Công tác phát triển làng nghề (LN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những khởi sắc đáng kể. Qua đó tạo thêm động lực cho việc phát triển ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó phần nào cho thấy hiệu quả của các chính sách ưu tiên, khuyến khích và sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 160 làng có nghề (chủ yếu là chế biến chè, lâm sản, thực phẩm), với 11.720 hộ và 22.760 lao động tham gia làm nghề. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt khoảng 2 triệu đồng/lao động/tháng. Từ 3 LN đầu tiên được công nhận vào năm 2008, đến nay UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận cho 105 LN, trong đó có 85 LN chè, còn lại là các nghề như chế biến thực phẩm, mây tre đan, mộc mỹ nghệ... Riêng năm 2013 đã có thêm 23 LN được công nhận. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch của tỉnh là đến năm 2015 có 100 LN được công nhận.
Ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội LN tỉnh cho rằng, kết quả đó minh chứng cho sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành trong những năm gần đây. Như việc thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (trực thuộc Sở Công Thương), nhằm tư vấn, hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó có ưu tiên cho các LN; nâng mức hỗ trợ cho mỗi LN từ 20 triệu đồng lên 35 triệu đồng/LN và 40 triệu đồng/LN truyền thống; hỗ trợ quảng bá thương hiệu; thành lập Hiệp hội LN… Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển LN, đáng chú ý nhất là Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và LN giai đoạn 2011-2015, trước đó là Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp và LN giai đoạn 2006-2010. Thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã tích cực tuyên truyền, tư vấn, định hướng, đồng thời triển khai hiệu quả các cơ chế ưu đãi đối với khu vực này.
Điển hình trong thực hiện chỉ tiêu phát triển LN năm 2013 phải kể đến huyện Định Hóa. Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đặt chỉ tiêu đến năm 2015 có 10 LN, nhưng riêng năm 2013 đã có 7 LN được công nhận (trước đó chưa có LN nào). Có được kết quả này trước hết là do thời gian gần đây huyện đã tích cực tuyên truyền tới người dân về những ưu đãi đối với LN, lợi ích khi được công nhận LN. Các phòng chuyên môn của huyện thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền và các đoàn thể sở tại tuyên truyền, tư vấn và giải đáp tất cả những băn khoăn, thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan. Ngoài ra, huyện còn trích ngân sách hỗ trợ mỗi LN 10 triệu đồng. Trên địa bàn vẫn còn khá nhiều nơi có nghề nhưng chưa được công nhận, vì vậy huyện sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, khuyến khích phát triển, trước mắt là xây dựng từ 4 đến 5 LN trong năm nay.
Nói về tác động tích cực của công tác phát triển LN, ông Bùi Quang Huân cho biết thêm: Các LN sau khi được công nhận đã tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực như giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu ngành nghề theo hướng phù hợp hơn. Bên cạnh đó, việc công nhận các LN đã tạo ra tâm lý phấn khởi, hào hứng trong cộng đồng làm nghề, cũng như tạo được tính lan tỏa (có thêm nhiều hộ làm nghề và phát triển thêm LN mới), qua đó thêm động lực cho việc phát triển ngành nghề nông thôn. Điều quan trọng nhất là thu nhập của người làm nghề ngày càng được cải thiện, để họ thêm gắn bó với nghề truyền thống.
Qua tìm hiểu tại một số LN, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay đổi từ nhận thức của người làm nghề đến thu nhập của họ, đúng như nhận định của ông Bùi Quang Huân. Sản phẩm miến dong Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã được khách hàng gần xa biết đến và tin dùng, việc công nhận LN vào năm 2008 đã như một luồng gió mới khiến thương hiệu miến Việt Cường “bay” xa hơn. Ông Trần Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý LN miến Việt Cường phấn khởi: Từ khi đón Bằng công nhận, chúng tôi thấy tự hào hơn về nghề của mình, các hộ thành viên có ý thức trong việc sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như xây dựng và bảo vệ thương hiệu chung. Số hộ làm miến tăng từ 37 hộ ban đầu lên gần 50 hộ, phần lớn các hộ đã mở rộng quy mô sản xuất. Cũng từ khi là LN, chúng tôi được đón nhận nhiều sự hỗ trợ về thiết bị như: 32 thùng quấy bột bằng inox, 15 giàn phơi mạ kẽm, được dự các lớp tập huấn về sản xuất và tiếp thị sản phẩm. Việc sản xuất miến giờ đã chuyên nghiệp hơn vài năm trước rất nhiều, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Còn ông Trung Văn Com, thành viên LN dệt mành cọ Làng Bầng, xã Đồng Thịnh (Định Hóa) cho biết: Chúng tôi rất phấn khởi vì được sự quan tâm của các cấp, ngành, sắp tới còn được tập huấn và vay vốn ưu đãi để phát triển nghề. Tôi tin tưởng nghề này sẽ ngày càng phát triển, sản phẩm đến được nhiều người tiêu dùng và thu nhập của chúng tôi sẽ cao hơn…
Phát triển LN là chủ trương đúng đắn, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, để các LN phát triển bền vững cũng có khá nhiều vấn đề đang được đặt ra như: hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng lao động LN, hay đầu ra của sản phẩm… Cùng với việc phát triển số lượng LN, các cấp, ngành và Hiệp hội LN tỉnh cũng đang dành sự quan tâm tới các vấn đề này.