Vướng nhất trong xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác cát, sỏi không phép, trái phép là tại đoạn sông Cầu chảy qua huyện Phổ Yên giáp ranh với tỉnh Bắc Giang (dài 17,6km) vì khi lực lượng chức năng truy quét mạnh các đối tượng sẽ di chuyển sang địa phận tỉnh bạn.
Kỳ 2: Vẫn trong tầm kiểm soát
Hợp tác, trách nhiệm để xử lý
Ông Bùi Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên cho biết: Trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép và đã tịch thu 1 tàu quốc, 2 thuyền xi măng chở cát, xử phạt hành chính thu nộp ngân sách Nhà nước trên 435 triệu đồng. Mặc dù vậy, từ đầu năm 2014, tình trạng khai thác cát, sỏi lại xảy ra tại địa bàn xã Tiên Phong do các đối tượng thuộc huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) thực hiện. Bởi vậy, huyện đã thành lập đoàn liên ngành để có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm. Để xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Cầu, huyện Phổ Yên đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ lực lượng Công an đường thủy và phương tiện ca nô phục vụ việc kiểm tra, bắt giữ.
Còn lại các điểm mỏ đã cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi khác đều thuộc địa bàn các địa phương trong tỉnh như: T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương nên không thể lý giải theo cách: Đẩy mạnh xử lý phía địa phương này thì tình trạng vi phạm lại bùng phát phía địa phương kia và ngược lại. Từ thực tế khai thác cát, sỏi tại khu vực xóm Thống Nhất 1 và xóm Minh Lý, chúng tôi thấy cả 2 huyện Đồng Hỷ và Phú Lương đều dễ xử lý vì các chủ tàu hút cát, sỏi vi phạm không thể di chuyển phương tiện ra khỏi địa bàn trong thời gian từ 1 tới 2 ngày.
Làm việc với đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường, chúng tôi được cung cấp nhiều văn bản về công tác quản lý khoáng sản của các cấp. Trong đó nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương; cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh với cấp huyện; cấp huyện với cấp huyện; vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý khoáng sản tại địa phương. Nhưng khi chúng tôi làm việc với đại diện lãnh đạo một số xã như: Tiên Phong (Phổ Yên); Nhã Lộng (Phú Bình); Vô Tranh (Phú Lương); Minh Lập (Đồng Hỷ) thì họ đều đưa ra những lý do chung về sự khó khăn như: Trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở hạn chế nên khó kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi; thiếu phương tiện, lực lượng để xử lý khi phát hiện vi phạm; tổ chức được cấp phép khai thác cát, sỏi không báo cáo định kỳ… rồi đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.
Nên hạn chế khai thác
Nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh rất lớn và việc vận chuyển cát, sỏi từ các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc đang gây hư hại đường giao thông, người tiêu dùng phải chịu các khoản chi phí gián tiếp nên việc cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Cầu và các sông, suối khác trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác cát, sỏi không được quản lý chặt chẽ và không có các phương án tối ưu về bảo vệ quỹ đất hai bên bờ; hạn chế ô nhiễm môi trường; tôn tạo cảnh quan thì lợi bất cập hại.
Vẫn theo bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Khi cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Cầu, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh cần yêu cầu tổ chức xin cấp phép xây dựng chi tiết phương án khai thác, phương án hoàn thổ và các vấn liên quan khác rồi giao lại cho cấp huyện, cấp xã 1 bản hoàn chỉnh để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát. Nếu cho tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác cát, sỏi có quyền tận thu các loại khoáng sản khác thì cũng cần nêu rõ quy trình, trách nhiệm còn dùng cụm từ “tận thu tối đa các loại khoáng sản” như hiện nay rất dễ hiểu nhầm, tạo ra khe hở để các đối tượng lợi dụng khai thác vàng sa khoáng và các loại tài nguyên quý giá khác.
Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình lại thông tin: “Rất vất vả huyện mới dẹp bỏ được nạn khai thác cát, sỏi không phép trên sông Cầu và hy vọng sau khi UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi cho Công ty TNHH Trường Phát tại 2 xã: Hà Châu, Nhã Lộng, hoạt động này sẽ quy củ, hiệu quả hơn. Nhưng từ khi được cấp phép đến nay, Doanh nghiệp này chưa xây dựng xong phương án khai thác, hoàn thổ sau khai thác để huyện giám sát; phối hợp với chính quyền các xã thiếu chặt chẽ nên vẫn để xảy ra tình khai thác cát, sỏi không đúng tại khu vực đã được cấp phép”.
Để khai thác nguồn tài nguyên cát, sỏi phục vụ phát triển kinh tế cũng như bảo vệ cảnh quan, môi trường trên sông Cầu, các ngành chức liên quan của tỉnh, các địa phương nêu trên nên sớm có đánh giá cụ thể về trữ lượng tài nguyên cát, sỏi; vị trí khuyến khích khai thác (nguy cơ bồi lấp; nắn dòng chảy để hạn chế sạt lở) và sớm hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh phương án đấu giá quyền khai thác cát, sỏi trên sông Cầu để chọn lựa các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực về tài chính, chuyên môn thực hiệu hiệu quả hoạt động này.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Hoạt động khai thác cát, sỏi diễn ra trên sông, có nhiều điểm giáp ranh nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp khó khăn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm chỉ đạo đợt kiểm tra tổng thể hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Cầu và có sự tham gia của 2 huyện: Phú Lương, Đồng Hỷ để giải quyết dứt điểm những tồn trong hoạt động này.
|