Xã Vinh Sơn, T.X Sông Công có nhiều đoàn viên thanh niên đi đầu trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương.
Một trong những đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã Vinh Sơn là chàng trai trẻ Trần Văn Trường, sinh năm 1988 ở xóm Tân Sơn. Sinh ra trong một gia đình nghèo, anh Trường chỉ học hết PTTH rồi lập nghiệp tại quê hương. Bắt đầu từ chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn. Những năm đầu tiên, anh Trường gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm chăn nuôi chưa có, lại gặp phải dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh. Có thời điểm đàn gà gần 300 con bị dịch cúm, chết hết, mất hết vốn liếng bấy lâu dành dụm. Qua lần đó, anh nhận ra rằng muốn thành công phải có thêm kiến thức. Anh Trường dành thời gian theo học lớp Trung cấp thú y. Hơn 2 năm vừa học lý thuyết vừa áp dụng vào thực tế chăn nuôi ngay tại nhà, anh Trường đã vững vàng hơn trong nghề.
Từ năm 2008 đến nay, đàn gà, đàn lợn của gia đình anh không bị dịch bệnh do được phòng ngừa tốt. Ngoài ra, anh làm thêm nghề chăn nuôi thú y và bán thêm một số loại cám chăn nuôi để phục vụ bà con trong vùng. Trung bình mỗi năm anh Trường xuất chuồng được gần 250 con lợn với 17,5 nghìn tấn thịt. Tính ra trung bình mỗi năm trừ chi phí anh Trường để ra được khoảng 150 triệu đồng. Đến nay, anh Trường đã xây dựng được nhà cửa khang trang. Anh chia sẻ: Tôi nghĩ rằng không cần phải đi đâu xa để làm giàu mà chỉ cần có ý chí, nghị lực thì quê hương luôn là cánh cửa để chúng ta mở ra và đi lên.
Anh Lê Văn Nam, xóm Sơn Tía cũng kiên trì như anh Trường trong quá trình lập nghiệp. Năm 2008, anh Nam tiếp nhận việc sản xuất, kinh doanh đồ mộc gia dụng của gia đình. Lúc đó việc kinh doanh đang gặp khó khăn do các bạn hàng nợ tiền quá lâu, không còn vốn để sản xuất. Tập trung suy ngẫm về phương thức kinh doanh của gia đình mình lúc đó, anh Nam nhận thấy, khách hàng của gia đình chủ yếu là anh, em, hàng xóm, phần lớn là còn nghèo, vì thế mà khi mua đồ thường nợ lâu. Nếu không cho khách nợ, thì gia đình anh cũng không bán được hàng. Vì thế, để tiếp tục ổn định nghề mộc gia dụng, anh xác định, trước mắt phải tìm được mặt hàng thu hồi vốn nhanh để có thể “lấy ngắn, nuôi dài”.
Chịu khó tìm hiểu thị trường, đến cuối năm 2008, anh ký được hợp đồng được với 5 chủ thầu xây dựng, để cung cấp mặt hàng cốp-pha, giàn giáo cho các công trình của họ. Tiếp tục thâm nhập, mở rộng thị trường này, anh được nhận được hợp đồng làm sản phẩm giá để kính và sản xuất quả lô để cuộn dây điện. Anh Nam cho biết: Các mặt hàng này khi xuất hàng là thu được tiền ngay, vì thế đảm bảo vốn quay vòng nhanh. Nguyên liệu chính để sản xuất giá để kính, quả lô cuộn dây điện và cốp pha, giàn giáo là gỗ keo do gia đình anh tự trồng và mua của bà con xung quanh, vì thế đảm bảo thu được lãi. Xưởng mộc của anh tạo việc làm ổn định cho 25 đoàn viên thanh niên khác với thu nhập 3 triệu đồng/người/ tháng và đem lại lợi nhuận trên 150 triệu đồng mỗi năm. Anh Nam cho biết: Nhờ nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường, tôi đã vực lại được sản xuất và có vốn để duy trì, phát triển được nghề mộc của gia đình, vươn lên làm giàu và giúp đỡ cộng đồng.
Xác định thực hiện tốt phong trào đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đoàn, nên nhiều năm qua đoàn xã Vinh Sơn đã có nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, nhất là các ngành nghề mới, lĩnh vực mới. Bên cạnh đó, Đoàn xã cũng đặc biệt quan tâm đẩy mạnh vận động, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên trong việc chuyển giao cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho đoàn viên vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ, nhờ vậy mà đã xuất hiện nhiều mô hình có thu nhập cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hiện, xã Vinh Sơn đang có gần 15 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đoàn viên thanh niên. Bên cạnh anh Trường, anh Nam còn có các đoàn viên thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như các đoàn viên: Dương Văn Dương, chủ cửa hàng cơ khí ở xóm Vinh Quang 3, đảm bảo việc làm ổn định cho 7 lao động, thu nhập hàng năm gần 150 triệu đồng; Lê Văn An, chủ của tổ xây dựng, bảo đảm việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng…
Nói về phong trào phát kinh tế của các đoàn viên thanh niên tại địa phương, đồng chí Hoàng Văn Định, Bí thư Đoàn xã Vinh Sơn cho biết: Số đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế tại gia đình là 89 đoàn viên, chiếm 35% trong tổng 260 đoàn viên, thanh niên của xã. Thời gian tới, để phong trào phát triển kinh tế trong số đoàn viên thanh niên này phát triển hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục là cầu nối của đoàn viên với các cơ sở ngân hàng, tiếp tục tổ chức mở các lớp phổ biến khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các mô hình phát triển kinh tế, để các đoàn viên làm giàu cho gia đình và đóng góp hơn nữa cho địa phương.