Nghề thêu ren đã có mặt trên địa bàn xã Trung Thành (Phổ Yên) từ nhiều năm nay, góp phần tạo công ăn việc làm cho một số lao động. Song đến nay, nghề đang gặp phải không ít khó khăn cần được tháo gỡ…
Có dịp về Hợp tác xã thêu ren xuất khẩu Trung Thành, xã Trung Thành (Phổ Yên), chúng tôi được ngắm nhìn những bức tranh thêu nhiều hình ảnh, màu sắc. Chị Trần Thị Hà, Chủ nhiệm HTX nhanh tay chỉ cho chúng tôi xem bức tranh đã được trưng bày trong Lễ hội xuống đồng của huyện năm 2014 và nói: Nhiều năm nay, tranh thêu của HTX được tỉnh và huyện đánh giá cao, được trưng bày trong các lễ hội quan trọng của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và mở rộng.
Được biết, cách đây khoảng 20 năm, một số người quê gốc Nam Định, Hà Tây đã di cư lên sinh sống tại xã Trung Thành và mang theo nghề thêu ren truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, nghề mới chỉ dừng lại ở quy mô cá thể. Năm 2010, học tập mô hình ở một số tỉnh khác, các chị em làm nghề ở xã đã đứng ra thành lập HTX thêu ren xuất khẩu Trung Thành, gồm 7 thành viên. Một số sản phẩm tranh thêu của HTX được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tùy theo kích cỡ, kỹ thuật, một bức tranh thêu có giá từ 1 triệu đến trên chục triệu đồng, vừa tạo thêm thu nhập, vừa tận dụng được thời gian nông nhàn và rất phù hợp với các đối tượng là người khuyết tật. Năm 2013, HTX đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, công nhận tranh thêu là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và được Liên minh HTX tỉnh tặng Giấy khen cho HTX điển hình tiên tiến.
Mặc dù đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng sau hơn 4 năm hoạt động, tranh thêu của HTX thêu ren xuất khẩu Trung Thành vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và mục tiêu nhân rộng nghề thêu ren vẫn đang gặp khó. Chị Trần Thị Hà, Chủ nhiệm HTX cho biết thêm: HTX đã từng mở lớp dạy nghề nhưng do không có nguồn vốn để hỗ trợ cho người học mua sắm thiết bị, nguyên liệu… nên chưa thu hút được các chị em tham gia. Hơn thế nữa, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao nhưng các thành viên của HTX lại chưa cập nhật được những kỹ thuật mới nên khó khăn trong việc bán sản phẩm mà thu nhập lại không cao.
Kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng dẫn đến đầu ra của tranh thêu khó. Mặt khác, vài năm trở lại đây, các sản phẩm tranh thêu nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ tràn lan trên thị trường, đã làm cho tranh thêu Việt càng gặp khó. Chị Đồng Thị Sự, một thành viên HTX nói: Thông thường, khi nào khách hàng đặt thì chúng tôi mới dồn sức làm chứ không dám thêu sẵn với số lượng lớn. Trong phòng tranh của HTX thường chỉ trưng bày khoảng chục bức tranh để làm mẫu cho khách hàng tham khảo.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nghề thêu ren, những năm gần đây, huyện Phổ Yên đã phối hợp với HTX thêu ren xuất khẩu Trung Thành tổ chức được 11 lớp dạy nghề thêu ren cho tổng số trên 350 người ở 4 xã: Trung Thành, Tiên Phong, Vạn Phái và Tân Phú. Nhưng sau 3 năm, nghề thêu ren dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bằng chứng là nghề vẫn chỉ được 7 thành viên của HTX và 5 chị em là người khuyết tật, sức khỏe yếu ở xã Tân Phú duy trì, còn ở Tiên Phong và Vạn Phái, sau vài tháng hoạt động, những người làm nghề này đã bỏ dở. Chị Trần Thị Hà, một thành viên HTX cho hay: Thời gian 3 tháng của các lớp học nghề là quá ngắn bởi để nắm bắt được kỹ thuật thêu ren cơ bản, người học cần ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Phương, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Năm 2013, huyện đã lên kế hoạch mời nghệ nhân về giảng dạy cho các lớp đào tạo nghề chuyên sâu, song do nguồn ngân sách của huyện còn hạn chế nên chưa thực hiện được. Thời gian tới, huyện sẽ cân nhắc và tính toán ngân sách để thuê nghệ nhân từ Hà Nội về giảng dạy nhằm khắc phục được những nhược điểm về kỹ thuật của người làm nghề.
Để nghề thêu ren ở xã Trung Thành có điều kiện phát triển, bên cạnh việc mở các lớp đào tạo chuyên sâu thì huyện Phổ Yên cần tạo được sự liên doanh, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nhằm tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm tranh thêu. HTX thêu ren xuất khẩu Trung Thành cũng mong muốn được huyện và tỉnh hỗ trợ để HTX có cơ sở hoạt động ổn định chứ không phải là “cơ sở mượn tạm” tại nhà của thành viên như hiện nay.