Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách

21:50, 10/03/2014

Nếu không có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), thì đời sống của người dân trong xã không thể có được như hiện nay. Nguồn vốn này cũng góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, củng cố lòng tin của dân với Đảng, với chính quyền… Đó là nhận xét của ông Trần Gia Cát, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Giảm nghèo xã Nam Hoà (Đồng Hỷ) khi nói về tác dụng của nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đối với người dân trên địa bàn xã.

Ông Trần Gia Cát dẫn chứng: Là một trong những xã khó khăn của huyện Đồng Hỷ, nên nhiều năm qua, dư nợ của nguồn vốn này trên địa bàn xã luôn ở mức cao, hiện đạt gần 24,5 tỷ đồng, với 1.149 hộ được vay, theo 6 chương trình cho vay gồm: Hộ nghèo, cận nghèo, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo về nhà ở, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Trong đó, nguồn vốn cho vay hộ nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao, hiện là 68% trong tổng dư nợ. Từ khi người dân được tiếp cận với các nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH, nhất là khoảng 5 năm gần đây, với định suất được vay ngày càng nhiều, với nhiều chương trình cho vay khác nhau thì việc người dân nói chung, các hộ nghèo nói riêng phải đi vay nặng lãi ngày càng giảm và hiện hầu như không còn, qua đó góp phần quan trọng giúp người dân yên tâm sản xuất và được hưởng trọn vẹn thành quả lao động của mình. Bởi thế, số hộ nghèo của xã ngày càng giảm rõ rệt, từ 1.075 hộ năm 2010, đến nay, xã chỉ còn 554 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 24% trong tổng số hộ của xã.

 

Nam Hòa hiện có 22 xóm, với 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 63% là người Sán Dìu. Phần lớn các hộ dân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, với nguồn vốn được vay, hầu hết các hộ đều sử dụng để mua giống, phân bón, trâu bò hoặc máy móc để phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt, đến khi có nguồn vốn dư hơn thì nhiều hộ chuyển sang buôn bán, làm dịch vụ. Do sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và phát huy được hiệu quả nên nhiều năm liền, ở Nam Hoà không có nợ xấu.

 

Để có được kết quả ấy, xã luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai toàn bộ các nội dung có liên quan đến việc cho vay, như đối tượng, số tiền, thời gian, mức lãi suất; thực hiện đúng quy trình từ việc lập hồ sơ đến cho vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban Giảm nghèo xã đối với tất cả 30 tổ tiết kiệm - vay vốn cũng như các hộ được vay, trong đó chú trọng đến những hộ vay mới về việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích, đối tượng và mang lại hiệu quả hay không để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở. Ngoài ra, để đồng vốn vay phát huy được hiệu quả cao nhất, cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội của xã còn chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con nâng cao hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Bởi thế, thường chỉ sau từ 1-2 chu kỳ vay vốn (mỗi chu kỳ là 3 năm) là các hộ được công nhận thoát nghèo.

 

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Nam Hòa, ngoài việc góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của xã thì nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc loại bỏ việc cho vay nặng lãi mà trước đây không ít gia đình trong xã phải đối mặt. Cùng với đó là sự gắn kết giữa người dân với các tổ chức chính trị xã hội cũng như với cấp uỷ, chính quyền được tăng cường, góp phần củng cố niềm tin của dân với Đảng, với Nhà nước. Và một điều cũng hết sức có ý nghĩa đó là góp phần quan trọng giúp người nghèo xoá được sự mặc cảm, tự ti trong cuộc sống.

 

Gia đình anh Nông Văn Nhất, xóm Trại Gai là một ví dụ. Năm 2010, gia đình anh được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo của Phòng Giao dịch CSXH. Số tiền này vợ chồng anh đã dành một phần để mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, một phần để chăn nuôi lợn. Số tiền lãi có được sau 2 năm bán cám đã giúp vợ anh có điều kiện đầu tư buôn gà, còn anh thì tập trung nuôi lợn và đảm đương 5 sào ruộng của gia đình. Nhờ đó, cuối năm 2013, hộ anh Nhất đã được công nhận thoát nghèo. Anh “khoe” với chúng tôi: Không chỉ trả được hết nợ, cuối năm 2013, nhà tôi còn sắm được 1 chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng. Quan sát thêm tài sản trong gia đình anh, chúng tôi không khỏi vui lây khi thấy trong gian bếp còn có cả bếp gas, tủ lạnh…

 

Không chỉ được vay vốn hộ nghèo, gia đình ông Dương Văn Chuyên, ở xóm Quang Trung còn được vay vốn học sinh sinh viên để nuôi cô con gái đầu học đại học và để làm nhà theo Quyết định số 167. Hiện gia đình ông đang vay của Phòng Giao dịch CSXH huyện số tiền lên tới 68,7 triệu đồng. Mặc dù tiền vay khá nhiều nhưng qua trao đổi với chúng tôi, ông Chuyên rất tự tin về khả năng trả nợ của gia đình mình. Ông cho biết, với 5 triệu đồng được vay dành cho hộ nghèo từ năm 2007, sau đó là 20 triệu đồng năm 2010, đến tháng 5-2013, gia đình ông đã trả được hết nợ và cùng năm đó đã thoát nghèo. Nhờ có số tiền vay này mà vợ chồng ông mới có điều kiện để làm hàng sáo (mua thóc về xay xát rồi bán gạo, còn cám để chăn nuôi) cũng như để mua 1 con trâu cái. Đến nay, con trâu này đã đẻ được 2 con, trong đó, 1 con được bán với giá 10 triệu đồng.

 

Với việc quản lý và định hướng cho người dân sử dụng đồng vốn chính sách đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao mà nhiều năm qua, không chỉ Ban Giảm nghèo của xã, mà nhiều cá nhân gồm Trưởng ban Giảm nghèo xã, trưởng các hội, đoàn thể trực tiếp nhận nguồn vốn uỷ thác với Phòng Giao dịch CSXH huyện đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen do các cấp từ Trung ương đến địa phương trao tặng.