Phú Bình từ lâu được biết đến là một huyện thuần nông với khoảng 80% dân số làm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, huyện đã có nhiều chính sách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành, ưu tiên phát triển công nghiệp.
Phú Bình nằm ở phía Nam của tỉnh, gần với nhiều trung tâm công nghiệp của Thị xã Sông Công, huyện Phổ Yên, Khu công nghiệp (KCN) Gang thép (T.P Thái Nguyên). Đặc biệt là khi Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung (Phổ Yên) đi vào hoạt động sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất linh kiện phục vụ cho Nhà máy Samsung lựa chọn Phú Bình là một trong các địa điểm đầu tư. Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 37 chạy qua nối liền Phú Bình với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông của huyện với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, dự án đường giao thông nối từ Quốc lộ 3 đi Điềm Thụy nối liền với KCN Sông Công, KCN Phổ Yên đang được triển khai. Khi hoàn thành, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như liên kết kinh tế với địa phương và tỉnh khác.
Thêm vào đó, Phú Bình có nguồn lao động dồi dào. Tính đến năm 2013, dân số của Phú Bình là gần 15 vạn người, trong đó, phần lớn đang ở độ tuổi lao động. Những năm qua, huyện đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa trong quản lý hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp. Một trong số các doanh nghiệp đó phải kể đến: Công ty liên doanh kim loại màu Việt Bắc, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG chi nhánh Phú Bình, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT…
Trao đổi với chúng tôi về quyết định lựa chọn đầu tư tại Phú Bình, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu) cho biết: Chúng tôi chọn Phú Bình để đầu tư vì đây là địa phương có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào. Khi đầu tư vào Phú Bình, Công ty còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện về các thủ tục hành chính, GPMB và chính sách đào tạo lao động. Nhờ đó, sau gần 2 năm đi vào hoạt động tình hình sản xuất của Công ty đã ổn định. Năm 2013, doanh thu của Công ty đạt 58 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 3,9 - 4,5 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng thêm một xí nghiệp may rộng 4.700 m2. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, xí nghiệp sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 600 lao động địa phương.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV (năm 2010), huyện Phú Bình đã đề ra mục tiêu giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp xuống còn 33,3% và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp lên 34,7% trong cơ cấu kinh tế địa phương vào năm 2015. Để thực hiện mục tiêu đó, huyện đã tập trung vào nhiệm vụ chính là quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 2 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp Điềm Thụy và Cụm công nghiệp Kha Sơn), KCN Điềm Thụy rộng 180ha (với phần diện tích thuộc huyện Phú Bình là hơn 80ha) và KCN Yên Bình (trong đó huyện Phú Bình là trên 2.700ha) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Trong đó, KCN Điềm Thụy đã thu hút được 25 dự án từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm phụ trợ cho Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, với quy mô vốn đăng ký trên 300 triệu USD. Hiện đã có 5 dự án đang triển khai xây dựng nhà máy.
Nhờ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, kinh tế của huyện Phú Bình đã có nhiều bước tiến đáng kể. Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt khoảng 170 tỷ đồng, đạt 132,6% kế hoạch năm (tăng 15,5% so với năm 2012). Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng lên, chiếm 24,6% trong cơ cấu kinh tế. Sự phát triển của ngành Công nghiệp đã tạo nên bước tiến mới cho nền kinh tế của huyện. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tạo việc làm cho bình quân 3.000 lao động/năm. Cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp ngày càng được cải thiện, một số ngành dịch vụ phục vụ cho đời sống của công nhân đã phát triển…
Đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Ngay từ Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV, huyện đã xác định quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn. Tại thời điểm này, huyện đang tập trung vào công tác GPMB phục vụ cho KCN Điềm Thụy. Và đã hoàn thành GPMB khoảng 50ha. Trong thời gian tới, huyện Phú Bình phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư. Đồng thời tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào huyện bằng cách chỉ đạo các cơ quan chính quyền địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, minh bạch trong công tác đầu tư và lựa chọn đầu tư để doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả nhất.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, việc phát triển công nghiệp ở Phú Bình vẫn còn nhiều vướng mắc: trình độ lao động còn thấp, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn kém phát triển… Do đó, huyện Phú Bình cần có những giải pháp cụ thể nhằm đào tạo nguồn lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng, dành quỹ đất “sạch” để phát triển công nghiệp nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư.