vừa rồi, tôi đi cày thuê được 8 triệu đồng, trừ chi phí đi vẫn dư ra được một khoản.

 

Tuy không phải lần đầu sử dụng máy cày như anh Thủy, nhưng tiện ích của chiếc máy cày BS8 lắp cày 1 lưỡi do HND tỉnh cho mua trả sau vẫn khiến ông Nguyễn Văn Hà, xóm Hóa, xã Bảo Lý rất ưng ý. Ông cho biết: Mấy bố con tôi có tất cả hơn 10 mẫu ruộng, nếu không có máy cày thì 3 con trâu làm cũng không xuể. Trước đây, tôi cũng dùng một chiếc máy cày nhưng tốn dầu và khó di chuyển nhất là các thửa ruộng bậc thang. Với chiếc BS8 nhỏ, gọn nên việc di chuyển ở địa hình không bằng phẳng khá dễ dàng. 3 bố con thay nhau làm, vì vậy ngoài ruộng của nhà, tôi còn tranh thủ nhận thêm việc khi bà con trong xóm có nhu cầu. Tính ra chỉ sau 1 năm tôi đã có thể hoàn vốn mua máy cày.

 

Tính đến nay, Phú Bình đã được cung cấp 51 chiếc máy cày cho 51 hộ nông dân trị giá hơn 1 tỷ đồng. Toàn bộ số máy này do Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cung ứng. Người dân tham gia Dự án, được nhận máy thông qua hệ thống đại lý của Tổng Công ty là Công ty TNHH Cường Đại (trụ sở tại Phổ Yên). Trước khi giao máy đến tay người dân, Công ty đều phối hợp với HND tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về sửa chữa, bảo dưỡng, an toàn lao động cho người sử dụng máy. Ngoài ra, trong quá trình vận hành máy, Công ty luôn cử cán bộ kỹ thuật kịp thời có mặt để sữa chữa, thay thế phụ tùng khi máy bị hỏng trong thời gian bảo hành do lỗi kỹ thuật. 

 

Bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch HND huyện Phú Bình cho biết: Dự án “Cơ giới hóa nông nghiệp” được triển khai tại huyện từ tháng 5-2012. Đây là một trong những hoạt động của Hội để hưởng ứng và tham gia tích cực vào phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Người dân được vay vốn (dưới hình thức cung cấp bằng máy cày) từ nguồn vốn 120 (nguồn vốn tạo việc làm), trong thời hạn 3 năm, với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng (tiền lãi thu hàng tháng). Hiện nay, nhu cầu của người nông dân được vay vốn theo hình thức này còn rất lớn. Chúng tôi mong những chương trình như thế này sẽ tiếp tục được triển khai để giúp người nông dân từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, tạo ra những giá trị sản phẩm cao hơn.

 

Để giúp người dân khai thác máy được hiệu quả nhất, HND huyện đã chỉ đạo thành lập một Tổ liên kết sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới hóa, gồm 11 thành viên. Các thành viên trong Tổ là các hội viên nông dân được tham gia Dự án của hai xã Tân Kim và Tân Hòa. Tham gia vào Tổ sẽ giúp các thành viên  có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau xử lý nếu gặp phải sự cố trong quá trình sử dụng. Dự kiến, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ liên kết này.