Xung quanh hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Cầu

14:50, 07/03/2014

Sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài trên 103km và UBND tỉnh mới cấp 6 giấy phép khai thác cát, sỏi cho 5 doanh nghiệp, hợp tác xã với chiều dài 11,4km (diện tích khoảng 900 nghìn mét vuông). Hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Cầu đã và đang có những tác động tiêu cực như: làm thay đổi cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Nguy hại hơn, tại một số điểm do khai thác cát, sỏi không đúng quy trình đã làm sạt lở đất canh tác, hạ thấp mực nước…

Kỳ 1: Những tồn tại cần sớm giải quyết


Lợi và hại

 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Theo Luật Khoáng sản, các tổ chức, cá nhân khi được cấp phép khai thác cát, sỏi mà trong quá trình khai thác phát hiện có khoáng sản khác thì được phép tận thu nhưng phải báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền để quản lý và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí tài nguyên cho Nhà nước theo quy định. Trường hợp chủ tàu hút cát, sỏi có sử dụng thiết bị tận thu vàng sa khoáng nhưng không báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền, không thực hiện nghĩa vụ theo quy định là vi phạm pháp luật.

 

Nhiều người dân ở xóm Thống Nhất 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) rất bức xúc về tình trạng khai thác cát sỏi đã làm hạ thấp mực nước sông Cầu khiến cho công trình trạm bơm phục sản xuất nông nghiệp của xóm vừa phải gia cố với số tiền gần 300 triệu đồng. Cùng với đó là một số tàu hút cát, sỏi xâm lấn vào những diện tích đất bãi mà người dân ở xóm Thống Nhất 1 đã dày công khai phá, cải tạo.

 

Anh Vũ Văn Hiệp ở xóm Thống Nhất 1 cho biết: “Gia đình tôi có mảnh đất diện tích trên 300m2 tự khai phá liền với mép sông Cầu đang có nguy cơ bị lũ cuốn trôi vì tàu hút cát, sỏi đã gần tới bờ. Một số chủ tàu đã gợi ý gia đình tôi nhượng lại thửa đất này với giá 3 triệu đồng để họ hút cát, sỏi nhưng tôi chưa đồng ý”. Các hộ dân ở xóm Thống Nhất 1 và một số xóm ven sông khác của xã Vô Tranh có đất bãi mạnh ai người ấy giữ, giữ không nổi thì thỏa thuận miệng với các chủ tàu hút cát để lấy một khoản tiền rồi phó mặc cho chủ tàu khai thác cát, sỏi hoặc san lấp làm đường đi, bãi tập kết vật liệu.

 

Về cảnh quan, đoạn sông Cầu chảy qua xã Vô Tranh đã bị biến dạng do những con đường được đắp chạy dọc theo lòng sông và những điểm tập kết cát, sỏi tới vài trăm mét khối. Không dừng ở đó, một số chủ tàu còn dùng máy xúc đắp những con đập ngăn sông Cầu lại để dâng nước giúp tàu di chuyển và hướng dòng nước thúc thẳng vào phía bờ sông thuộc xóm Minh Lý, xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Dưới dòng nước sông Cầu loang loáng vết dầu mỡ rỉ ra từ những tàu đã cũ nát và bùn đất bị khuấy lên đỏ quạch.

 

Ông Đoàn Đức Tràng, một người dân ở xóm Thống Nhất 1 cương quyết không bán đất bãi cho các chủ tàu hút cát, sỏi tâm sự: “Nhà tôi có 4 sào đất bãi và đã có người dò hỏi mua để phục vụ khai thác cát, sỏi nhưng tôi không bán. Để giữ được đất canh tác, tôi mua thêm đất, san phẳng trồng chè giống mới, làm nhà tạm vừa giữ đất, vừa chăn nuôi gà. Trước kia, khi chưa có hoạt động khai thác cát, sỏi thì đoạn sông Cầu này rộng khoảng 100m, giờ phần đất bị sạt lở do lũ cuốn trôi, phần bị tàu hút cát, sỏi nên lòng sông đã rộng tới vài trăm mét…”.

 

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, hoạt động khai thác cát, sỏi của các tổ chức, cá nhân trên sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn huyện đã cung cấp vật liệu cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện với giá thành thấp hơn so với vận chuyển từ nơi khác về. Nhưng điều hại là đã làm biến đổi cảnh quan, gây sạt lở, thay đổi dòng chảy. Vừa qua, huyện cũng xử phạt hành chính đối với 2 cá nhân ở xã Cao Ngạn sử dụng tàu hút cát trái phép.

 

Doanh nghiệp được cấp phép có đủ năng lực khai thác?

 

Di dọc bờ sông Cầu thuộc địa phận xóm Thống Nhất 1, chúng tôi thấy có 4 tàu đang hút cát, sỏi lên các thuyền để vận chuyển vào bờ. Tiếp cận một tàu hút cát gần bờ, chúng tôi đề nghị gặp chủ tàu để làm việc thì mấy lao động đang vận hành máy nói chủ tàu hiện không có mặt và ngăn cản việc chụp hình, quay phim của phóng viên. Chúng tôi phải liên lạc với lãnh đạo xã Vô Tranh và khoảng 30 phút sau, khi 3 cán bộ gồm: ông Lục Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã; ông Trần Văn Công, cán bộ địa chính - xây dựng; ông Lưu Minh Vang, Trưởng Công an xã có mặt tại hiện trường phóng viên mới tiếp tục tác nghiệp được.

 

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc chủ mỏ được cấp phép khai thác cát, sỏi trên đoạn sông Cầu chảy qua xã Vô Tranh có thực hiện đúng quy trình khai thác, diện tích được cấp phép hay không? Ông Lục Văn Hùng cho biết: “Chính quyền địa phương chỉ biết đoạn sông này đã được UBND tỉnh cấp phép cho Doanh nghiệp tư nhân Nhân Thịnh, còn việc khai thác cát, sỏi có đúng quy trình, diện tích hay không thì không nắm rõ vì doanh nghiệp không báo cáo định kỳ, cán bộ chuyên môn của địa phương lại không đủ khả năng kiểm tra”.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Cầu đoạn qua huyện Phú Lương đều thiếu phương tiện, nhân lực khai thác nên phải thuê một số chủ tàu hút cát, sỏi hoặc qua nhiều hình thức nhượng luôn quyền khai thác để kiếm lời. Đơn cử như trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Tâm Thúy (xóm 6, xã Sơn Cẩm) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi nhưng không trực tiếp khai thác mà đã làm thủ tục bán doanh nghiệp (trong đó có cả giấy phép khai thác cát, sỏi) cho ông Vũ Thanh Hà ở thị trấn Giang Tiên với giá 200 triệu đồng.

 

Còn theo một số người dân ở xóm Thống Nhất 1, trên địa phận sông Cầu đã cấp phép khai thác cát, sỏi cho Doanh nghiệp tư nhân Nhân Thịnh nhưng khai thác thực tế lại là các chủ tàu người địa phương. Do các chủ mỏ được cấp phép đã thuê hoặc nhượng quyền khai thác cát, sỏi cho tổ chức, cá nhân khác nên việc kiểm soát quy trình khai thác của chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì tổ chức nọ đổ cho tổ chức kia vi phạm. Ngoài ra, một số cá nhân, tổ chức khai thác thuê, nhận quyền khai thác cát, sỏi trên sông Cầu đã khai thác quá phạm vi được cấp phép nên xảy ra tranh chấp với người dân địa phương, tranh chấp giữa các tổ chức với nhau.

 

Lợi dụng khai thác cát, sỏi… để tận thu vàng

 

Chi phí khai thác cát, sỏi không phải là nhỏ nhưng lợi nhuận đem lại không lớn như những tài nguyên, khoáng sản khác nên một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Cầu để tận thu các loại khoáng sản khác, trong đó có vàng sa khoáng. Trường hợp cụ thể là bà Đinh Thị The ở xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập đã sử dụng tàu để khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Cầu và tận thu luôn cả vàng!? Khi đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đồng Hỷ kiểm tra đột xuất tàu hút cát, sỏi của bà The đã thu được một tấm thảm gai nghi dùng để chắn lấy vàng và khi kiểm nghiệm phát trên thảm gai có 0,23 chỉ vàng.

 

Ngay sau, đó UBND huyện Đồng Hỷ đã có Tờ trình đề xuất UBND tỉnh xử phạt hành chính 70 triệu đồng đối với hành vi khai thác vàng trái phép của bà Đinh Thị The, tịch thu 0,23 chỉ vàng, các tang vật vi phạm khác gồm: 1 tàu cuốc tự chế, 2 thuyền chở cát, 1 máy hút cát để sung công quỹ Nhà nước. Theo thông tin phóng viên thu thập được, tại một số điểm hợp lưu giữa các sông, suối chảy từ phía huyện Võ Nhai với sông Cầu thì trên các tàu hút cát, sỏi đều có thiết bị tận thu vàng sa khoáng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng muốn bắt được quả tang phải kiểm tra đột xuất giống như đội liên ngành của huyện Đồng Hỷ đã làm…
 

(Còn nữa)