Ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản là mối quan tâm lớn đối với một tỉnh có tới trên 70% dân số sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp như Thái Nguyên. Và trong vấn đề này, cùng với việc quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của doanh nghiệp… thì rất cần có sự nỗ lực của chính người nông dân.
Kỳ 2: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Từ ý thức của người nông dân
Trên thực tế, hiện nay, nông dân trong tỉnh hầu hết vẫn phát triển sản xuất theo phương thức truyền thống, chưa quan tâm đến sản xuất các sản phẩm an toàn theo các quy trình như VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), UTZ Certifed… Hiện, toàn tỉnh mới có 1 cơ sở sản xuất chè được tổ chức quốc tế UTZ Certifed cấp chứng nhận là HTX chè Tân Hương, ở xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên); có khoảng 200ha chè; 10ha rau, củ, quả; 3 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Riêng với sản xuất nấm ăn, toàn tỉnh hiện có hàng chục cơ sở sản xuất khá lớn và đầu ra tương đối ổn định. Tuy nhiên, ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Nhật Sơn, xã Động Đạt (Phú Lương) cho biết: Mỗi năm, chúng tôi sản xuất được trên 50 tấn nấm sò, 3 tấn nấm Linh Chi và phần lớn là cung cấp cho một số chợ đầu mối trong tỉnh chứ chưa có cơ hội bán ra các tỉnh bạn. Tôi rất mong có doanh nghiệp đứng ra liên kết với Công ty để cung ứng các loại nấm cho một số siêu thị trong và ngoài tỉnh, như thế giá nấm bán ra sẽ ngày càng cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Vinh, ở tổ 18, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Khi xã hội phát triển, nhận thức của người tiêu dùng sẽ ngày càng được nâng, do đó sản phẩm nông sản an toàn sẽ là sự lựa chọn tối ưu của chúng tôi. Chính vì vậy, để có sức cạnh tranh trên thị trường, nông dân cần sản xuất những mặt hàng nông sản an toàn từ rau, củ, quả, nấm, chè đến thịt gia súc, gia cầm để không chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa mà còn có thể xuất khẩu sang các nước. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân trong tỉnh cần nâng cao ý thức, làm ra những sản phẩm an toàn bằng cách áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất nông nghiệp; liên kết, hình thành các tổ hợp tác, cùng đóng góp tiền để có kinh phí làm thủ tục xin ngành chức năng cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn…
Bà Phạm Thị Bình, một người dân ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho hay: Gia đình tôi có hơn 1 mẫu chè. Năm nay, tôi dự định sẽ dành khoảng 20% diện tích để sản xuất theo quy trình VietGAP vì đây là hướng sản xuất khả quan giúp nông dân nâng cao thu nhập. Cùng chung mong muốn với bà Bình, các hộ dân ở những vùng trồng rau chuyên canh của tỉnh cũng đang tích cực áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất rau xanh. Điển hình là HTX rau, quả Nhã Lộng (Phú Bình), hiện đang có trên 30 xã viên tham gia sản xuất rau xanh theo quy trình này…
Tích cực quảng bá, chủ động tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; tham gia các HTX… cũng là những giải pháp để nông dân tìm được đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản. Một minh chứng sống động cho hiệu quả của loại hình dịch vụ này là HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên). Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX cho biết: Chúng tôi đã vận động được gần 40 hộ xã viên tham gia sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ trên diện tích 10ha. Khi đã được cấp giấy chứng nhận, HTX đứng ra xây dựng thương hiệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên. Hiện nay, chúng tôi đã thành lập được các điểm phân phối sản phẩm ở một số tỉnh như Hà Nam, Khánh Hòa, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng… nên sản phẩm do xã viên sản xuất ra đến đâu đều bán hết đến đó và giá mỗi kg chè của HTX được bán cao hơn từ 20-30% so với sản phẩm chè trên thị trường.
Đến sự hỗ trợ của các cấp, ngành và doanh nghiệp
5 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân. Với cơ chế hỗ trợ giá giống với số tiền 30 nghìn đồng/sào lúa lai, 20 nghìn đồng/sào lúa thuần chất lượng cao, ngô lai; 300.000 đồng/sào khoai tây; 130.000 đồng/sào bí xanh, bí đỏ; 100.000 đồng/sào cà chua, dưa chuột, ớt, ngô rau; 20 đến 50 triệu đồng cho 1 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; triển khai từ 80 đến 100 mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung/năm... Thái Nguyên đã khuyến khích được nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Song trên thực tế, ngoài sự hỗ trợ của các nhà quản lý, nhà khoa học, để nông sản có đầu ra ổn định thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi, trồng trọt. Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ nhận định: Hiện, hai đối tượng này chưa tìm được tiếng nói chung nên việc ký kết hợp đồng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm thực thi đúng, nghiêm túc hợp đồng còn khó thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh chỉ có rất ít hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân được thực hiện một cách nghiêm túc như Doanh nghiệp Quang Núi, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) liên kết với nông dân các xóm Tân Sơn 9 và Thi Đua, xã Xuân Phương (Phú Bình) trồng giống khoai tây Atlantic (của Mỹ) để làm nguyên liệu cho Nhà máy thực phẩm Orion Bắc Ninh sản xuất khoai tây chiên. Nhờ ký kết hợp đồng chặt chẽ, biết chia sẻ lợi ích với nông dân, doanh nghiệp này và các hộ dân đã duy trì sản xuất khoai tây trên diện tích gần 7ha được 3 năm nay. Hay như Công ty TNHH Vạn Đạt (Hải Dương) luôn nghiêm túc thực hiện cam kết nên đã thu hút được nhiều hộ dân ở xã Tân Đức (Phú Bình) trồng dưa chuột Đài Loan xuất khẩu. Mỗi vụ trồng dưa, Công ty cung cấp giống cho nông dân, khi dưa chuột được thu hoạch, doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm cho bà con. Mô hình liên kết này đã duy trì được 8 năm, trung bình mỗi năm nông dân cung cấp cho Công ty từ 1 đến 2 nghìn tấn dưa, thu nhập đạt từ 3 đến 7 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, với sản phẩm chăn nuôi, hiện trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 50 trang trại chăn nuôi (lợn, gà) gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP (Thái Lan).
Từ những mô hình liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nêu trên cho thấy, để nông dân và doanh nghiệp “bắt tay” lâu dài thì các cấp, ngành chức năng cần bổ sung các chế tài xử phạt khi xảy ra tình trạng vi phạm hợp đồng, nếu không sẽ khó giải quyết vấn đề này. Về phía nông dân cần được tăng cường tập huấn về khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ tư vấn pháp lý khi ký hợp đồng. Ðồng thời tạo điều kiện cho nông dân vay vốn được thuận lợi và giúp họ tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Về phần mình, doanh nghiệp cần có cách làm chuyên nghiệp hơn và chia sẻ lợi ích hài hòa với nông dân…
Nông nghiệp là lĩnh vực thường gặp nhiều rủi ro nên tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp có tâm và có tiềm lực tài chính (như có ưu đãi trong việc vay vốn, bởi nếu áp dụng chính sách bình đẳng thì khó có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn); linh hoạt trong lựa chọn hình thức tiêu thụ nông sản phù hợp; đẩy mạnh công tác quy hoạch để hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông sản “sạch” tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; hướng dẫn bà con tập trung sản xuất những loại cây trồng, vật nuôi có thị trường tiêu thụ thuận lợi và năng suất cao, giá thành hạ để nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, quan tâm tới việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dưới các hình thức tổ hợp tác, trang trại, các hiệp hội… để các tổ chức này hỗ trợ tiêu thụ nông sản cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, giảm nhẹ gánh nặng quản lý Nhà nước...
Bà Phùng Thị Kim Cúc, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đồng Hỷ: Theo tôi, bà con nông dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vì khi sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm, phun đúng liều lượng và nồng độ, bảo đảm thời gian cách ly… sẽ góp phần tạo ra các mặt hàng nông sản an toàn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giá bán cao hơn... Ông Ngô Tất Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu: Hiện nay, Công ty đã bắt tay vào sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, dự kiến 4 tháng nữa mặt hàng này sẽ được bày bán trong Siêu thị Minh Cầu của Công ty. Ngoài sản xuất trực tiếp, căn cứ vào nhu cầu của người tiêu dùng, thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại… có rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho bà con… |