8/10 xóm nằm trong vùng bán ngập, hơn 3.500 con người chủ yếu trông vào 113 ha đất canh tác; 227 ha chè; rừng sản xuất đến tuổi khai thác nhưng chưa được phép khai thác; phần lớn số hộ dân nằm trong vùng quy hoạch tổng thể Khu du lịch hồ Núi Cốc nên việc xây dựng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… phải “dậm chân tại chỗ” chờ quy hoạch chi tiết… - Đó là những khó khăn không dễ giải quyết một sớm một chiều, nhưng người dân ở xã Tân Thái (Đại Từ) đã nỗ lực vươn lên trong điều kiện có thể để xóa đói, giảm nghèo. Xã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, số hộ nghèo giảm còn 9,2%...
Xã Tân Thái không chỉ cùng chung những khó khăn đặc trưng của các xã nằm trong vùng bán ngập của hồ Núi Cốc (thiếu tư liệu sản xuất; người dân luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu trước mực nước lên, xuống của hồ…) mà còn phải đối diện cái khó riêng: Đó là hiện nay, nhiều diện tích rừng sản xuất của các hộ dân đã đến tuổi khai thác những người dân chưa thể thu tiền từ việc bán gỗ mà vẫn phải chờ ngành chức năng phân định ranh giới giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất (tổng diện tích rừng là 744 ha). Việc “chờ đợi” này đã kéo dài trong nhiều năm và người dân cũng không thể biết mình còn phải chờ đến bao giờ, dù nguồn sống của họ chủ yếu trông vào cây chè và kinh tế đồi rừng. Những hộ dân ở xóm Tân Lập - xóm có một phần diện tích thuộc Khu du lịch nổi tiếng hồ Núi Cốc, tưởng rằng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong phát triển thương mại, dịch vụ. Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy, bởi các hộ dân đang nằm trong vùng quy hoạch tổng thể nên việc phát triển các loại hình hình dịch vụ bị ảnh hưởng…
Trước những vấn đề chưa thể giải quyết ngay, xã Tân Thái đã hướng người dân phải tự “cứu mình” bằng cách phát huy triệt để những gì có trong tầm tay để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Các diện tích trồng lúa, trồng chè đều được đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm: năng suất lúa bình quân đạt 56 tạ/ha, sản lượng đạt 557,87 tấn, đạt 122% kế hoạch; năng suất chè đạt 98 tạ/ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn, đạt 91,6% kế hoạch. Xã đã chỉ đạo người dân làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra, tổng đàn lợn là 1.650con, đạt 114% kế hoạch đề ra; tổng đàn trâu, bò, dê, đàn gia cầm luôn được duy trì ở mức ổn định. Ngoài ra, với 45 ha diện tích mặt nước, nhiều hộ dân trong xã đã biết tận dụng, khai thác để thả cá, nuôi ba ba… tăng nguồn thu nhập cho gia đình (năm 2013, tổng sản lượng thủy sản là hơn 211 tấn, đạt 104,4% kế hoạch)…
Kinh tế dần ổn định, người dân giảm bớt nỗi lo cơm áo, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi. Chỉ tính riêng năm 2013, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã Tân Thái đã xây dựng được sân vận động trị giá 270 triệu đồng; xây dựng hơn 3km đường bê tông, tổng trị giá hàng tỷ đồng; xây dựng 200 kênh mương nội đồng trị giá gần 200 triệu đồng; xây dựng chùa Sơn Đô trị giá hơn 1 tỷ đồng (công trình này hoàn toàn bằng nguồn đóng góp của nhân dân và tiền công đức của du khách thập phương)…
Chị Bế Thị Phượng, xóm Gốc Mít cho biết: Chúng tôi là những người nông dân, chỉ quen với đồng ruộng, nhưng đồng ruộng lại ít nên phải đầu tư thâm canh, tăng năng suất, giá trị cây trồng trên cùng một diện tích, tích cực phát triển chăn nuôi; cải tạo, trồng chè mới… thì mới đủ trang trải cho cuộc sống. Trong xóm tôi hầu hết thanh niên, có cả một số chị em phụ nữ cũng phải đi làm thuê ở khắp nơi để có thêm thu nhập. Chúng tôi xác định, mình phải chăm chỉ, cần cù lao động thì mới mong thoát nghèo. Trước kia, gia đình tôi cũng khó khăn những nay đã khá giả hơn trước.
Anh Bùi Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với những khó khăn nêu trên, chúng tôi không thể “bằng lòng” với thực tại mà các đồng chí cán bộ lãnh đạo xã luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, chủ động đề xuất những giải pháp để cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp tối ưu khắc phục những khó khăn. Cùng với đó, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các dự án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), các chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay cho người dân đầu tư phát triển kinh tế hộ. Đơn cử: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT với tổng dư nợ lên đến 4,5 tỷ đồng cho các hộ nghèo vay phát triển kinh tế. Hội Nông dân tích cực phối hợp với cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa hoa kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng thuốc thú ý … thu hút đông đảo nông dân tham gia (trung bình mỗi lớp từ 60-75 học viên). Hiện nay, chúng tôi đang triển khai giải phóng mặt bằng cho Dự án xây dựng Khu tái định cư tại xóm Tân Lập, rộng1,8 ha, có thể giải quyết di dời 40 hộ dân thuộc các xóm vùng bán ngập đến định cư.
Với những cố gắng, nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Tân Thái đạt 12,5%; thu ngân sách đạt 132% so với kế hoạch đề ra; số hộ nghèo còn 9,2%... đó là những con số đáng ghi nhận đối với một xã vùng bán ngập còn nhiều khó khăn như Tân Thái. Năm nay, xã phấn đấu giảm số hộ nghèo xuống dưới 9%; 100% số xóm đạt khu dân cư tiên tiến, trong đó 70% số xóm đạt văn hóa…