Những năm qua, nông dân tỉnh Thái Nguyên sản xuất được lượng hàng hóa nông sản khá lớn (gồm lương thực, chè búp tươi, rau xanh, hoa quả, thịt gia súc, gia cầm…). Tuy nhiên, có một thực tế là đầu ra cho sản phẩm của nhà nông vẫn bấp bênh, nhiều khi phải chịu cảnh mất giá vì… được mùa.
Kỳ 1: Giá bán bấp bênh, người nông dân gặp khó
Nghịch lý: Được mùa - mất giá
Chưa khi nào giá rau xanh lại “rớt” thảm hại như những ngày vừa qua. Dạo quanh một số chợ đầu mối trên địa bàn T.P Thái Nguyên (như Chợ Thái, Đồng Quang, Túc Duyên…), chúng tôi nhận thấy giá bán mặt hàng nông sản này rẻ đến bất ngờ. Trung bình, 1kg bắp cải được bán buôn với giá 2.500 đồng/kg, su hào có giá từ 3.000-4.000 đồng/kg, cà chua có giá 2.000-3.000 đồng/kg…
Với giá bán như thế, liệu người nông dân có thu được lãi sau 3-4 tháng đầu tư chăm bón cho cây trồng? Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã đến xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), một trong những “vựa” rau xanh lớn của tỉnh. Chị Nguyễn Thị Sáu, ở xóm Đồng Bẩm, một nông dân trồng rau xanh chuyên canh từ hơn chục năm nay, chia sẻ: Chưa khi nào rau xanh mất giá như hiện nay. Như năm 2013, vào thời điểm này, 1kg bắp cải chúng tôi bán buôn được với giá từ 5.000-6.000 đồng; su hào từ 9.000-10.000 đồng/kg, cà chua cũng bán được với giá từ 6.000-10.000 đồng/kg… Như thế, số tiền lãi thu được từ trồng rau xanh có thể lên đến 20 triệu đồng/sào. Nhưng với giá bán như hiện nay, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình trông chờ vào vụ rau bán dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã vô cùng thất vọng…
Hiện nay, gia đình chị Sáu có 5 sào đất trồng rau chuyên canh. Mùa nào thức nấy, gia đình chị trồng các loại như cải xanh, dưa chuột, rau bí, su hào, bắp cải, cà chua… nối từ vụ này sang vụ kia. Theo tính toán của chị, để trồng 1 sào rau xanh, mỗi lứa rau người nông dân phải đầu tư từ 1,3-1,5 triệu đồng tiền giống cây, phân chuồng, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Nhưng trong những ngày vừa qua, số tiền bán rau thu được chỉ bằng chi phí bỏ ra ban đầu, gia đình chị cũng như các hộ khác không hề có lãi, trong khi phải đầu tư rất nhiều công sức chăm bón rau trong 3-4 tháng qua.
Đối với gia đình anh Lý Văn Sơn, ở xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai), năm nay cũng đầu tư trồng 3 sào rau bắp cải. Những ngày cận Tết, rau còn bán được với giá 4.000 đồng/kg, nhưng sau Tết giá rau giảm hẳn, vợ chồng anh không còn thiết tha mang ra chợ bán nữa. Anh cho biết: Mất công sức vượt mấy cây số mang rau ra chợ bán mà mỗi chuyến chỉ thu được hơn 100 nghìn đồng nên tôi để toàn bộ số rau lại phục vụ chăn nuôi lợn, gà của gia đình…
Cùng với chị Sáu, anh Sơn thì hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng rau xanh ở các vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh như: Linh Sơn, Huống Thượng, Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Hùng Sơn, Tiên Hội (Đại Từ); Đồng Tiến (Phổ Yên); Nhã Lộng (Phú Bình)… cũng đang phải chịu cảnh có đầu tư mà không thu được lãi do rau xanh bị mất giá.
Ngoài rau xanh, thịt gia súc, gia cầm cũng đang bán với giá rất thấp so với nhiều năm trước. Đơn cử như gà ta sống giá bán là 80.000 đồng/kg, giảm 20-40.000 đồng/kg so với 2, 3 tháng trước. Tương tự, giá thịt lợn hơi cũng giảm từ 40-45.000 đồng/kg so với 2 tháng trước (hiện nay giảm xuống còn 34-35.000 đồng/kg)…
Bà Nguyễn Thị Điểm, ở xóm Tân Hương, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), chuyên chăn nuôi lợn từ hơn 10 năm nay, chia sẻ: Mỗi lứa, gia đình tôi nuôi từ 10-20 con lợn, một năm nuôi 3 lứa, với những năm được giá thì tổng thu nhập lên đến trên 100 triệu đồng. Chưa năm nào tôi thấy giá thịt lợn hơi rẻ như năm nay, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng. Với giá bán thấp như thế này, mỗi con lợn tôi bị lỗ khoảng 100 nghìn đồng. Gia đình tôi chăn nuôi ít sẽ lỗ ít, với những hộ chăn nuôi nhiều hoặc các trang trại thì có thể lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/lứa. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất, vì không đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt thì nông dân biết phải làm gì để có nguồn thu nhập? Tôi hy vọng trong thời gian tới, giá các loại thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng cao hơn.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm trên cả nước đang diễn biến phức tạp như hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn có xu hướng giảm do tâm lý e ngại, sợ mua phải các loại thịt có chứa mầm bệnh của người tiêu dùng.
Đầu ra bấp bênh - Vì sao?
Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Thái Nguyên cho biết: Qua khảo sát cho thấy nhiều năm qua, sản xuất lúa tại tỉnh ta cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu tại chỗ. Đối với sản xuất ngô thì chủ yếu phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm của nông dân trong tỉnh. Do đó, về cơ bản đầu ra của cây lương thực không đáng lo ngại. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm chè, rau xanh các loại, hoa quả tươi, thịt gia súc, gia cầm lại luôn gặp khó. Như trong năm 2013, ngoài 8,1 nghìn tấn chè (đã qua chế biến) xuất khẩu sang thị trường một số nước ở châu Á, châu Âu, sản phẩm chè Thái Nguyên chủ yếu vẫn tiêu thụ ở các chợ đầu mối trong nước, các đại lý trong tỉnh và qua thương lái nên giá bán chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm. Đối với sản phẩm rau xanh, quả tươi, thịt gia súc, gia cầm thì cũng chỉ tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong tỉnh và qua các thương lái, chứ chưa được bày bán tại các siêu thị lớn nhỏ ở trong và ngoài tỉnh, do đó giá bán còn thấp.
Có thể nhận thấy, đầu ra cho các loại nông sản chưa ổn định là do tỉnh ta chưa có mô hình nông nghiệp phát triển theo kiểu liên kết từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh (như hỗ trợ giá giống lúa lai, ngô lai; hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm…) thì phần lớn bà con nông dân chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp lại đóng một vài trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đặc biệt, nông dân trong tỉnh còn đang sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm làm ra ít, chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu, tư duy canh tác lại tùy tiện, vẫn xảy ra tình trạng làm theo phong trào. Đơn cử như với sản xuất rau xanh, tỉnh ta có hơn 10.000ha đất có thể trồng các loại rau, củ, quả, nhưng trong năm 2013 mới trồng được trên 1.600ha rau xanh tập trung, số còn lại vẫn trồng tản mát, manh mún, mạnh ai nấy làm…
Nhờ có những điều kiện thuận lợi về đất đai, thời tiết, khí hậu, tỉnh ta có tiềm năng sản xuất rau, củ, quả, chè an toàn rất lớn. Bà con nông dân cũng luôn cần cù, chịu khó, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đang tăng lên theo từng năm (riêng tổng đàn lợn hiện có trên 560 nghìn con, tổng đàn gia cầm xấp xỉ 10 triệu con). Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh có khi bị mất giá thê thảm nên người dân phải chịu thiệt thòi rất lớn, dẫn đến không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng trọt, quy mô chuồng trại chăn nuôi và thâm canh tăng năng suất, giá trị của các loại vật nuôi, cây trồng... Đây chính là bài toán khá nan giải, cần sớm có lời giải bằng sự nỗ lực từ nhiều phía.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Vụ đông xuân năm nay, thời tiết ấm áp, rau xanh phát triển tốt, năng suất mỗi sào rau tăng khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, năm 2013, các loại dịch bệnh nguy hiểm không xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên sản lượng thịt hơi của tỉnh đã tăng trên 9% so với năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với việc tăng năng suất là giá bán giảm mạnh. Do đó, bà con nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn vì thu nhập từ các mặt hàng nông sản không đủ để trang trải cuộc sống và tái đầu tư cho sản xuất… |
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Hán (Đồng Hỷ): Mỗi năm, nhân dân trong xã thu hoạch được khoảng 2 nghìn tấn vải quả, nhưng giá bán sản phẩm này rất bấp bênh. Cụ thể như năm 2013, quả vải bị mất giá thảm hại, bình quân chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg, trong khi những năm trước giá bán cao gấp đôi… |
(Còn nữa)