Trở lại xã Vạn Phái (Phổ Yên) sau hơn 3 năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi những thay đổi của xã thuần nông này. Càng vui hơn khi chúng tôi biết được thông tin, năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 19,33%, giảm 17,67% so với năm 2011.
Ông Lê Văn Dần, Chủ tịch UBND xã Vạn Phái cho biết: Vạn Phái là xã thuần nông với gần 90% người dân hầu như chỉ sống bằng sản xuất nông nghiệp nhưng đất nông nghiệp ít và gặp nhiều khó khăn về nguồn nước. Hiện, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã đều phải dùng nước từ các trạm bơm. Ngoài ra, phần ranh giới phía Đông Bắc và Đông của xã có dòng sông Công chảy qua nên giao thông bị chia cắt, điều kiện giao thương, vận chuyển hàng hóa gặp không ít khó khăn.
Trước tình hình đó, xã xác định cần xây dựng hệ thống kênh mương, trạm bơm, hỗ trợ kinh phí để người dân canh tác thuận lợi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp. Đồng thời xác định cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hỗ trợ kinh phí bơm nước là nhiệm vụ hàng đầu.
Từ năm 2011 đến nay, xã đã đề nghị và được Nhà nước đầu tư thêm 1 trạm bơm, nâng tổng số trạm bơm trong xã lên 6 trạm bơm; xây mới được hơn 3,5km và cải tạo trên 3km kênh, mương, nâng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 18,5km trong tổng số 32km kênh mương của xã. Hằng năm, xã cũng trích hơn 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã để sửa chữa hệ thống bơm và hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng tiền điện bơm nước để bà con làm đất, cấy lúa vụ xuân. Nhờ đó diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt diện tích đất cấy lúa vụ xuân đã tăng đáng kể. Từ vụ xuân 2013 và 2014 xã đã canh tác được hơn 330ha, cao hơn 100ha so với vụ xuân năm 2012.
Bà Nguyễn Thị Tân, Trưởng xóm Nông Vụ 5 cho biết: Nông Vụ 5 là xóm xa trạm bơm chính nên trước năm 2011, nhiều diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang hoặc trồng ngô, sắn vì không chủ động được nguồn nước, phần diện tích đất nông nghiệp còn lại phải bơm nước qua hai công đoạn nên mỗi sào người dân phải chi phí thêm từ 30 đến 50 nghìn đồng tiền điện tùy địa hình. Sau khi được xã quan tâm đầu tư hơn 400m kênh mương, 1 trạm bơm và hỗ trợ tiền điện bơm nước, tính đến nay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xóm đã chủ động được nguồn nước, cây lúa sinh trưởng tốt, năng suất cao hơn từ 3 đến 6 tạ/ha so với năm 2010.
Bên cạnh việc nâng cấp hệ thống thủy lợi, chính quyền xã Vạn Phái cũng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Nhờ đó, những năm trở lại đây, bà con đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai năng suất cao như SYN 6, Bio 404, Q ưu số 1… vào sản xuất thay cho các giống lúa địa phương năng suất thấp, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp bằng các loại cây trồng mới như khoai tây, bí siêu quả… Xã cũng tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo từng mùa vụ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, tính đến hết năm 2013, toàn xã đã có 1.240 hộ vay với tổng số dư nợ trên 26 tỷ đồng. Được trang bị về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn, nhân dân xã Vạn Phái đã thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng, mở rộng quy mô và thay đổi phương thức chăn nuôi.
Nếu như năm 2013, toàn xã gieo cấy được 743,6ha thì diện tích lúa lai đạt 260,5ha chiếm 35%, năng suất lúa bình quân đạt 53,6 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với năm 2010. Trong xã đã có 2 mô hình trang trại và gần 100 mô hình gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả như gia đình ông Nguyễn Văn Cận, xóm Hạ Vụ 1, chăn nuôi hơn 50 con lợn và trên 1.000 con gà đẻ, thu lãi hằng năm khoảng 120 triệu đồng, gia đình bà Nguyễn Thị Dần, xóm Tân Cương, nuôi 2.000 con gà bố mẹ, kết hợp máy ấp trứng bán gà con giống, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/năm…
Ông Nguyễn Văn Tăng, chủ gia trại ở xóm Hạ Vụ 2 cho biết: Sau khi tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, đào tạo nghề tổ chức tại xã, tôi đã quyết định thay đổi phương thức chăn nuôi, mở gia trại chăn nuôi gà bố mẹ để cung cấp trứng giống cho các cơ sở ấp trứng. Trong quá trình thực hiện, tôi cũng được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương trong kỹ thuật chăn nuôi, công tác phòng dịch, vay vốn ngân hàng nên quá trình chăn nuôi thuận lợi, đến nay, gia trại của gia đình tôi đã nuôi hơn 3.000 con gà bố mẹ, lợi nhuận mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Để tạo thêm động lực phát triển kinh tế, những năm qua, xã Vạn Phái cũng tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp và tích cực vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, xã đã đạt được 8 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới: quy hoạch, điện, trường học, bưu điện, thu nhập, văn hóa, hệ thống chính trị và an ninh. Trong 2 năm 2012, 2013, xã đã bê tông hóa được hơn 3,5km đường giao thông liên thôn, xóm.
Thông qua những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Vạn Phái đã giảm xuống 19,33%, thấp hơn 17,67% so với năm 2011, thu nhập bình quân ước đạt 16 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2011. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dần, Chủ tịch UBND xã thì Vạn Phái vẫn là xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Phổ Yên. Thời gian tới, xã mong muốn Nhà nước quan tâm xây dựng cầu và đường giao thông để nhân dân trong xã giao thương, vận chuyển hàng hóa với huyện Sóc Sơn. T.P Hà Nội, xã Nam Tiến (huyện Phổ Yên).