Cần sớm bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp số 5

17:11, 10/04/2014

Trong khi nhiều cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch nhưng chưa đi vào hoạt động, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất thì ngược lại, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 1 khu vực tập trung 9 doanh nghiệp (DN), đáp ứng đủ điều kiện nhưng chưa được đưa vào quy hoạch thành lập CCN.

Đó là khu vực thuộc phường Tân Thành và xã Lương Sơn. Tại đây, dọc tuyến đường Tân Thành (nối từ Quốc lộ 3 sang Quốc lộ 37) hiện có 9 DN đang sản xuất, kinh doanh (chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ). Các DN bố trí tập trung và duy trì hoạt động khá ổn định ngay cả trong giai đoạn khó khăn vừa qua. 

 

Anh Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Công ty TNHH thép Tú Ninh, một trong những đơn vị xây dựng nhà máy sản xuất sớm nhất tại đây (năm 2006), cho biết: Khu vực này có điều kiện thuận lợi để chúng tôi đặt nhà máy sản xuất (Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cán thép, đúc gang) như gần các tuyến Quốc lộ 3 và 37, đường Tân Thành mới được nâng cấp; thưa dân, đất đai chủ yếu là đất đồi, hiệu quả canh tác không cao; gần đường điện 22kV; gần suối Vó Ngựa (thuận lợi cho việc xả nước thải sau khi xử lý)…

 

Cũng vì lẽ đó, mà sau Công ty TNHH thép Tú Ninh, 7 DN khác đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh tại đây, gồm: Công ty TNHH Thương mại đúc gang Ngọc Hưng, DN tư nhân Trường Thành, DN tư nhân Thành Nhân, Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, DN tư nhân Trung Thành, Công ty CP gỗ Phương Anh, Công ty CP Kim Quy Thái Nguyên. Trước các DN này đã có xí nghiệp sản xuất của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên. Tổng diện tích các DN đang sử dụng là 15,62ha.

 

Đại diện các DN cho rằng, vì chưa được đưa vào quy hoạch thành lập CCN nên việc đầu tư sản xuất, kinh doanh của họ gặp một số trở ngại, thiệt thòi. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc DN tư nhân Trường Thành nói: Chúng tôi không yên tâm xây dựng nhà xưởng kiên cố, cũng như mở rộng sản xuất vì có thể quy hoạch bị thay đổi dẫn đến phải dời đi nơi khác. Việc thuê đất không ổn định, không được hưởng các ưu đãi như miễn, giảm tiền thuế đất như trong CCN. Nếu thành lập CCN thì sẽ có nhà đầu tư hạ tầng, xây dựng đường giao thông nội bộ, trạm xử lý nước thải tập trung, khu vực tạm lưu trữ chất thải rắn… nhưng hiện chúng tôi đang phải tự khắc phục trong khả năng của mình.

 

Vì vậy, các DN ở khu vực này đã khá nhiều lần đề nghị thành lập CCN để họ yên tâm và thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2013, các DN đã bầu ra “Cụm trưởng” là DN tư nhân Trung Thành, nhằm đại diện để tiếp tục đề xuất nguyện vọng với các cơ quan chức năng. Ông Ngô Đình Vượng, Chủ tịch UBND phường Tân Thành cho biết: Chúng tôi đã nhận được đề nghị của các DN về việc thành lập CCN và đã có văn bản báo cáo cấp trên. Nguyện vọng của họ là rất chính đáng, phù hợp với điều kiện thực tế, định hướng phát triển công nghiệp của địa phương (phường đặt mục tiêu đưa tỷ trọng công nghiệp lên dẫn đầu trong cơ cấu kinh tế).

 

Sau khi xem xét đề nghị và nhu cầu của các DN tại khu vực phường Tân Thành và xã Lương Sơn, UBND thành phố đã xây dựng báo cáo và tờ trình đề nghị bổ sung quy hoạch khu vực này thành CCN số 5 T.P Thái Nguyên (mới nhất là vào ngày 19-12-2013). Ông Vũ Văn Giang, Phó Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Việc bổ sung vào quy hoạch và thành lập CCN tại vị trí này là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng, mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững của các DN. Mặt khác, CCN số 1 của thành phố (diện tích 34,58ha) đã chuyển đổi quy hoạch thành đất ở đô thị. Việc thành lập CCN số 5 cũng phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp, các kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch khác trên địa bàn. Tuy nhiên, việc này chưa thực hiện được vì theo Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, CCN, thì trong quá trình rà soát, tạm dừng bổ sung quy hoạch cũng như thành lập và mở rộng CCN.

 

Theo ông Nghiêm Xuân Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đến nay tỉnh đã hoàn thành việc rà soát hoạt động của các CCN trên địa bàn. Thời gian tới, tỉnh có thể sẽ đưa ra khỏi quy hoạch một số CCN hiện đang trong tình trạng “treo”, đồng thời bổ sung vào quy hoạch một số CCN như trường hợp này, khi được chấp thuận của Bộ Công Thương. Trong khi đó, UBND T.P Thái Nguyên cũng đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo đề nghị bổ sung quy hoạch và thành lập CCN số 5.

 

Rõ ràng, không những rất cần thiết mà việc bổ sung vào quy hoạch và thành lập CCN số 5 T.P Thái Nguyên cần được xúc tiến, nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các DN, cũng như chủ trương công nghiệp hóa của tỉnh.