Vì sự tiến bộ của mọi người

09:24, 08/03/2014

Đảm nhiệm vai trò Giám đốc đúng vào thời điểm nền kinh tế nói chung và kinh tế địa phương nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, những cụm từ như “nợ xấu”, “doanh nghiệp thua lỗ, phá sản”… được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng với sự linh hoạt, quyết đoán của bản thân và tập hợp,  phát huy được sức mạnh đoàn kết của cả tập thể mà trong đó hơn một nửa cán bộ nữ là nòng cốt, chị Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Ngân hàng Công thương (VietinBank) Chi nhánh Thái Nguyên đã cùng đơn vị đạt được những kết quả rất ấn tượng.

Tôi được cán bộ của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh giới thiệu về chị. “Đó là một giám đốc trẻ. Có “thủ lĩnh” là nữ nên hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tại đơn vị của chị thực hiện rất tốt. Hiện ở đó, chị em đang chiếm “ưu thế” so với nam giới…” Những lời giới thiệu này khiến tôi khá “tò mò” về vị nữ giám đốc này. Vừa bước vào, tôi đã gặp chị ở khu vực giao dịch dưới sảnh tầng 1. Chị đang bận rộn nhắc nhở nhân viên phụ trách chú ý bố trí thêm ghế mỗi khi đông khách, vừa thoăn thoắt kéo thêm ghế, mời khách hàng ngồi. Chị bảo: Những hành động chăm sóc khách hàng tuy nhỏ như vậy nhưng lại vô cùng cần thiết trong việc kinh doanh, như vậy có thể tạo được ấn tượng với khách hàng ngay từ đầu. Tận tình, chu đáo với khách hàng là tiêu chí cơ bản trong hoạt động của chúng tôi.

 

Chị sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Tiến (Phổ Yên), mọi người vẫn thường nói vui rằng chị được “di truyền” từ bố nên ngay từ nhỏ đã yêu thích các con số (bố chị làm trong ngành ngân hàng đã về hưu). Mơ ước trở thành cán bộ ngân hàng như bố chị ấp ủ ngay từ ngày còn là cô học sinh cấp 2 trường làng. Ra trường, năm 1995, chị bắt đầu sự nghiệp ở vị trí cán bộ tín dụng của VietinBank. Ngay từ khi bắt đầu chị đã thể hiện được năng lực của bản thân, cộng với sự đam mê nghề nên trong thời gian công tác, chị đã được bổ nhiệm qua nhiều vị trí quan trọng như Trưởng phòng Thanh toán xuất nhập khẩu, Trưởng phòng Giao dịch, tháng 1-2011, chị nhận nhậm vụ làm Phó Giám đốc và từ tháng 3-2013 là Giám đốc của VietinBank Thái Nguyên. Chị chia sẻ: Được mọi người tín nhiệm là vinh dự lớn xong trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề. Thời điểm tôi nhận vị trí Giám đốc Chi nhánh là lúc nền kinh tế đang suy thoái. Làm thế nào để chi nhánh kinh doanh ổn định, có sự tăng trưởng và giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu là điều không dễ thực hiện tại thời điểm đó với bất cứ một ngân hàng nào. Nhưng nhờ sự đồng lòng của cả tập thể, nên trong năm 2013, các chỉ tiêu về dư nợ nguồn vốn, phí dịch vụ và số lượng khách hàng của VietinBank Thái Nguyên đều có sự tăng trưởng.

 

Khi nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, theo định hướng của Ngân hàng Công thương Việt Nam, chị đã bàn bạc với Ban Giám đốc triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ vướng mắc như: Cơ cấu lại nợ; miễn giảm lãi cho các khách hàng gặp khó khăn tạm thời; giảm lãi suất cho vay (mức tối đa là 13%). Đối với các khoản vay thực sự không có khả năng thanh toán, chị đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan. Mặt khác, kiên quyết xử lý và thu nợ đảm bảo đánh giá đúng chất lượng tín dụng. Trong hoạt động dịch vụ thu phí, chi nhánh đã chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng cách: Áp dụng mức thu phí linh hoạt và giảm phí cho khách hàng truyền thống, có uy tín và sử dụng nhiều dịch vụ của chi nhánh. Cùng với đó, tăng cường tư vấn khách hàng sử dụng các dịch vụ qua thẻ như thu học phí, trả lương, thanh toán tiền điện, thanh toán hàng hóa qua 26 máy POS…

 

Kết quả, cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh là 0,92% tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ bình quân của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh (1,37%); phí dịch vụ tăng trưởng 28% so với năm 2012 (khoảng 13 tỷ đồng), chiếm 16,6% tổng thu nhập; tính đến cuối năm 2013, chi nhánh có trên 3 nghìn khách hàng vay vốn (tăng trưởng hơn 500 khách hàng vay mới); tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến hết năm 2013 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012. Với những thành tích trên, VietinBank Thái Nguyên được Ngân hàng Công thương Việt Nam đánh giá là 1 trong 3 chi nhánh xuất sắc nhất trên cả nước trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập của Ngân hàng Công thương vừa qua. Để chèo lái được đơn vị qua những thời điểm khó khăn, sự hy sinh, vất vả của người đứng đầu đơn vị quả là khó có thể nói hết. Chị Tuyết luôn có mặt tại cơ quan từ 12 đến 14 giờ/ngày. Nhiều khi ngập trong công việc, cầm trên tay những hồ sơ nợ khó đòi, “phải làm như thế nào?”, “giải quyết ra sao?”… những suy nghĩ ấy khiến chị quên cả bữa ăn trưa. Bận rộn là vậy, nhưng chị chưa bao giờ sao nhãng việc học hành của 2 cậu con trai. Hiện con trai lớn của chị đang học ở nước ngoài, cậu con trai thứ 2, học lớp 5 luôn dành các giải thưởng cao trong các kỳ thi Toán, tiếng Anh cấp thành phố và cấp tỉnh.

 

Tuy vậy, nhưng khi được hỏi, chị chỉ cho đó là sự nỗ lực của cả một tập thể. Chị chia sẻ: Chi nhánh mặc dù đông cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp là nữ, nhưng hiệu quả làm việc của chị em không hề thua kém anh em nam giới. Tuy phải vất vả hoàn thành thiên chức trong gia đình, nhưng chị em không để điều đó ảnh hưởng đến công việc. Có đội ngũ cán bộ luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao như vậy chính là nguyên do của sự thành công ở đơn vị. Quan điểm của chúng tôi, chỉ cần là người thực sự có năng lực, chúng tôi sẽ xem xét bổ nhiệm vào các vị trí phù hợp, tuyệt đối không vì cán bộ đó là nam hay nữ. Quan điểm mà chị nói đến được thể hiện rõ qua bộ máy tổ chức của đơn vị.

 

Chi nhánh hiện có 101/144 tổng số cán bộ, viên chức là nữ (chiếm tỷ lệ 70%). Trong bộ máy lãnh đạo các bộ phận của chi nhánh, tỷ lệ nữ chiếm 68,8%. Trong đó, riêng Ban Giám đốc tỷ lệ này là ¾ người. Đời sống của cán bộ, nhân viên, đặc biệt là chị em luôn được Ban Giám đốc, công đoàn đơn vị đặc biệt quan tâm, như tổ chức cho chị em đi thăm quan, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ những dịp lễ. Ngoài ra, chị em nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều được giúp đỡ kịp thời. Chị Dương Thị Dung, cán bộ thuộc Phòng Tổ chức hành chính của Chi nhánh xúc động: Chồng tôi mắc bệnh ung thư, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, bản thân tôi rất hoang mang. May nhờ có chị em, đồng nghiệp luôn gần gũi, chia sẻ nên tôi cũng vững tâm hơn. Ngay cả chị Tuyết, dù bận rộn như thế nhưng gặp tôi lần nào chị cũng hỏi thăm tình hình của nhà tôi rồi động viên và tạo điều kiện về thời gian cho tôi. Vừa qua đơn vị còn hỗ trợ cho tôi 20 triệu đồng.

 

Lời chia sẻ của chị Đoàn Thị Linh, người được trao giải giao dịch viên kiều hối xuất sắc chương trình “The Best Teller” của Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam năm 2013 đã giúp nhiều người hiểu hơn về chị: “Đơn vị kinh doanh hiệu quả, cá nhân chúng tôi có điều kiện khẳng định mình là bởi chúng tôi có người đứng đầu biết lo cho cái chung và luôn vì sự tiến bộ của mỗi người, trong đó có chị em phụ nữ”